Diễn biến phức tạp ở Biển Đông đòi hỏi ASEAN phải thể hiện trách nhiệm và vai trò trung tâm

Đối ngoại - Ngày đăng : 05:38, 28/06/2014

Ngày 27-6, tại Hà Nội, đã diễn ra cuộc họp đặc biệt các Quan chức Cao cấp (SOM) ASEAN về vai trò trung tâm của ASEAN và định hướng chiến lược về cấu trúc khu vực trong tương lai với sự tham dự của đại diện các nước thành viên ASEAN và Ban Thư ký ASEAN.

Các SOM ASEAN tại phiên khai mạc sáng 27/6. Ảnh: Nhân dân điện tử



Cuộc họp này nhằm đánh giá tác động của những diễn biến gần đây tới bối cảnh địa chiến lược ở khu vực và những thách thức đối với vai trò trung tâm của ASEAN, thảo luận cách thức tiếp tục duy trì và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN, xây dựng một chiến lược giúp ASEAN thích ứng tốt hơn với môi trường chiến lược mới, tăng cường tiếng nói và trách nhiệm chung của ASEAN đối với những vấn đề thuộc lợi ích chiến lược của khu vực. Các nước ASEAN đều nhất trí rằng bối cảnh địa chiến lược ở khu vực đang thay đổi nhanh chóng, với nhiều diễn biến phức tạp ảnh hưởng sâu sắc tới môi trường hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển ở khu vực. ASEAN đang ở trong giai đoạn bản lề hướng tới sự hình thành Cộng đồng ASEAN vào ngày 31-12-2015; các nước lớn can dự ngày càng sâu rộng hơn vào hợp tác ở khu vực với sự thay đổi và điều chỉnh trong chiến lược và trong tương tác giữa các nước lớn với nhau và với ASEAN, đặt ra không chỉ cơ hội mà còn nhiều thách thức cho việc duy trì vai trò trung tâm của ASEAN. Cùng với đó, sự gia tăng mạnh mẽ của liên kết kinh tế khu vực như Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), tiến trình tự do hóa thương mại APEC cũng thách thức việc duy trì vai trò động lực chính và hạt nhân của ASEAN trong giai đoạn tới. Bên cạnh đó, ASEAN cũng cần phải cho ý kiến về các đề xuất mới liên quan đến cấu trúc hợp tác và môi trường an ninh khu vực.

Trong bối cảnh đó, các nước nhấn mạnh ASEAN càng cần củng cố và giữ vững vai trò trung tâm của mình ở khu vực, đặc biệt trên các khía cạnh duy trì đoàn kết để thúc đẩy lợi ích chung của ASEAN; có phương cách ứng xử với các nước lớn; chủ động có tiếng nói về lập trường và giải pháp cho các vấn đề nảy sinh ở khu vực. Các nước nhấn mạnh ASEAN cần duy trì đoàn kết, xác định cách tiếp cận chung đối với những vấn đề chiến lược ở khu vực nhằm bảo đảm lợi ích chung của ASEAN như xây dựng cộng đồng, xử lý hiệu quả các vấn đề liên quan trực tiếp đến hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển của khu vực; đồng thời ASEAN cần phải củng cố các cơ chế hợp tác nội khối cũng như với các nước đối tác nhằm tăng cường năng lực trong việc ứng phó với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, trong đó nổi lên các tranh chấp chủ quyền biển đảo, thiên tai, dịch bệnh. Mặt khác, ASEAN phải đẩy mạnh quá trình tham vấn để đạt được đồng thuận và tiếng nói chung, thông qua việc kết hợp hài hòa giữa lợi ích quốc gia và khu vực.

Các nước đều khẳng định các diễn biến phức tạp ở Biển Đông đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở khu vực. Do vậy, đây là vấn đề thuộc quan tâm chung và ASEAN phải có tiếng nói, thể hiện vai trò trung tâm và trách nhiệm của ASEAN. Từ đó, ASEAN cần lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ việc bảo đảm hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực; nhấn mạnh việc tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Luật Biển năm 1982 và các thỏa thuận liên quan ở khu vực, nhất là thực hiện nghiêm túc và đầy đủ các quy định của Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc là một bên tham gia ký kết, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực và tích cực thúc đẩy để sớm có Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) nhằm bảo đảm tốt hơn hòa bình, ổn định, an ninh ở khu vực.

Tại hội nghị, các Trưởng SOM ASEAN cũng thảo luận về kết quả cuộc họp Nhóm Công tác chung ASEAN - Trung Quốc vừa diễn ra tại Bali, từ ngày 24 đến 25-6 và cho ý kiến chỉ đạo về việc bảo đảm thực hiện đầy đủ Tuyên bố DOC và thúc đẩy Trung Quốc đi vào đàm phán thực chất với ASEAN để sớm đạt Bộ quy tắc COC.

