AFD duy trì cam kết hỗ trợ phát triển tại Việt Nam

Kinh tế - Ngày đăng : 07:17, 28/06/2014

(HNM) - Trong khuôn khổ kỷ niệm 20 năm hoạt động tại Việt Nam, từ tháng 7 đến tháng 12 năm 2014, Cơ quan phát triển Pháp (AFD) sẽ tổ chức nhiều sự kiện để ghi lại dấu ấn trong năm trọng đại này. Báo Hànộimới đã có cuộc trò chuyện với ông Rémi Genevey - Giám đốc AFD tại Việt Nam.



- Ông đánh giá thế nào về quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và AFD trong 20 năm qua?

- Tại Việt Nam, AFD có mặt từ năm 1994, chỉ một năm sau khi Việt Nam và Pháp bình thường hóa quan hệ và đã cam kết tài trợ hơn 1,5 tỷ euro. Việt Nam là một trong những đối tác hàng đầu của AFD với 75 dự án được AFD tài trợ cho tới nay. Chiến lược của AFD được phát triển xoay quanh ba định hướng: phát triển đô thị bền vững, hỗ trợ cho lĩnh vực sản xuất theo phương thức bảo đảm trách nhiệm xã hội và môi trường và chống biến đổi khí hậu.

- Trong năm 2014, kế hoạch hỗ trợ của AFD có gì thay đổi không, thưa ông?

- Trong năm 2014 và một vài năm tới đây, mục tiêu của chúng tôi vẫn là duy trì mức cam kết tài trợ hằng năm với mức trung bình tối thiểu vào khoảng 100 triệu euro/năm, phát huy hình thức cho vay không có bảo lãnh của chính phủ, các khoản vay trực tiếp dành cho các doanh nghiệp lớn và bổ sung các khoản vay cho Chính phủ Việt Nam. Trong giai đoạn từ năm 2013 đến 2015, các hoạt động tài trợ của AFD nhằm mục đích hỗ trợ Việt Nam triển khai mô hình tăng trưởng mới trong khuôn khổ Kế hoạch phát triển kinh tế 2011 - 2015 và chiến lược tăng trưởng xanh đã được Việt Nam đưa ra.

- Ông đánh giá thế nào về tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam những năm gần đây?

- Theo đánh giá của AFD, 20 năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam luôn ở mức trên dưới 7%. Việt Nam đã có rất nhiều thay đổi về xã hội, kinh tế. Từ năm 1991 đến năm 2011, với mức thu nhập bình quân tính theo đầu người tăng gấp đôi, Việt Nam đã đứng vào hàng các nước có thu nhập trung bình. Kim ngạch xuất khẩu tăng gấp ba lần. Việt Nam hiện nằm trong số các nước đứng đầu về xuất khẩu gạo, cà phê, cao su cũng như một số mặt hàng chế biến công nghiệp như may mặc hoặc điện thoại di động. Cùng với thành công này là sự hiện diện ngày càng tích cực của Việt Nam trong các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, ASEAN, APEC, WTO… Việt Nam cũng đang nỗ lực ký kết các Hiệp định Thương mại tự do với các nước của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OCDE). Ngoài ổn định chính trị, Việt Nam còn hội tụ đầy đủ các yếu tố để trở thành một nước rất hấp dẫn trong quá trình thu hút đầu tư nước ngoài.

- Theo ông, những thách thức mà Việt Nam phải đối mặt trong quá trình phát triển thời gian tới là gì?

- Hiện tại, Việt Nam đang chuyển hướng tăng trưởng mới để phát triển bền vững. Mặc dù cải cách kinh tế đã giúp giảm đáng kể tình trạng đói nghèo, nhưng Việt Nam vẫn phải vượt qua những thách thức vô cùng lớn như tạo công ăn việc làm, đào tạo nghề cho thanh niên, tình trạng gia tăng dân số tại các khu vực đô thị, nhu cầu sử dụng năng lượng tăng trong khi phải hướng tới phát triển nền công nghiệp năng lượng các bon thấp… Việt Nam nằm trong số những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi sự nóng lên của trái đất. Nếu không được trang bị đầy đủ để đối phó với biến đổi khí hậu thì những nỗ lực của Việt Nam trong công cuộc xóa đói giảm nghèo và phát triển đất nước sẽ bị ảnh hưởng.

Phương Quỳnh