Bước ngoặt trong chiến lược an ninh của Nhật Bản
Thế giới - Ngày đăng : 06:30, 02/07/2014
Thỏa thuận mang ý nghĩa bước ngoặt được đảng Dân chủ Tự do (LDP) và đối tác trong liên minh là đảng Công minh Mới (NKP) đạt được chỉ một tháng sau khi tiến hành đàm phán về việc loại bỏ những rào cản pháp lý mà bản Hiến pháp hòa bình áp đặt đối với Lực lượng phòng vệ (SDF). Hai đảng này đã nhất trí với đề xuất của chính phủ nhằm chấm dứt lệnh cấm quân đội Nhật Bản không được tham chiến ở nước ngoài kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay. Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe ngay sau đó đã nhanh chóng thông qua nghị quyết trên như một bước đi đáng chú ý tách rời chủ nghĩa hòa bình thời hậu chiến.
Nhật Bản đã tiến thêm một bước trong nỗ lực khôi phục đầy đủ chức năng của lực lượng quân sự nước này. |
Quyền phòng vệ tập thể từ lâu đã trở thành đề tài nhạy cảm khi Nhật Bản bị giới hạn trong việc triển khai quân đội vì Điều 9 của Hiến pháp cấm nước này sử dụng vũ lực để dàn xếp các tranh chấp quốc tế. Điều 9 của Hiến pháp khẳng định: "Khao khát chân thành hòa bình thế giới dựa trên trật tự và công bằng, người Nhật Bản sẽ mãi mãi từ bỏ chiến tranh như một quyền của quốc gia và từ bỏ việc sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực làm phương tiện để giải quyết các tranh chấp quốc tế. Để đạt được mục đích trên, Nhật Bản sẽ không duy trì lực lượng lục quân, hải quân, không quân cũng như sức mạnh chiến tranh khác. Quyền tham chiến của quốc gia không được thừa nhận". Thế nhưng bối cảnh an ninh khu vực không ngừng diễn biến phức tạp đã đặt nước Nhật trước nhiều thách thức trong bảo đảm an ninh và lợi ích quốc gia. Ngay từ khi lên nắm quyền tháng 12-2012, Thủ tướng S.Abe đã đẩy mạnh kế hoạch giải thích lại Hiến pháp với mong muốn nước Nhật sẽ chủ động hơn trong bảo đảm hòa bình và an ninh khu vực cũng như thế giới. Đặc biệt, khi cuộc "khẩu chiến" giữa Nhật Bản với Trung Quốc ngày một căng thẳng xung quanh sự kiện Bắc Kinh đơn phương tuyên bố thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông và hàng loạt hành động hung hăng nhằm độc chiếm Biển Đông của Bắc Kinh đã thúc đẩy Tokyo quyết tâm thay đổi.
Theo nghị quyết vừa được chính phủ của Thủ tướng S.Abe thông qua, Nhật Bản sẽ được phép thực thi quyền phòng vệ tập thể nếu "sự tồn tại của đất nước bị đe dọa và xuất hiện những nguy cơ rõ ràng đe dọa tới quyền sống, tự do và mưu cầu hạnh phúc của người dân". Nghị quyết mới này cũng nhất trí chấm dứt việc cấm Nhật Bản hỗ trợ một nước bạn bè trong trường hợp quốc gia đó bị tấn công. Ngoài ra, nghị quyết cũng nới lỏng những hạn chế về hoạt động trong chiến dịch gìn giữ hòa bình do Liên hợp quốc đứng đầu… Với nghị quyết mới này, đảng LDP của Thủ tướng S.Abe hy vọng sẽ thay đổi cách hiểu kéo dài hàng thập kỷ qua về bản Hiến pháp khi đưa ra chủ trương rằng, việc sử dụng vũ lực mà Hiến pháp cho phép có thể coi là quyền phòng vệ tập thể theo luật quốc tế.
Việc Nhật Bản nhất trí sửa đổi Điều 9 có thể là khởi đầu cho những thay đổi lớn trong chính sách an ninh, chính trị và quan hệ an ninh với các nước khác, trên hết là các đồng minh thân cận như Mỹ, Australia và Philippines. Song Trung Quốc và Hàn Quốc lại bày tỏ lo ngại rằng việc điều chỉnh Điều 9 có thể làm trầm trọng thêm căng thẳng trong khu vực. Trung Quốc từng lên tiếng sẽ "đề cao cảnh giác với các ý định thực sự của Nhật Bản" khi cáo buộc hành động trên của Nhật Bản là nhằm "phá hoại trật tự thế giới sau chiến tranh". Trong khi đó, Seoul thừa nhận phòng vệ tập thể là một quyền quốc gia của Tokyo nhưng không chấp nhận việc SDF can thiệp trong một cuộc xung đột trên bán đảo Triều Tiên mà không có đề nghị trực tiếp từ Hàn Quốc.
Vượt qua nhiều tranh cãi và áp lực từ trong nước, chính phủ của Thủ tướng S.Abe đã đạt được những điều chỉnh mang tính bước ngoặt trong chính sách an ninh. Trong bối cảnh khu vực Đông Bắc Á cũng như Đông Nam Á đang đứng trước nhiều bất ổn an ninh bởi những hành vi phi pháp của Trung Quốc thì động thái này là cần thiết để Nhật Bản có thể chủ động ứng phó với các mối đe dọa đang tăng lên và góp phần tạo thế cân bằng cán cân quân sự tại Châu Á - Thái Bình Dương.