Bộ GTVT “vạch trần” nhiều sai phạm trong kinh doanh vận tải

Đời sống - Ngày đăng : 09:57, 30/06/2014

Bộ Giao thông Vận tải vừa có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả kiểm tra chấp hành các quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô tại 63 địa phương.


Qua đó, Bộ đã chỉ ra hàng loạt những tồn tại trong công tác quản lý Nhà nước, hoạt động vận tải của doanh nghiệp và hợp tác xã kinh doanh đồng thời cũng tiến hành thu hồi giấy phép kinh doanh của hơn 15% đơn vị vận tải vì có sai phạm trong điều kiện kinh doanh.

Đụng đâu, sai đó

Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, qua kiểm tra, nhiều địa phương đã tăng cường công tác quản lý Nhà nước về vận tải; các phương tiện kinh doanh vận tải đã được lắp thiết bị giám sát hành trình theo quy định bước đầu thực hiện có hiệu quả việc kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm thông qua thiết bị này...

Tuy nhiên, một số địa phương còn buông lỏng, chưa quan tâm đúng mức đến công tác quản lý vận tải; việc cấp giấy phép kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container đạt tỷ lệ thấp.

Cùng với đó, nhiều Sở Giao thông Vận tải chưa thực hiện kiểm tra, giám sát hoạt động vận tải bằng xe ôtô qua thiết bị giám sát hành trình hoặc đã thực hiện kiểm tra, giám sát nhưng không xử lý các vi phạm, đặc biệt đối với các vi phạm về tốc độ, hành trình chạy xe, thời gian lái xe; chưa quan tâm đến công tác thanh kiểm tra, thậm chí có Sở chưa thực hiện. Công tác hậu kiểm sau khi cấp phép kinh doanh vận tải tại nhiều tỉnh bị buông lỏng hoặc có thực hiện nhưng hiệu quả công tác hậu kiểm thấp, dẫn tới đa phần các đơn vị vận tải được kiểm tra có nhiều tồn tại, vi phạm.

Đáng chú ý, sai phạm tập trung chủ yếu ở các đơn vị vận tải có quy mô nhỏ, phương tiện thuộc quyền sở hữu của nhiều cá nhân.

Các tồn tại chủ yếu như: Một số đơn vị không có người trực tiếp điều hành kinh doanh vận tải (7/350 đơn vị) hoặc có người điều hành nhưng không đủ điều kiện theo quy định (68/350 đơn vị). Nhiều đơn vị không quan tâm đến bộ phận quản lý, theo dõi các điều kiện về an toàn giao thông; không quản lý, sử dụng phương tiện để thực hiện kinh doanh vận tải doanh mà chỉ làm các thủ tục pháp lý để cho xe đủ điều kiện về giấy tờ hoạt động trên tuyến mà chủ yếu là khoán trắng, cho thuê thương hiệu…

Kết quả xử lý vi phạm cho thấy, các đoàn kiểm tra đã phát hiện, kiến nghị xử phạt vi phạm hành chính đối với 636 lỗi vi phạm, với tổng số tiền xử phạt trên 2,3 tỷ đồng; có 53/350 đơn vị bị thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ôtô (chiếm 15,1% tổng số đơn vị được kiểm tra); có 113/350 đơn vị bị tước quyền sử dụng giấy phép cho đến khi khắc phục xong tồn tại (chiếm 32,2%); có 1.370 phương tiện bị thu hồi phù hiệu, sổ nhật trình; thu hồi 134 chấp thuận khai thác tuyến.


Thanh tra toàn diện, chấn chỉnh quản lý

Để kịp thời chấn chỉnh và tăng cường quản lý Nhà nước về vận tải, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các bộ, ban, ngành và các địa phương trong việc triển khai kiểm soát tải trọng phương tiện; tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông...

Bên cạnh đó, Bộ Công an chỉ đạo lực lượng cảnh sát các địa phương tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm đối với phương tiện vận tải chạy quá tốc độ, lấn làn đường, lái xe sử dụng chất kích thích, chất ma túy; chỉ đạo Công an các tỉnh, thành phố bố trí lực lượng tích cực, tăng cường phối hợp với Sở Giao thông Vận tải tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử lý xe quá khổ, qua tải.

Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai quyết liệt kế hoạch thanh tra liên ngành (Giao thông Vận tải, Công an, Lao động-Thương binh và Xã hội, Y tế) nhằm thanh tra toàn diện đối với các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ôtô trên địa bàn; đặc biệt kiểm tra, đánh giá công tác khám sức khỏe lái xe của các cơ sở y tế; xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân vi phạm./.

Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, các đoàn đã kiểm tra công tác quản lý Nhà nước về vận tải và việc chấp hành các quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô của 350/1.919 đơn vị kinh doanh vận tải (tuyến cố định, taxi, container); trong đó kiểm tra 112 hợp tác xã vận tải (chiếm 32% số đơn vị được kiểm tra), số lượng phương tiện được kiểm tra là 11.976 xe ôtô.

Theo TTXVN/Vietnam+