69% dân số cả nước tham gia bảo hiểm y tế
Đời sống - Ngày đăng : 11:22, 26/06/2014
Ảnh minh họa |
Tại đây, Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho biết, sau hơn 20 năm tổ chức triển khai thực hiện, đặc biệt là từ khi Quốc hội ban hành Luật Bảo hiểm Y tế (BHYT), chính sách BHYT ở Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng, góp phần tích cực trong xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.
Đối tượng tham gia BHYT phát triển nhanh chóng, đặc biệt là những người thuộc diện chính sách xã hội như người nghèo, người dân tộc thiểu số sống ở vùng khó khăn, trẻ em dưới 6 tuổi, người có công với nước, cựu chiến binh, người cao tuổi… đã tham gia BHYT 100%.
Đáng chú ý, diện bao phủ BHYT từ 60% vào năm 2010 lên 65% năm 2011 và đến năm 2013 có 61,67 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ xấp xỉ 69% dân số. Theo mục tiêu đề ra, đến năm 2015 diện bao phủ BHYT lên 70% dân số cả nước và đến năm 2020 là khoảng 80%.
Cùng với đó, nguồn thu quỹ BHYT cũng tăng đáng kể. Chẳng hạn, năm 2009, trước khi thực hiện Luật BHYT, số thu BHYT đạt 14.400 tỷ đồng thì sau 1 năm thực hiện Luật BHYT, quỹ BHYT đã thu được trên 25.000 tỷ đồng; năm 2011 số thu BHYT là gần 30.000 tỷ đồng; đến năm 2013 là hơn 46.000 tỷ đồng, bảo đảm nguồn tài chính ổn định, kịp thời để thanh toán chi phí khám chữa bệnh cho người dân.
Cơ quan Bảo hiểm xã hội đã ký hợp đồng khám chữa bệnh (KCB) BHYT với hơn 2.100 cơ sở KCB từ tuyến huyện đến tuyến Trung ương, trong đó có 424 cơ sở y tế ngoài công lập; bên cạnh đó còn có 9.500 trạm y tế tuyến xã và tương đương tham gia khám, chữa bệnh BHYT, chiếm hơn 86% tổng số trạm y tế xã trên toàn quốc. Người bệnh BHYT được cung cấp nhiều dịch vụ kỹ thuật hiện đại, sử dụng nhiều loại thuốc mới đắt tiền. Nếu như năm 2010, quỹ BHYT thanh toán chi phí cho trên 102 triệu lượt người bệnh có thẻ BHYT với chi phí hơn 19.000 tỷ đồng thì năm 2013, con số tương ứng là hơn 131 triệu lượt người khám, chữa bệnh BHYT và trên 42.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Minh, ý thức tự giác tham gia BHYT của một bộ phận người dân chưa cao, việc tuân thủ pháp luật về BHYT tại một số doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân còn thấp (chỉ đạt 55%), còn nhiều đơn vị trốn đóng, nợ đóng BHYT cho người lao động. Tình trạng lạm dụng quỹ BHYT chưa được khắc phục triển để, đặc biệt, gần đây một số cơ sở KCB tìm cách trục lợi quỹ BHYT. Việc xây dựng giá dịch vụ y tế mới chưa phù hợp điều kiện kinh tế-xã hội của địa phương. Một số địa phương có điều kiện kinh tế-xã hội còn khó khăn, thu nhập của người dân còn thấp, quỹ BHYT luôn trong tình trạng bội chi nhưng đa số các dịch vụ được phê duyệt bằng hoặc cao hơn 90% mức tối đa của khung giá do liên bộ ban hành…
Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho rằng, để chính sách BHYT ngày càng hoàn thiện, cần khẩn trương triển khai thực hiện thí điểm đấu thầu thuốc tập trung ở Trung ương và ở cấp tỉnh để từng bước quản lý giá thuốc thống nhất trên cả nước; nghiên cứu, rà soát để sửa đổi, bổ sung danh mục thuốc BHYT, xây dựng gói dịch vụ y tế cơ bản phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam và khả năng thanh toán của quỹ BHYT; tăng cường đầu tư, phát triển mạng lưới khám, chữa bệnh tuyến cơ sở, đưa khám, chữa bệnh BHYT đến gần dân và bảo đảm quyền lợi người tham gia BHYT….