Triển khai các dự án cấp nước cho địa bàn nông thôn: Còn nhiều bất cập
Xã hội - Ngày đăng : 06:47, 27/06/2014
Để thực hiện mục tiêu nêu trên, UBND TP Hà Nội đã thành lập Ban điều hành Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) nước sạch - vệ sinh môi trường (VSMT) nông thôn; đồng thời phê duyệt quy hoạch tổng thể cung cấp nước sạch - VSMT nông thôn TP Hà Nội giai đoạn 2010-2020 và kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG nước sạch - VSMT nông thôn Hà Nội giai đoạn 2013-2015. Trên cơ sở đó, UBND TP Hà Nội đã chấp thuận kế hoạch thực hiện hỗ trợ 40.000 bể lọc xử lý nước cho các hộ nghèo, gia đình chính sách tại các khu vực khó khăn về nguồn nước và chưa có kế hoạch xây dựng các trạm cấp nước sạch tập trung. Trong hai năm 2012-2013, thành phố đã giao cho Trung tâm Nước sinh hoạt - VSMT nông thôn (Sở NN&PTNT) thực hiện hỗ trợ thiết bị xử lý nước cho 10.000 hộ gia đình ở các huyện: Phú Xuyên, Ứng Hòa, Thanh Oai, Thường Tín. Trước đó, năm 2012, UBND TP Hà Nội đã có chủ trương đầu tư xây dựng 6 trạm cấp nước sạch tập trung liên xã tại các huyện Mê Linh, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Thường Tín, Thanh Oai, Mỹ Đức để cung cấp nước sạch cho 225.315 người dân.
Năm 2013, UBND TP Hà Nội cũng đã phê duyệt chủ trương đầu tư cho 5 dự án cấp nước sạch quy mô xã, liên xã bằng nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới tại các huyện: Ba Vì, Mỹ Đức, Phúc Thọ, Thanh Oai, Thường Tín và năm 2014 tiếp tục phê duyệt chủ trương đầu tư cho trạm cấp nước sạch tại huyện Chương Mỹ; đồng thời xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư cho trạm cấp nước sạch trên địa bàn huyện Mê Linh. Đến nay, thành phố đã phê duyệt 3 dự án đầu tư, đó là các dự án cấp nước sạch liên xã tại huyện: Mỹ Đức, Ba Vì, Phúc Thọ; trong đó, dự án cấp nước sạch liên xã ở huyện Ba Vì đã được phê duyệt kế hoạch đấu thầu và 2 dự án còn lại đang tiến hành lập kế hoạch đấu thầu trình UBND thành phố xem xét phê duyệt. Các dự án cấp nước sạch trên địa bàn huyện Thanh Oai, Thường Tín, Chương Mỹ đang trong giai đoạn trình phê duyệt dự án đầu tư và dự án cấp nước sạch liên xã ở huyện Mê Linh đang tiến hành lấy ý kiến các ngành liên quan.
Với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của thành phố và sự cố gắng của các ngành chức năng, Chương trình MTQG về nước sạch nông thôn năm 2013 đã đạt được nhiều kết quả khả quan, với 35,26% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch, tăng 4,83% so với năm 2012 và bằng tỷ lệ gia tăng của giai đoạn 2009-2012. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, việc đạt được mục tiêu của chương trình là năm 2014 có 38,51% và đến hết năm 2015 có 60% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch là nhiệm vụ nặng nề, rất khó hoàn thành. Bởi lẽ, việc bố trí kinh phí từ ngân sách thành phố để đầu tư cho các dự án nước sạch gặp nhiều khó khăn, chưa đáp ứng nhu cầu. Theo kế hoạch đã được phê duyệt, giai đoạn 2013-2015, vốn đầu tư cho các công trình nước sạch của thành phố là hơn 600 tỷ đồng, nhưng đến nay mới bố trí được 63 tỷ, chiếm khoảng 10%. Thế nhưng, tình hình vốn cho các dự án nước sạch của năm 2014 cũng không khả dĩ hơn. Trong công văn số 1757 ngày 22-5-2014 của Sở Kế hoạch - Đầu tư nêu rõ: "Năm 2014 chỉ bố trí vốn cho các dự án đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng và các dự án còn nợ khối lượng xây dựng cơ bản, các công trình chuyển tiếp có khả năng hoàn thành trong năm 2014...". Do đó, hàng loạt dự án nước sạch đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ, đã được phê duyệt cũng như việc hỗ trợ bể lọc nước cho các hộ nghèo, gia đình chính sách chưa được đầu tư trong năm 2014.
Không những vậy, cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư các công trình cấp nước sạch nông thôn đang trong giai đoạn hoàn thiện, chưa được ban hành, nên các doanh nghiệp chưa mạnh dạn tiếp nhận quản lý, vận hành cũng như đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sạch nông thôn. Tiến độ bàn giao công trình chưa hoạt động cho các doanh nghiệp đã được UBND TP Hà Nội chấp thuận chủ trương còn rất chậm so với yêu cầu; thủ tục về quyết toán, xác định giá trị còn lại của công trình xây dựng dở dang, về đất đai, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước, thủ tục về đầu tư, xác nhận ưu đãi trong đầu tư... chưa được các huyện, sở, ngành quan tâm giải quyết; các công trình được đầu tư bằng nhiều nguồn vốn, qua nhiều thời kỳ, với nhiều chủ đầu tư khác nhau, khiến quá trình chuyển giao gặp nhiều khó khăn. Không ít công trình đầu tư thiếu đồng bộ hoặc đầu tư quá lâu, nhưng không đưa vào sử dụng đã bị xuống cấp, hư hỏng nặng, nhất là hệ thống đường ống.
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ trọng tâm của ngành NN&PTNT vừa được tổ chức ở huyện Gia Lâm, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt cho rằng, việc triển khai xây dựng các dự án cấp nước cho địa bàn nông thôn còn nhiều bất cập và rất chậm; dự án đã duyệt xong thì không có tiền, dự án có vốn thì lại chưa đủ thủ tục. Để tháo gỡ khó khăn này, các địa phương cần tuyên truyền, vận động, đẩy mạnh xã hội hóa trong việc cung cấp nước sạch cho khu vực nông thôn. Từ các mô hình, dự án của thành phố hỗ trợ, đầu tư các đơn vị cũng nên khuyến khích, huy động các nguồn lực khác và có thể vận động một số hộ dân cùng đầu tư bể lọc xử lý nước...
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đào Duy Tâm: Ngoài các dự án đã, đang, chuẩn bị được đầu tư, trên địa bàn thành phố còn có 123 trạm cấp nước khác, trong đó có 99 trạm cấp nước đang hoạt động, 24 trạm chưa hoạt động. Trong số 24 trạm cấp nước chưa hoạt động, có 3 trạm đã được thành phố cho phép thanh lý; 1 trạm dừng chuẩn bị đầu tư; 6 trạm dừng hoạt động hoặc chuyển thành trạm trung chuyển nước sạch từ hệ thống cấp nước đô thị; 4 trạm đã kết thúc quá trình đầu tư nhưng chưa đi vào hoạt động; 3 trạm do đường ống bục vỡ, không hoạt động được và 7 trạm đang xây dựng dở dang. |