Ký ức đồng đội

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:41, 29/06/2014

(HNM) - Lần nào đi qua phố Nỉ, tôi cũng ghé vào thăm nhà thơ Phạm Thành Trung, một cựu chiến binh ở Sóc Sơn, Hà Nội. Người thương binh này mê thơ đến kỳ lạ. Trước khi làm nhà ông cho xây một gian nhỏ ở ngoài vườn và đặt tên là quán thơ, để bạn bè đến đàm đạo văn chương.


Ký ức một thời máu lửa

Tôi vừa bước vào sân, thấy ông đứng lặng bên cây sanh thế thác đổ với nét mặt trầm ngâm. Lát sau ông mới nói, nhìn những lá vàng rơi dưới sân, bỗng dưng lại nhớ đến các bạn cùng thời đã hy sinh thuở nào. Và đây là những câu thơ của ông viết về đồng đội mà tôi đã thuộc mỗi khi ông cất giọng đọc. Cảm xúc ấy da diết làm sao: "Bạn bè tôi trẻ mãi không già/Hàng dọc hàng ngang vẫn chỉnh tề đội ngũ/Này Hiến, Minh, Tâm... cùng bao nhiêu đứa/Rừng Trường Sơn mây phủ tím trời". Lần này dường như có điều khác lạ. Ngồi cùng nhau tại quán thơ, trong ông những ký ức nóng bỏng tràn về.

Nhà thơ Phạm Thành Trung (bên phải) chia sẻ với tác giả bài thơ mới.



…Trận đánh đầu tiên mà người lính đặc công Phạm Thành Trung tham gia là ở mặt trận Đường 9 Nam Lào, tháng 2-1971, khi anh vừa tròn tuổi 20. Đây là trận đánh lớn, đơn vị đặc công là mũi nhọn đột phá đập tan âm mưu của chiến dịch Lam Sơn 719 của địch, dưới sự yểm trợ của máy bay Mỹ, hòng khống chế con đường tiếp tế của ta tại mặt trận Hạ Lào. Lần đó, chiến sĩ Phạm Thành Trung là một tay súng trọng liên dũng cảm, đã cùng đồng đội đánh chiếm lại cao điểm 453, tiêu diệt hàng chục tên ngụy. Trong bài thơ "Đồng đội tôi" Phạm Thành Trung viết sau này khi nhớ lại những đồng đội đã hy sinh có câu: "Gió vẫn dịu dàng ru/Cây xỏa bóng mát che từng khuôn mặt/Những chàng trai tuổi hai mươi đánh giặc/Khắc tên mình vào dáng núi, hình sông".

Hồi lâu sau, ông nhìn lại bàn chân gỗ rồi kể cho tôi nghe câu chuyện vượt biển vào tháng 7-1972. Cho dù đã 42 năm trôi qua nhưng câu chuyện vẫn hiển hiện như một điều thần kỳ đối với cựu binh Phạm Thành Trung.

Ngày ấy, tiểu đoàn đặc công có lệnh đánh chiếm cụm cứ điểm quân sự ngụy tại bán đảo Sa Huỳnh, thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Đây là cứ điểm quan trọng, khống chế đường giao thông vận tải biển của ta. Trong một thời gian ngắn các chiến sĩ đặc công đã tiêu diệt được một tiểu đoàn địch và chiếm giữ được cứ điểm quân sự trên biển này trong hai tuần liền. Đến ngày thứ 15, quân ngụy huy động một lực lượng lớn cùng với sự yểm trợ của máy bay Mỹ tập kích đánh chiếm trở lại. Sau những ngày kiên cường chiến đấu, các chiến sĩ bị thương và hy sinh nhiều do bị pháo kích và máy bay Mỹ ném bom tàn sát. Do lực lượng mỏng nên cấp trên ra lệnh rút lui bằng đường biển ngay trong đêm. Phạm Thành Trung cùng anh em phải bơi 1 cây số vượt eo biển, cắt ngang từ bán đảo vào đất liền, trong khi pháo địch vẫn bắn dữ dội. Trong lúc đang bơi Phạm Thành Trung bất ngờ nghe một tiếng nổ ở gần bên rồi thấy đau nhói ở chân trái. Anh sờ xuống chân thì thấy bọng chân đẫm máu, nhiều mảnh xương lòi ra vì bị mảnh pháo xẻ đôi. Nước biển mặn lại càng làm toàn bộ cẳng chân nhức nhối. Anh bị ngất đi và trôi lênh đênh trên sóng biển. Bỗng nhiên anh thấy mình được nâng lên trên làn nước. Có tiếng thì thào bên tai. "Hãy cố lên! Hãy ôm lấy cái phao nhựa này! Nằm im nhé!"... Anh cố mở mắt nhìn trong đêm. Thì ra đó là Tân, một đồng đội cùng quê đang cứu anh. Đến tờ mờ sáng hôm sau hai người mới bơi được vào bờ.

