Phức tạp kéo dài do buông lỏng quản lý
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:27, 30/06/2014
Từ đầu làng bún Phú Đô, hỏi đường vào hồ Đồng Rạnh, một phụ nữ luống tuổi bán hàng ven đường tưng tửng: "Hồ Đồng Rạnh à, làm gì còn hồ với nước nữa, đổ đất lấn chiếm hết rồi". Sau khi chỉ đường, người bán hàng tốt bụng cũng không quên dặn: "Ở đó khá phức tạp, phải cẩn thận các cháu nhé!".
Người dân tiếp tục đổ đất vào hồ Đồng Rạnh. |
Theo chỉ dẫn, chúng tôi men theo đê sông Nhuệ ra hồ Đồng Rạnh. Tận mắt chứng kiến mới thấy xót xa cho một hồ nước từng có diện tích lên đến hơn 6ha nhưng giờ đã bị "băm nát". Ngay bờ đê sông Nhuệ có một con đường mòn khá rộng hằn rõ vết bánh xe ô tô tải chạy. Một người dân sinh sống ở khu vực này cho biết đây chính là con đường để ô tô chở đất vào lấp lòng hồ Đồng Rạnh. Đi theo con đường này vào phía lòng hồ, chúng tôi thực sự "sốc" khi chứng kiến một bãi đất rộng, có độ cao hơn hẳn những ngôi nhà dân ở xung quanh, đất đổ đã tràn rộng ra phía ngoài lòng hồ.
Sang phía bên kia bờ hồ, lần theo con đường mòn nhỏ, cây dại mọc um tùm, vào sâu phía trong bãi cạn khu vực hồ Đồng Rạnh, chúng tôi tiếp tục phát hiện thêm nhiều điều "chướng tai gai mắt". Và cũng phải khi vào đến tận đây mới thấy được hồ Đồng Rạnh vẫn còn chút mặt nước nhưng chỉ bằng một góc rất nhỏ so với diện tích hơn 6ha trước đây. Tuy nhiên, phần diện tích mặt nước sót lại này cũng đang bị người dân lấn chiếm, sử dụng vô tội vạ. Chúng tôi chứng kiến một hộ dân đang chở đất bằng xe công nông để đổ vào lòng hồ, đắp bờ vùng. Trong khi đó, ở khu vực bãi cạn có nhiều nhà cấp bốn xây dựng và có người dân sinh sống. Theo người dân trong làng Phú Đô cho biết, từ lâu khu vực này vẫn được gọi là "xóm liều". Gọi là "xóm liều" vì thứ nhất là họ đã liều lĩnh "nhảy dù", xây dựng nhà ở trên đất công; thứ hai là dám ra ở khu vực chưa có cơ sở hạ tầng, cây dại mọc um tùm như rừng - một người dân phân tích.
Chưa hết, khi đi lên phía bờ sông Nhuệ, chúng tôi hết sức ngỡ ngàng khi có người đã công khai rao bán đất hành lang sông. Để khẳng định "chữ tín", anh này cho biết chính mảnh đất rộng hơn 70m2 anh ta đang ở cũng là đất lấn chiếm, mua của một người dân thôn Phú Đô vào khoảng năm 2007 với giá hơn 300 triệu đồng. Anh ta phân bua: "Tôi làm nhà và ở đây đã khá lâu nhưng chưa thấy vấn đề gì xảy ra. Cũng phải nhờ cậy người quen "làm luật" với chính quyền để tránh phiền phức". Ngoài ra, theo quan sát của chúng tôi, để dễ bề vi phạm, ở phía hành lang sông, nhiều hộ dân đã dựng bờ rào bằng tôn cao, quây kín, nếu nhìn từ bên ngoài rất khó phát hiện những vi phạm ở bên trong. Đến thời điểm này, ở cả khu vực phía đồng và phía hành lang sông Nhuệ đã có rất nhiều nhà cấp bốn được xây dựng và có nhiều hộ dân sinh sống. Đáng nói là khu vực hành lang sông Nhuệ bên phía bờ tả gần Đại lộ Thăng Long đã hình thành một khu dân cư nhỏ.