*Ngày 27-6, Đại sứ Mỹ tại Philippines Philip Goldberg đã lên tiếng ủng hộ việc Philippines phản đối Trung Quốc phát hành bản đồ mới ngang nhiên đưa gần như toàn bộ các vùng biển đảo ở Biển Đông vào phạm vi cái gọi là "chủ quyền" của Bắc Kinh. Theo ông Goldberg, trên bản đồ "đường 10 đoạn", các yếu tố về cơ bản vẫn giữ nguyên như "đường 9 đoạn", nhưng nó hoàn toàn không có cơ sở theo luật quốc tế. Đại sứ Philip Goldberg cho rằng hành động của Trung Quốc đã vi phạm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Theo ông, những nỗ lực của một nước nhằm xâm phạm quyền sử dụng vùng biển một cách hợp pháp của nước khác cần được xem là mối quan ngại. Ông khẳng định biện pháp để giải quyết tranh chấp là thông qua tòa án quốc tế, tuân thủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), thương lượng trực tiếp với các bên và không đe dọa.

Trước đó, ngày 26-6, Bộ Ngoại giao Philippines đã phản đối mạnh mẽ bản đồ mới của Trung Quốc nuốt trọn gần như toàn bộ Biển Đông, cho rằng hành động đó là phi lý và hoàn toàn không thể chấp nhận được bởi nó đi ngược lại luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982 mà Trung Quốc là một bên tham gia. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose cũng khẳng định chính tham vọng bành trướng của Trung Quốc là nguyên nhân gây căng thẳng tại Biển Đông và những tranh chấp lãnh thổ cần phải được giải quyết tại tòa án trọng tài quốc tế.

*Ngày 26-6, nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội Bồ Đào Nha, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam do Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu dẫn đầu đã đến thăm và làm việc tại Cộng hòa Bồ Đào Nha. Chiều cùng ngày, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đã hội đàm với ông Antonio Filipe - Phó Chủ tịch Quốc hội Bồ Đào Nha.

Tại buổi gặp, Phó Chủ tịch Quốc hội Bồ Đào Nha Antonio Filipe cho biết thời gian qua, cá nhân ông trên cương vị phụ trách Nhóm Nghị sỹ Đảng Cộng sản trong Quốc hội Bồ Đào Nha cũng như các đồng chí của ông đều theo dõi sát tình hình giữa Việt Nam và Trung Quốc liên quan đến việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Haiyang Shiyou - 981gây ảnh hưởng đến hòa bình ổn định khu vực. Ông sẽ vận động, tuyên truyền cho các đảng trong Quốc hội Bồ Đào Nha am hiểu, chia sẻ và ủng hộ lẽ phải, ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.

*Ngày 25-6, Trung tâm Nghiên cứu chiến lược thuộc Học viện Quốc phòng Pháp (IRSEM) đã tổ chức tại Paris hội thảo "Tình hình an ninh tại Đông Nam Á và khu vực Biển Đông".

Diễn giả chính của hội thảo là ông Rommel Banlaoi, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Trường Đại học Miriam, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tình báo và an ninh quốc gia của Philippines (CINNS).

Tham dự hội thảo có gần 100 đại biểu, gồm các giáo sư, học giả đến từ các trường đại học và trung tâm nghiên cứu tại Pháp, các nhà ngoại giao, và các nghiên cứu viên đến từ Học viện Quốc phòng Pháp. Ông Banlaoi cũng chỉ rõ là sự phản đối mạnh mẽ của Việt Nam đối với việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Haiyang Shiyou - 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam đã vượt ngoài dự tính của Trung Quốc. Tinh thần yêu nước cùng với quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo của người Việt Nam lan rộng khắp cả nước và ngày càng trở nên mạnh mẽ. Thực tế đã chứng minh rằng, Việt Nam chưa bao giờ lùi bước trong việc bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia, Trung Quốc cần phải hiểu điều này. Giáo sư Banlaoi cũng cho rằng tình hình bất ổn trong khu vực ngày càng trở nên nghiêm trọng khi Trung Quốc tiếp tục tuyên bố đưa thêm bốn giàn khoan nữa vào thăm dò ở khu vực Biển Đông. Theo ông, để bảo đảm hòa bình và an ninh trong khu vực, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là Trung Quốc phải tôn trọng những gì họ đã thỏa thuận và trên hết là các nước ASEAN phải có tinh thần đoàn kết vì chỉ có đoàn kết và hợp tác mới góp phần giải quyết tình hình căng thẳng tại Biển Đông.

Giáo sư Rommel Banlaoi cũng nhấn mạnh rằng chủ nghĩa bá quyền và việc sử dụng vũ lực không thể giải quyết tình hình căng thẳng hiện nay ở Biển Đông, nó chỉ đem lại những hậu quả tiêu cực. Chỉ có các biện pháp ngoại giao và hòa bình mới giải quyết được các bất đồng và tranh chấp.

Thùy Dương