Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri Hà Nội
Chính trị - Ngày đăng : 20:21, 01/07/2014
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với cử tri quận Hoàn Kiếm. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN) |
Sau hơn một tháng làm việc khẩn trương, nghiêm túc với tinh thần dân chủ và trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ 7 Quốc hội Khóa XIII đã kết thúc tốt đẹp, cơ bản hoàn thành chương trình đề ra với nhiều nội dung quan trọng về công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Tại Kỳ họp này, Quốc hội đã dành phần lớn thời gian cho công tác xây dựng pháp luật, nhằm cụ thể hóa các nội dung của Hiến pháp 2013, khẩn trương triển khai Hiến pháp vào thực tế cuộc sống.
Cụ thể, Quốc hội đã xem xét, thông qua 11 luật, 2 nghị quyết, cho ý kiến về 16 dự án luật khác; thảo luận, cho ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.
Quốc hội cũng đã xem xét một số báo cáo, tiến hành giám sát chuyên đề, chất vấn và trả lời chất vấn, tập trung vào một số vấn đề quan trọng, cấp thiết, được cử tri và dư luận quan tâm. Quốc hội đã thể hiện ý chí toàn dân, thảo luận kỹ, sâu sắc về tình hình Biển Đông, việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou 981) trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam; ra Thông cáo tuyên bố lập trường chính nghĩa của Việt Nam và gửi Công hàm tới Quốc hội và cộng đồng nghị sỹ các nước.
Cử tri hoan nghênh cách làm việc của các đại biểu Quốc hội, ngay sau Kỳ họp đã tiến hành tiếp xúc cử tri để thông báo kết quả Kỳ họp, những việc đã bàn bạc, quyết định và những việc đang làm. Cử tri bày tỏ phấn khởi, tin tưởng vào các chủ trương, quyết sách của Đảng, Nhà nước trong bối cảnh tình hình có nhiều khó khăn, thể hiện trí tuệ, bản lĩnh của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế-xã hội, cũng như giải quyết vấn đề Biển Đông.
Sáu tháng đầu năm nay, vượt qua khó khăn, thách thức, Việt Nam vẫn đạt tăng trưởng GDP trên 5%, kiềm chế lạm phát ở mức dưới 5%... Đây là cố gắng rất lớn của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị.
Nhiều cử tri đã phát biểu thẳng thắn, tâm huyết, đề cập nhiều vấn đề lớn của đất nước, như bảo vệ chủ quyền biển đảo; đấu tranh phòng chống tham nhũng lãng phí; nêu cao vai trò gương mẫu, phát huy trách nhiệm của cán bộ, đảng viên; phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, như công nghiệp cơ khí... nhằm thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước như mục tiêu Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đã đề ra; phát huy vai trò, trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội nhằm tăng cường giáo dục đạo đức công dân; đổi mới giáo dục; quản lý đất đai, xây dựng...
Về việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, cử tri bày tỏ đồng tình cao với chủ trương, quyết sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam.
Tuy nhiên, trong khi Việt Nam luôn thiện chí giải quyết vấn đề Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, thì phía Trung Quốc vẫn tiếp tục gây hấn trên Biển Đông. Cử tri cho rằng cần có những biện pháp đấu tranh kiên quyết hơn; cần tăng cường công tác thông tin tuyên truyền để cộng đồng quốc tế hiểu rõ âm mưu độc chiếm Biển Đông và những hành động sai trái của Trung Quốc.
Nhiều cử tri bày tỏ băn khoăn, bức xúc về tình trạng tham nhũng, lãng phí; cho rằng đây là quốc nạn cần kiên quyết đẩy lùi, ngăn chặn. Lâu nay, chúng ta đổ lỗi cho cơ chế, chính sách thiếu đồng bộ, nhưng quan trọng là thực thi pháp luật chưa nghiêm, thậm chí tiêu cực ngay trong cơ quan bảo vệ pháp luật. Việc chống tham nhũng, lãng phí cần thực hiện từ những việc làm nhỏ nhất, cụ thể, thiết thực hàng ngày.
Thay mặt các đại biểu Quốc hội có mặt, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hoan nghênh và ghi nhận những ý kiến đóng góp xác đáng, tâm huyết và trách nhiệm của cử tri.
Trước sự quan tâm sâu sắc của nhiều cử tri về tình hình Biển Đông và chủ trương, giải pháp của Đảng, Nhà nước Việt Nam, Tổng Bí thư nhấn mạnh đây là vấn đề rất lớn, rất hệ trọng và nhạy cảm, liên quan đến sự ổn định, phát triển sắp tới của đất nước, liên quan đến việc giữ gìn độc lập chủ quyền quốc gia, việc giải quyết quan hệ láng giềng của Việt Nam với Trung Quốc như thế nào để chung sống với nhau một cách hòa bình, thân thiện, hữu nghị, hợp tác phát triển, đồng thời phải giữ cho được độc lập chủ quyền.
Vừa qua, Trung ương họp đã nghe báo cáo, thảo luận và có chủ trương, sau đó Quốc hội họp, ra thông cáo 4 điểm rất quan trọng, đó chính là chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước Việt Nam.
Tổng Bí thư chỉ rõ: Việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là vi phạm pháp luật quốc tế, vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, vi phạm thỏa thuận cấp cao giữa hai Đảng, hai Nhà nước Việt Nam-Trung Quốc, ảnh hưởng đến an ninh an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông.