Chưa rõ trách nhiệm
Trao đổi về vấn đề này, lãnh đạo phường Phú Đô thừa nhận những vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai ở khu vực này đã diễn ra trong nhiều năm qua. Theo thống kê sơ bộ của phường Phú Đô mới đây, hiện có 167 trường hợp sử dụng đất ven hành lang sông Nhuệ, hầu hết đã làm nhà cấp bốn. Có nhiều hộ vi phạm, sử dụng hàng trăm mét vuông đất như ông Nguyễn Tiến Thành 500m2, bà Trịnh Thị Hà 540m2, ông Lê Quốc Nghị 540m2, ông Lê Chí Công 900m2, ông Nguyễn Văn Quyền 700m2... Biên bản kiểm tra các vi phạm tại hành lang sông Nhuệ ngày 17-6-2014 cũng khẳng định: "Tại khu vực hành lang sông Nhuệ từ Phú Đô đến Tân Mỹ (Mỹ Đình), người dân đã đổ đất san lấp hành lang sông Nhuệ và một vài đoạn hành lang sông đã căng dây thép gai chia thành nhiều lô nhỏ, diện tích trung bình mỗi lô khoảng 100m2"…
Tại hồ Đồng Rạnh, mặc dù sai phạm đang xảy ra khá nghiêm trọng nhưng thông tin từ chính quyền phường lại chưa đầy đủ và rõ ràng. Theo Phó Chủ tịch UBND phường Phú Đô Nguyễn Phùng Hưng thì diện tích san lấp, vi phạm mặt bằng tại hồ Đồng Rạnh khoảng 3.000m2 nhưng chưa xác định được lượng đất đã đổ vào hồ là bao nhiêu. Đặc biệt, số lượng các hộ vi phạm làm nhà ở, UBND phường chưa có con số thống kê cuối cùng nhưng diện tích vi phạm được xác định khoảng 1.000m2. Ông Nguyễn Phùng Hưng lý giải rằng, do phường mới thành lập nên phải ưu tiên một số công việc cấp bách hơn, hiện phường đang chỉ đạo thống kê các vi phạm ở đây để báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguồn gốc đất hồ Đồng Rạnh thuộc loại "đất nông nghiệp khó giao", một số diện tích được HTX Nông nghiệp Phú Đô giao cho các hộ dân canh tác nhưng đến thời điểm này đều đã hết hạn hợp đồng. Khi chúng tôi nêu việc ngoài thực địa vẫn có hiện tượng hộ dân sử dụng đất, thậm chí đổ đất, san mặt bằng, lãnh đạo phường Phú Đô giải thích rằng "đây chỉ là hiện tượng người dân dùng xe công nông nhỏ, tranh thủ đổ đất phế thải". Tuy nhiên, không khó để hình dung ra những hiện tượng "tranh thủ" như thế nếu không được ngăn chặn kịp thời thì lòng hồ tiếp tục bị "xẻ thịt" là hậu quả khó tránh khỏi.
Đề cập đến trách nhiệm trong công tác quản lý, sử dụng đất đai tại hành lang sông Nhuệ và hồ Đồng Rạnh, Chủ tịch UBND phường Phú Đô Nguyễn Thị Hường cho rằng, toàn bộ những sai phạm nêu trên đã xảy ra ở thời điểm trước khi thành lập phường Phú Đô vào tháng 4-2014. Bà Hường khẳng định, từ đầu tháng 4 đến nay chính quyền phường đã ngăn chặn hiệu quả các vi phạm mới, không để phát sinh thêm. Giải thích thêm về tình trạng để cho người dân đổ hàng trăm nghìn mét khối đất vào hồ Đồng Rạnh mà chính quyền địa phương không hay biết và thiếu biện pháp ngăn chặn, lãnh đạo phường Phú Đô biện minh rằng, "các đối tượng tranh thủ buổi đêm hoặc ngày nghỉ để đổ đất nên gây ra nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng". Để minh chứng cho điều này, bà Hường cung cấp thông tin vào ngày 3-4-2014, cơ quan chức năng phường Phú Đô và quận Nam Từ Liêm đã tuần tra, mật phục và bắt quả tang 2 xe đổ đất do tài xế Võ Đại Điền và Chu Công Hiếu chuyên chở đất đổ vào lòng hồ. Về hướng xử lý trong thời gian tới, bà Hường cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo việc kiểm tra, phân loại vi phạm, đồng thời tập trung lực lượng tuần tra, canh gác thường xuyên để kiềm chế phát sinh vi phạm mới. Về hướng xử lý tình trạng đổ đất tại hồ Đồng Rạnh, bà Hường đề cập đến phương án "tiếp tục đổ đất đầy thêm vào khu vực này để sử dụng vào việc đền bù đất cho các hộ dân, cấp đất giãn dân và xây dựng các công trình phúc lợi xã hội công cộng".
Chưa bình luận về cách thức xử lý kiểu "đánh bùn sang ao này" có đúng quy định hay không, nhưng để hạn chế hiệu quả các trường hợp vi phạm, thực thi nghiêm minh pháp luật, trước mắt chính quyền phường Phú Đô cần ngăn chặn xử lý các vi phạm mới trên đất lấn chiếm, thống kê, phân loại vi phạm hồ Đồng Rạnh. Đặc biệt là phải làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân đã để xảy ra vi phạm kéo dài trong nhiều năm, đồng thời có biện pháp quản lý đất công, chấm dứt tình trạng lấn chiếm trái phép, hưởng lợi bất chính để người dân và dư luận bức xúc như hiện nay.