Hà Nội và Viêng Chăn hợp tác phát triển nông nghiệp

Đối ngoại - Ngày đăng : 15:09, 30/06/2014

(HNMO) - Sáng nay (30-6), Sở Nông lâm nghiệp Thủ đô Viêng Chăn (Lào) phối hợp với Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả hợp tác phát triển nông lâm nghiệp giữa hai Thủ đô và triển khai kế hoạch hợp tác trong thời gian tiếp theo.


Lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Nội và Sở Nông lâm nghiệp Thủ đô Viêng Chăn ký hợp biên bản tác phát triển nông nghiệp.


Tại hội nghị, lãnh đạo 2 sở cho biết, trong nhiều năm qua, Sở NN&PTNT Hà Nội đã hợp tác, tư vấn giúp ngành nông, lâm nghiệp Thủ đô Viêng Chăn đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực. Thành phố Hà Nội đã cử nhiều chuyên gia, cán bộ kỹ thuật nông nghiệp sang Viêng Chăn hướng dẫn, tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; hướng dẫn giúp đỡ sinh viên Lào nghiên cứu, tìm hiểu về sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, tư vấn, cung cấp các tài liệu khoa học kỹ thuật, quy trình trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, trong đó, tập trung vào các giống gà, lợn, rau, hoa, quả, lúa năng suất, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của Lào. Trung tâm Giống cây trồng và Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội đã phối hợp với Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp Lào) hướng dẫn xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp hàng hoá tập trung, nhờ vậy, hiệu quả sử dụng đất khá hiệu quả và thu ngập của nông dân Viêng Chăn nâng lên đáng kể. Năm 2012, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Sở Nông lâm nghiệp Viêng Chăn thực hiện xong đề cương “Quy hoạch phát triển nông, lâm nghiệp Thủ đô Viêng Chăn đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030” và đã được Ngài Đô trưởng Thủ đô Viêng Chăn phê duyệt...

Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp Hà Nội cho biết, Hà Nội có 407 xã, thị trấn với dân số gần 4 triệu người. Trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội, sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn có vị trí khá quan trọng của Thủ đô Hà Nội. Với gần 190.000ha đất nông nghiệp, trong đó đất trồng hai vụ lúa gần 102.000ha chủ yếu là diện tích lúa hàng hoá chất lượng cao, với năng suất bình quân trên 6,2 tấn/ha/vụ. Ngoài lúa, Hà Nội đang tập trung phát triển vùng sản xuất rau an toàn tập trung, trồng hoa chất lượng cao, cây cảnh... Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng đàn gia súc, gia cầm với 25 triệu con gia cầm/năm; trên 1,4 triệu con lợn; 155.000 nghìn con trâu, bò trong đó số lượng bò sữa là 11.000 con. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng hàng năm đặt trên 400.000 tấn... Nhờ vậy, sản xuất nông nghiệp của Hà Nội luôn duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định từ 1,5-2% trở lên; riêng giá trị sản xuất nông nghiệp thực tế đặt 231 triệu đồng/ha... Để tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp, đi đôi với cơ chế, chính sách hỗ trợ, thành phố đã cho phép triển khai nhiều quy hoạch chuyên ngành cũng như chương trình, dự án đầu tư... Một thuận lợi nữa, trên địa bàn thành phố Hà Nội có nhiều trung tâm nghiên cứu khoa học hàng đầu của cả nước và số lượng doanh nghiệp khá nhiều, đây là cũng là tiềm năng lợi thế của Thủ đô Hà Nội. Ông Kay sỏn In Si Xiêng Mai, Giám đốc Sở Nông lâm nghiệp Viêng Chăn cho biết, từ lâu ngành nông nghiệp hai Thủ đô (Hà Nội và Viêng Chăn) đã có mối quan hệ đặc biệt, gắn bó mất thiết, thông qua các chương trình hợp tác hiệu quả. Ông Kay sỏn In Si Xiêng Mai mong sự hợp tác vươn lên tầm cao mới và về chiều sâu và bề rộng trong sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn.

Căn cứ vào lợi thế của mỗi Thủ đô, lãnh đạo hai sở đã thống nhất bằng biên bản ghi nhớ, tiếp tục phát triển hợp tác toàn diện, sâu rộng hơn nữa trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn. Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp chặt chẽ với Sở Nông lâm nghiệp Viêng Chăn xây dựng kế hoạch, lộ trình và thời gian triển khai thực hiện dự án “Quy hoạch phát triển nông, lâm nghiệp Thủ đô Viêng Chăn đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”; hỗ trợ Viêng Chăn trong công tác quản lý nhà nước về nông nghiệp, ruộng đất, phân hạng ruộng đất, quản lý thuỷ lợi, ứng dụng kỹ thuật trong nông nghiệp, đưa cơ giới hoá vào sản xuất và tiếp cận với công nghiệp cao trong nông nghiệp... Hai bên cũng tăng cường hơn nữa trao đổi kinh nghiệm quản lý nhà nước về phát triển nông lâm nghiệp, đồng thời cam kết là đầu mối để kết nối doanh nghiệp của hai nước hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, thuỷ sản được hoạt động hợp tác sản xuất, kinh doanh, giao thương, liên kết giữa Thủ đô Viêng Chăn và Hà Nội.

Thuý Nga