Việt Nam kịch liệt phản đối, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương-981 và các tàu hộ tống đi cùng ra khỏi vùng biển của Việt Nam, đi vào đàm phán, đối thoại. Chúng ta chủ trương đấu tranh một cách toàn diện, phát huy sức mạnh tổng hợp cả trên thực địa, cả về chính trị, ngoại giao, tuyên truyền đối ngoại, nhưng với tinh thần hết sức bình tĩnh, tỉnh táo, sáng suốt, kiên quyết và kiên trì, không để xảy ra xung đột, không để xảy ra chiến tranh.
Đây là cuộc đấu tranh lâu dài, khó khăn phức tạp; chủ trương của chúng ta là giải quyết bằng con đường đàm phán hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, kể cả con đường đấu tranh pháp lý. Mục tiêu của chúng ta là giữ vững hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước, giữ cho được an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ chế độ, bảo vệ Đảng, Nhà nước, bảo vệ nhân dân.
Chúng ta kiên trì thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trên thế giới, vì hòa bình, ổn định và phát triển, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Chúng ta cũng cần nhận rõ không đồng nhất việc đấu tranh chống lại âm mưu thủ đoạn độc chiếm Biển Đông, những hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm chủ quyền của Việt Nam, với 1,3 tỷ người dân Trung Quốc; cha ông chúng ta và Bác Hồ lúc sinh thời đã làm biết bao nhiêu việc để xây dựng mối quan hệ láng giềng hữu nghị.
Tổng Bí thư cũng lưu ý không để các phần tử quá khích, phần tử xấu lợi dụng phá hoại công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Tất cả các cơ quan, đơn vị, các vùng, miền phải có biện pháp, phải chuẩn bị các khả năng, mọi hành động, lời nói, việc làm đều phải tính toán kỹ, dưới sự chỉ đạo tập trung thống nhất, các mặt trận phối hợp với nhau.
Tinh thần của chúng ta là kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc; dám làm nhưng phải biết cách làm. Tổng Bí thư hoan nghênh và cảm ơn cử tri, nhân dân đã hoàn toàn ủng hộ, tin tưởng và nhất trí cao với chủ trương của Đảng, Nhà nước; cảm ơn Quốc hội, Chính phủ, nhân dân các nước trên thế giới đã ủng hộ lập trường, quan điểm của Việt Nam.
Về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, Tổng Bí thư nhấn mạnh đây là sự quan tâm chung của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, cả hệ thống chính trị và của toàn dân; đây là giặc nội xâm, là kẻ thù trong chính mỗi con người, mỗi tổ chức, đơn vị, đây là mặt trận nóng bỏng nhưng cũng hết sức phức tạp và lâu dài, đòi hỏi phải kiên quyết, kiên trì, phải dựa vào dân.
Mỗi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, có như vậy mới tạo được niềm tin trong nhân dân, chỉ một việc làm thôi, dân nhìn vào và tin tưởng, còn nói bao nhiêu đi nữa nhưng không làm thì dân không tin. Cần chống tham nhũng ngay chính trong các cơ quan chống tham nhũng, về hưu rồi vẫn phải làm, nếu có dấu hiệu vi phạm cần kiểm tra, xác minh, kết luận rõ ràng, với phương châm đúng người đúng tội, đúng pháp luật, không để oan sai, nhưng cũng không để lọt tội.
Tổng Bí thư chỉ rõ nói đến tham nhũng, lãng phí thì có phòng và chống. Phòng có rất nhiều việc phải làm, xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách để không thể tham nhũng, không dám tham nhũng và không cần tham nhũng.
Vừa rồi là khâu yếu của chúng ta là kê khai tài sản, Bộ Chính trị đã ra chỉ thị về vấn đề này, yêu cầu các cấp ủy Đảng phải chỉ đạo thực hiện trong toàn Đảng. Chống cũng có nhiều khâu, trước hết là phải làm sao phát hiện cho được tham nhũng, phát hiện rồi làm sao điều tra cho ra, rồi khởi tố, truy tố, xét xử sao cho kịp thời, công minh.
Tổng Bí thư đã trao đổi, làm rõ những băn khoăn của cử tri liên quan đến việc thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường; đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo; việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, coi đây là một kênh để đánh giá cán bộ, một biện pháp giám sát, răn đe, ngăn ngừa những trường hợp làm không tốt.
Tổng Bí thư nhấn mạnh triển khai việc gì phải có hiệu quả, với tinh thần thận trọng, cái gì đã rõ, đã chín, được thực tiễn chứng minh là đúng và có sự thống nhất cao thì đưa vào thực hiện.
Tổng Bí thư nhấn mạnh hoạt động tiếp xúc cử tri trước và sau mỗi Kỳ họp Quốc hội là trách nhiệm của đại biểu Quốc hội theo luật định, nhằm lắng nghe, tiếp thu những ý kiến đóng góp, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của cử tri, đồng thời báo cáo cử tri những việc mà Quốc hội đã làm được, những việc còn đang trong quá trình xem xét giải quyết.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mong muốn tiếp tục nhận được nhiều ý kiến đóng góp của cử tri về các vấn đề quan trọng của đất nước, giúp đại biểu Quốc hội hoàn thành tốt nhiệm vụ mà cử tri và nhân dân giao phó.