Đề thi ĐH, CĐ: Có phần rất khó để phân loại thí sinh!

Tuyển sinh - Ngày đăng : 15:17, 25/06/2014

Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, khác với kỳ thi tốt nghiệp phổ thông, kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ có tính cạnh tranh cao nên đề thi phải có tính phân loại tốt.

Đề thi ĐH, CĐ sẽ có phần rất khó để lựa chọn học sinh giỏi!


Nhận định về đề thi, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ và đề thi tốt nghiệp phổ thông sẽ tiệm cận dần với mục tiêu kiểm tra năng lực hướng tới một kỳ thi quốc gia sử dụng cho cho cả hai mục đích.

Do đó, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho hay, đề thi ĐH, CĐ năm nay ra theo hướng mở, đề thi không đánh đố, không bắt buộc thí sinh học thuộc lòng một cách máy móc, đề thi hướng đến kiểm tra năng lực, khả năng ứng dụng kiến thức đã học vào thực tiễn cuộc sống... đã được xã hội và thí sinh đồng tình sẽ tiếp tục được phát huy trong kỳ thi tuyển sinh năm nay. Tuy nhiên, trong đề thi này luôn có những phần dễ để hầu hết các thí sinh đều có thể làm được, phần trung bình, phần khó và phần rất khó chỉ những thí sinh thật giỏi mới có thể làm được.

Về đề thi ngoại ngữ ĐH, CĐ năm nay, Thứ trưởng Ga khẳng định: “Cấu trúc đề thi ĐH, CĐ năm nay vẫn giữ ổn định như năm trước, không có thêm phần viết như đề thi ngoại ngữ tốt nghiệp phổ thông”.

Một điểm mới quan trọng trong thi ĐH, CĐ năm nay là quy định điểm sàn. Theo Bộ GD-ĐT, hội đồng xác định điều kiện đảm bảo chất lượng đầu vào căn cứ kết quả thi của thí sinh trong cả nước đề xuất Bộ trưởng Bộ GD-ĐT xem xét công bố một số mức(3 hoặc 4 mức) điểm xét tuyển cơ bản (tổng điểm 3 môn thi không nhân hệ số) cho từng khối thi, trong đó có mức điểm tối thiểu xét tuyển vào đại học và mức điểm tối thiểu xét tuyển vào cao đẳng.

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT giải thích: “Sự khác biệt của quy định xét tuyển này với quy định về điểm sàn trước đây: thứ nhất, phân chia phổ điểm thành nhiều mức theo tỉ lệ thí sinh đạt yêu cầu để các trường tự quyết định chọn điểm xét tuyển ở mức nào phù hợp, qua đó khẳng định uy tín của trường trong xã hội; thứ hai, đưa ra nguyên tắc để các trường tùy theo yêu cầu của từng ngành nghề đào tạo mà quy định điểm chuẩn xét tuyển có tính hệ số môn chính, giúp các trường có cơ hội tuyển được thí sinh có năng lực phù hợp”

Theo Hồng Hạnh