Ngay lập tức, Phạm Thành Trung được đưa vào bệnh xá tiền phương ở Quảng Ngãi. Đến khi tỉnh lại Trung mới biết chân trái mình đã bị cưa đến gần đầu gối, để tránh hoại thư vì nhiễm trùng…

Xin hạ bậc thương binh để đi học

Năm 1973, rất nhiều cán bộ, y bác sĩ, điều dưỡng và thương binh ở đoàn an dưỡng 231 ở Lập Thạch (Vĩnh Phúc) ngày ấy đều cho rằng Phạm Thành Trung là "không bình thường" khi anh nằng nặc xin hạ từ thương binh hạng 2 (loại nặng) xuống loại 3 (loại nhẹ) để… đi thi đại học. Nhưng rồi tất cả mọi người đều thấy rõ ý chí vươn lên, "thương binh tàn nhưng không phế" của người chiến sĩ kiên cường. Lúc ấy mọi người mới biết anh đã tình nguyện nhập ngũ năm 1969, trong khi đã có giấy báo nhập học Khoa Văn, Trường Đại học Tổng hợp. Việc anh trở lại học đại học là đương nhiên theo giấy báo trước đây, nhưng rồi Trung lại luyện thi để thi vào Trường Đại học Kinh tế quốc dân, chỉ vì cái chân cụt của mình, anh nghĩ sẽ gặp nhiều khó khăn khi đi thực tế để viết bài hay sáng tác. Lại một cuộc phiêu lưu nữa đối với một người đã từng vào sinh ra tử, để lại xương máu ở chiến trường.

Cả trại điều dưỡng không thể tin nổi khi anh thương binh ấy vừa tập đi với cái chân gỗ, vừa ôn thi mà vẫn đạt kết quả thừa điểm được đi nước ngoài. Nhưng rồi chỉ vì cái chân thương tật nên anh không được xét đi, phải ở lại học trong nước. Nhưng, vượt qua mọi trở ngại, suốt 4 năm học Phạm Thành Trung liên tiếp đạt danh hiệu sinh viên tiên tiến xuất sắc, được chọn làm luận văn tốt nghiệp. Nhiều đêm trở trời vết thương tê buốt, nhưng rồi nhớ lại khi mình lênh đênh trên biển để giành lại sự sống ra sao, anh lại bừng tỉnh và ôm lấy giáo trình. Năm 1978, luận văn của anh được điểm cao nhất ngay sau lễ tốt nghiệp anh vội trở về ký túc xá để xoa bóp vết thương cũ đang sưng tấy…

Tự sự cùng chiếc chân gỗ

Năm 2011 Chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Sóc Sơn, nhà thơ Phạm Thành Trung đã chia tay nhiệm sở, sau khi nhận quyết định nghỉ hưu. Ngồi bên bàn trà cùng tôi ở quán thơ, ông thở phào rồi tự sự như với chính mình. Thời gian trôi đi tựa tên bay. Thế là mình đã chia tay với mọi công việc bộn bề, theo đuổi suốt 30 năm trong ghế công chức, để trở về với cái chân gỗ. Ông tháo nó ra rồi ôm trên tay, ngồi lặng nhìn tôi. Ông kể rằng, mình đã cùng nó vật lộn trong nhiều đêm trăng. Khi bắt đầu tập đi với chân gỗ, ông đã phải chọn những đêm trăng tròn để nhìn bóng mình sao cho thẳng và bước đi vững vàng. Cứ thế mỗi mùa trăng là một mùa đau đớn với cái mỏm chân cụt còn lại. Chiếc chân gỗ đã trở thành người bạn thân thiết gắn bó với ông trong suốt quãng đời còn lại.

Ông nói, sau những bôn ba, trải nghiệm giờ đây ông lấy thơ làm điểm tựa. Ông khoe được bầu làm Phó Chủ nhiệm CLB Văn nghệ Sóc Sơn. Nói rồi, ông lắp chiếc chân giả, tập tễnh đi quanh vườn nhặt những chiếc lá vàng rơi với vẻ mặt trầm lặng. Hẳn ông lại nhớ về những đồng đội đã nằm lại trên chiến trường, nhớ về cái đêm trên biển Sa Huỳnh...

Vương Tâm