Ukraine ký kết hiệp định liên kết với EU: Không phải cây đũa thần

Thế giới - Ngày đăng : 06:32, 30/06/2014

(HNM) - Đúng với những gì dự đoán, cuộc khủng hoảng ở Ukraine lại vừa có thêm những diễn biến khó lường ngay sau khi Liên minh Châu Âu (EU) chính thức ký hiệp định liên kết mang tính lịch sử với Ukraine, Gruzia và Moldova.


Trong bối cảnh 3 nước cộng hòa vốn nằm trong không gian ảnh hưởng truyền thống của Nga - đặc biệt là Ukraine - cam kết theo đuổi một tương lai ở Châu Âu, chắc chắn "cuộc đấu trí" sắp tới liên quan tới bàn cờ địa chính trị bên bờ Biển Đen sẽ có thêm những bước đi quyết liệt hơn.

Một số người dân Ukraine ăn mừng sau khi nước này ký hiệp định liên kết với EU.


Theo thỏa thuận được ký kết, EU sẽ dỡ bỏ 98% thuế quan với Ukraine. Ngược lại, Ukraine cũng dỡ bỏ 99% thuế quan để tăng cường thương mại song phương. Thỏa thuận mới cũng buộc Ukraine phải áp dụng các quy chuẩn của EU về sản phẩm, mua sắm chính phủ, chính sách cạnh tranh, sở hữu trí tuệ... Các nhà phân tích cho rằng, việc ký kết thỏa thuận hợp tác với Cựu lục địa sẽ đem lại lợi ích kinh tế dài hạn cho Ukraine vì khả năng tiếp cận một thị trường rộng lớn, hấp dẫn các nhà sản xuất với dân số lên đến 506 triệu người. Ước tính, thỏa thuận này sẽ giúp tăng thu nhập quốc gia của nước này thêm 1,2 tỷ euro (1,6 tỷ USD)/năm. Các nhà xuất khẩu của Ukraine cũng sẽ tiết kiệm được gần 500 triệu euro (685 triệu USD)/năm bởi họ không còn phải trả thuế. Tóm lại, xuất khẩu của Ukraine sang EU được dự đoán sẽ tăng thêm 1 tỷ USD/năm. Về lâu về dài, sản lượng kinh tế của Ukraine có thể tăng thêm 1%/năm nhờ vào tăng xuất khẩu trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ, đồng thời đầu tư của EU vào Ukraine cũng tăng lên.

Tuy nhiên, một lý do mà cựu Tổng thống Viktor Yanukovich không muốn ký thỏa thuận hợp tác với EU hồi cuối năm ngoái là vì Kiev sẽ đứng trước nguy cơ mất khoảng 500 tỷ USD giá trị giao dịch thương mại với Nga. Rủi ro ngắn hạn của Kiev lúc này là việc Nga sẽ trừng phạt kinh tế Ukraine. Kremlin cũng tuyên bố sẽ gỡ bỏ đặc quyền thương mại tự do mà Kiev đang có và bắt đầu áp thuế trở lại đối với Ukraine. Điều này chắc chắn sẽ gây ra những ảnh hưởng đáng kể khi Nga đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Ukraine (25,6%). Bên cạnh đó, giấc mơ hòa nhập vào nền kinh tế EU của Kiev không dễ thành công trong một sớm một chiều. Để đáp ứng được yêu cầu của thị trường khó tính này, bản thân các doanh nghiệp Ukraine sẽ phải có sự đầu tư nghiêm túc từ cung cách sản xuất cho đến dây chuyền công nghệ. Trong bối cảnh quốc gia bên bờ Biển Đen đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ và nền kinh tế đối mặt với khủng hoảng, việc "thay máu" công nghệ sản xuất là một thách thức quá khó cho các doanh nghiệp vốn đang chật vật chống chọi với hậu quả của cơn bão tài chính.

Mặc dù, một ngày trước khi ký kết thỏa thuận, Tổng thống Petro Poroshenko cố thể hiện thiện chí khi tuyên bố sẵn sàng ký thỏa thuận hòa bình với Nga để chấm dứt tình trạng nổi dậy của phe ly khai tại miền Đông Ukraine. Tuy nhiên, việc 3 quốc gia láng giềng rời bỏ "quỹ đạo" gây ảnh hưởng lớn tới các mục tiêu chiến lược sẽ khiến Nga không thể không đưa ra những biện pháp đáp trả. Điều này có thể sẽ phủ bóng lên các cuộc đàm phán sắp tới giữa Kiev, Mátxcơva và Tổ chức An ninh và hợp tác Châu Âu (OSCE) liên quan đến tình hình miền Đông Ukraine.

Trong khi đó, quan hệ Nga - phương Tây vẫn tiếp tục căng thẳng. EU đã cho Nga thời hạn chót đến hết ngày hôm nay (30-6) phải thay đổi chính sách về Ukraine, nếu không sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị trừng phạt nghiêm khắc hơn. Trong một tuyên bố, 28 nhà lãnh đạo của EU yêu cầu Nga phải tiến hành 4 bước, trong đó có việc ủng hộ rõ ràng kế hoạch hòa bình của Chính phủ Ukraine, nếu không EU sẽ "đánh giá lại tình hình và nếu cần sẽ thông qua các quyết định cần thiết", dẫn tới khả năng "tăng cường các biện pháp hạn chế đáng kể". Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo EU còn mong muốn giới chức Ukraine được trao quyền quản lý 3 trạm kiểm soát biên giới; lực lượng ly khai ở miền Đông phải trả tự do cho tất cả các con tin, trong đó có các nhân viên của OSCE trong thành phần phái đoàn quan sát viên của Châu Âu.

Theo con số của Liên hợp quốc, kể từ khi khủng hoảng bùng phát vào tháng 11 năm ngoái đã có hơn 250 người thiệt mạng. Khoảng 110.000 người đã rời bỏ Ukraine để sang Nga, trong khi hơn 54.000 người đã phải đi sơ tán bên trong lãnh thổ của quốc gia bị xung đột tàn phá này. Hiện chưa biết tiến trình hòa bình tại Ukraine sẽ đi đến đâu và khi nào đất nước 45 triệu dân này mới tìm lại được sự ổn định, song rõ ràng cái giá mà Kiev phải đánh đổi để gần gũi hơn với phương Tây đến thời điểm này là rất đắt đỏ. Dù Ukraine đã hoàn thành "tâm nguyện" gắn kết với Châu Âu nhưng hiệp định vừa ký kết không thể là cây đũa thần có thể ngay lập tức đảo ngược tình trạng bất ổn tại nước này.

Quỳnh Chi