Tái cơ cấu VNPT: Đã rõ kịch bản
Kinh tế - Ngày đăng : 06:48, 01/07/2014
VNPT là tập đoàn nhà nước cuối cùng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án tái cơ cấu. Ảnh: Hải Anh |
MobiFone về Bộ TT-TT từ ngày 1-7
Theo QĐ số 888 về tái cơ cấu VNPT, 3 đơn vị gồm Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (BCVT), Công ty MobiFone-VMS, Bưu điện TƯ được điều chuyển nguyên trạng về Bộ TT-TT và bộ này là cơ quan chủ quản kiêm đại diện sở hữu vốn nhà nước tại các đơn vị trên. Ba đơn vị y tế và các trường trung học BCVT-CNTT tại Hà Nam, Tiền Giang, Thái Nguyên sẽ điều chuyển về các địa phương này. Việc bàn giao các đơn vị về Bộ sẽ được triển khai ngay để từ ngày 1-7, cả MobiFone, Học viện Công nghệ BCVT, Bưu điện TƯ sẽ do Bộ trực tiếp quản lý. Riêng MobiFone cùng với việc chia tách khỏi VNPT sẽ xây dựng đề án cổ phần hóa, dự kiến trình Chính phủ vào cuối năm 2014.
Các đơn vị còn lại của VNPT sẽ được sắp xếp theo hướng: DN quản lý, kinh doanh viễn thông sẽ trở thành Công ty TNHH một thành viên (MTV) Dịch vụ viễn thông VNPT - Vinaphone để quản lý và kinh doanh dịch vụ viễn thông. Các công ty, đơn vị, bộ phận quản lý, kinh doanh phần mềm, giá trị gia tăng được tổ chức thành VNPT - Media. Các công ty quản lý kinh doanh hạ tầng mạng viễn thông sẽ trở thành Công ty TNHH MTV VNPT-Net. VNPT cũng phải tổ chức lại Công ty TNHH MTV Cáp quang FOCAL và Công ty cổ phần Công nghệ công nghiệp BCVT VNPT-Technology thành công ty con của VNPT phát triển kinh doanh sản phẩm phần cứng, phần mềm, công nghiệp CNTT. Công ty TNHH MTV Tài chính bưu điện sẽ được sắp xếp lại, trong đó có tính phương án thoái vốn hoặc phá sản. Còn 63 đơn vị viễn thông tỉnh, thành phố sẽ trở thành chi nhánh của VNPT, quản lý khai thác mạng ngoại vi, thiết bị đầu cuối tại các điểm dịch vụ công cộng, kinh doanh hàng hóa theo hợp đồng giữa các bên; điểm khác biệt là các đơn vị này không hoạt động theo mệnh lệnh hành chính như trước mà kinh doanh bằng hợp đồng kinh tế. 18 ban của Tập đoàn cũng sẽ được sắp xếp lại nhằm bảo đảm gọn nhẹ, tập trung một số nhiệm vụ chính gồm: Nghiên cứu xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển thị trường và mạng lưới; tổ chức thực hiện công tác cán bộ... Lãnh đạo Bộ TT-TT cũng khẳng định, việc sắp xếp các đơn vị của VNPT theo đề án tái cơ cấu sẽ được triển khai ngay trong năm nay, bảo đảm từ đầu năm 2015, VNPT sẽ hoạt động theo mô hình mới.
Sẽ thành lập Tổng Công ty Vinaphone?
Theo QĐ số 888, các DN quản lý, kinh doanh viễn thông sẽ trở thành Công ty TNHH MTV Dịch vụ viễn thông VNPT-Vinaphone để quản lý và kinh doanh dịch vụ viễn thông. Vậy Vinaphone sẽ giữ nguyên tên là công ty TNHH MTV hay sẽ theo mô hình thành lập Tổng Công ty Vinaphone? Theo kế hoạch, các đơn vị kinh doanh những gì liên quan đến viễn thông như di động, internet, giá trị gia tăng… sẽ được sắp xếp thuộc quản lý của Vinaphone và kinh doanh trong cả nước và như vậy bộ máy của Vinaphone sẽ rất lớn. Trong khi đó, một số ý kiến cho rằng, nếu so sánh với mô hình hoạt động của Tập đoàn Viettel - kinh doanh cùng ngành nghề thì bộ phận kinh doanh viễn thông của tập đoàn này cũng có thể được thành lập Tổng Công ty Viễn thông. Hoặc cũng có thể so sánh với Tập đoàn EVN, hai đơn vị của EVN tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh chỉ kinh doanh trên địa bàn hai địa phương này, nhưng được thành lập thành Tổng Công ty Điện lực Hà Nội và Tổng Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh. Do vậy, để bảo đảm có mô hình hoạt động phù hợp, hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh, việc hình thành Tổng Công ty Vinaphone là cần thiết và hợp lý. Về vấn đề này, cũng tại hội nghị công bố QĐ số 888 của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Bắc Son cũng khẳng định, Bộ, VNPT sẽ nghiên cứu, lựa chọn mô hình hoạt động cho phù hợp với Vinaphone, đồng thời tạo sự bình đẳng trong hoạt động của các DN. Bộ cũng sẽ báo cáo Chính phủ về vấn đề này.
Tuy nhiên, liên quan đến tên gọi của VNPT sau tái cơ cấu, theo QĐ số 888 của Thủ tướng Chính phủ, VNPT vẫn giữ nguyên tên đầy đủ là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông, mặc dù đã hoàn thành xong việc chia tách bưu chính từ cuối năm 2012. Theo Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Bắc Son, Chính phủ cũng xác định VNPT là thương hiệu lớn của cả nước, hơn nữa việc giữ lại tên gọi Tập đoàn Bưu chính Viễn thông VNPT cũng là cách để tiếp nối truyền thống của ngành bưu điện đã dày công vun đắp 69 năm qua.