Phải có trách nhiệm với dân

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:03, 27/06/2014

(HNM) - Đường lún, nứt hằn vệt bánh xe, xảy ra sự cố có thể xem là bình thường nếu xảy ra thiên tai, lũ lụt hay chí ít là quá thời hạn sử dụng. Thế nhưng, chuyện liên tiếp xảy ra hằn lún mặt đường, đặc biệt là cả với những tuyến đường cao tốc vừa hoàn thành, chưa hết thời gian bảo hành thì rất đáng để cơ quan khoa học, quản lý chuyên ngành xem xét, xử lý dứt điểm.

Theo các phương tiện truyền thông đại chúng, 2 năm qua, hiện tượng hằn vệt bánh xe, lún mặt đường nhiều tuyến giao thông trọng điểm xảy ra trên diện rộng, nhưng nguyên nhân vẫn chưa được làm rõ. Mà nguyên nhân chưa được làm rõ thì chưa thể nói đến giải pháp khắc phục. Điều đó khiến niềm tin của người dân vào chất lượng các công trình giao thông ngày giảm dần theo độ lún của mặt đường. Chẳng nói đâu xa, cách đây vài năm, chuyện hằn lún trên mặt cầu Thanh Trì, rồi chuyện cầu Thăng Long vừa được đại tu bằng công nghệ thi công và vật liệu hiện đại (theo cách nói của đại diện chủ đầu tư) chưa được mấy bữa thì đã nứt vỡ bung bét. Ở TP Hồ Chí Minh, Đại lộ Đông Tây sau một thời gian khai thác chưa dài cũng đã bị hằn lún một cách khó hiểu. Chưa kể những câu chuyện lún, nứt khó hiểu xảy ra trên khắp cả nước như các phương tiện truyền thông đại chúng đề cập.

Nói mặt đường bị hằn, lún chưa rõ nguyên nhân kể cũng hơi quá, bởi chủ đầu tư, đại diện tư vấn, nhà thầu đã giải thích là "do thời tiết, xe quá tải…" gây nên. Thế nhưng, đơn vị nào phải chịu trách nhiệm thì đến nay, chưa thấy cơ quan chức năng nào khẳng định. Thật khó hiểu! Nếu do thời tiết thì chủ đầu tư, tư vấn thiết kế phải chịu trách nhiệm do chưa khảo sát, đủ khả năng đánh giá vấn đề để đưa ra quyết định sáng suốt. Còn nếu do phương tiện quá tải, quá khổ gây nên, đơn vị quản lý hạ tầng giao thông, cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông phải có trách nhiệm, bởi chưa làm tốt nhiệm vụ được giao. Vậy mà, đã nhiều năm trôi qua, tình trạng hằn lún, nứt mặt đường vẫn xảy ra trên diện rộng, còn cơ quan chức năng vẫn… vô can.

Để tìm rõ nguyên nhân, đưa ra giải pháp xử lý tận gốc, mới đây Bộ GTVT đã tổ chức hai hội nghị, hội thảo chuyên ngành. Các cơ quan chức năng đã bày tỏ "quan điểm, lập trường" rõ ràng giải thích cho hiện tượng hằn lún, nứt mặt đường theo góc độ chuyên môn, kỹ thuật của mình. Theo Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng, thời gian qua, Bộ GTVT đã có nhiều nỗ lực để kiểm soát chất lượng, đẩy nhanh tiến độ dự án giao thông, nhưng vẫn chưa tìm ra nguyên nhân và giải pháp khắc phục hiện tượng hằn lún vệt bánh xe. Bộ GTVT và các chủ đầu tư đường BOT đã chấn chỉnh trong khâu thi công, tư vấn giám sát và vật liệu... nhưng "càng sửa, đường lại càng lún", "càng nở rộ". Còn Phó Chủ tịch Hiệp hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam Nguyễn Ngọc Long ái ngại: "Bộ trưởng và ngành GTVT đã có nhiều nỗ lực vượt bậc trong thời gian qua. Tuy nhiên, hiện tượng hằn lún xảy ra 2 năm qua vẫn chưa thể xử lý được đang làm triệt tiêu nỗ lực này". Kết quả sau các hội nghị, hội thảo vẫn là sự… bối rối dù các cơ quan, đơn vị chức năng đã rất nỗ lực. Cũng có ý kiến đề nghị sử dụng vật liệu nhập ngoại loại tốt hơn để bảo đảm chất lượng mặt đường, nhưng đã bị Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng: "Con nhà nghèo không thể học theo con nhà giàu". Điều này hoàn toàn có lý nếu quay lại "hiện tượng" sửa mặt cầu Thăng Long, tiền vẫn tốn mà hỏng vẫn hỏng. Trước đây cũng có chuyện thảm đường bằng công nghệ novachip của Mỹ, có chất lượng tốt dù giá thành hơi cao, nhưng không phải chỗ nào cũng có thể thảm, bởi độ bằng phẳng mặt đường có vấn đề. Ấy, đâu phải cứ đem công nghệ cao áp dụng cho nơi thi công chưa đạt chuẩn.

Với góc nhìn của người dân bình thường, rất mong các cơ quan chức năng sớm làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm để xử lý triệt để, nếu không niềm tin của người dân cũng lún, nứt theo những con đường.

Nguyễn Đức