TNGT trên cả nước giảm mạnh nhưng còn diễn biến phức tạp

Giao thông - Ngày đăng : 14:51, 25/06/2014

(HNMO) - Sáng 25/6, Phó Thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị giao ban trực tuyến về công tác bảo đảm trật tự, ATGT 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm đến cuối năm 2014.


Tai nạn giao thông giảm hơn 2000 vụ

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT – Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban ATGT quốc gia Đinh La Thăng, tính từ 16/12/2013 đến 15/6/2014 trên toàn quốc xảy ra 12.827 vụ, làm chết 4.689 người, làm bị thương 12.263 người. So với cùng kỳ năm 2013 giảm 2.003 vụ (13,51%), giảm 224 người chết (4,56%), giảm 2.743 người bị thương (18,28%)

Trong 6 tháng đầu năm, có 48 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương giảm số người chết vì tai nạn giao thông (TNGT), trong đó 10 địa phương giảm trên 20% số người chết là: Bắc Giang, Phú Thọ, Lạng Sơn, Ninh Thuận, Hậu Giang, Bình Thuận, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Điện Biên, Hà Tĩnh. Đặc biệt Bắc Giang giảm trên 50% số người chết vì TNGT.

Tuy nhiên, vẫn còn 12 địa phương có số người chết vì TNGT tăng, trong đó 9 tỉnh tăng trên 25% là: Bạc Liêu, Yên Bái, Trà Vinh, Lai Châu, Đồng Nai, Bến Tre, Vĩnh Long, Kiên Giang, Cà Mau.

Nhìn chung, trong 6 tháng đầu năm 2014, mặc dù số vụ, số người chết và số người bị thương vì TNGT giảm khá sâu so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, TNGT vẫn diễn biến phức tạp, số vụ, số người chết và số người bị thương vẫn còn ở mức cao, đặc biệt trên địa bàn nông thôn, số vụ, số người chết và bị thương do TNGT đường thủy tăng, công tác bảo đảm TTATGT vẫn còn một số những hạn chế, tồn tại.

Mặt khác, Bộ trưởng đánh giá, tình hình thực hiện giảm ùn tắc giao thông tại hai địa bàn trọng điểm là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã có nhiều cải thiện do có các giải pháp khắc phục quyết liệt. Tuy nhiên, trên một số tuyến quốc lộ còn xảy ra tình trạng ùn ứ kéo dài như đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và các tuyến ra, vào TP Hồ Chí Minh, Quốc lộ 1 tại khu vực Cầu An Hữu (Tiền Giang). Từ đầu năm đến nay, xảy ra 142 vụ ùn tắc kéo dài, nguyên nhân chủ yếu do TNGT hoặc do tuyến quốc lộ đang sửa chữa, nâng cấp, mật độ giao thông tăng cao và một số lái xe chen lấn... dẫn đến ùn tắc giao thông.


Quản lý hoạt động vận tải còn lỏng, công tác thực thi còn nhiều tiêu cực

Theo Ủy ban ATGT quốc gia, công tác bảo đảm trật tự, ATGT trên địa bàn cả nước hiện còn nhiều hạn chế. Đó là, việc ứng dụng công nghệ mới trong thanh tra, thanh tra kiểm soát, xử lý vi phạm còn hạn chế, chủ yếu là thủ công, phụ thuộc sức người nên mới chỉ tập trung tại một số địa bàn, một số nhóm đối tượng, trên các tuyến trọng điểm, trong thời gian cao điểm, chưa bảo đảm thường xuyên, liên tục trên toàn địa bàn, dẫn đến hiệu quả còn hạn chế. Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức thực thi nhiệm vụ thanh tra, thanh tra kiểm soát còn có biểu hiện né tránh, thiếu trách nhiệm, tiêu cực, làm trái quy định.

Tiếp đó là công tác quản lý về hoạt động vận tải vẫn còn một số hạn chế, tình trạng các phương tiện vận tải lưu hành không tuân thủ pháp luật vẫn diễn ra; tình trạng lái xe chạy quá giờ quy định hoặc trao tay lái cho người không có bằng lái vẫn chưa được xử lý nghiêm; tình trạng phương tiện chở quá tải trọng vẫn còn xảy ra, việc đào tạo, sát hạch và quản lý người điều khiển các loại phương tiện giao thông còn hạn chế; các cơ sở đào tạo chủ yếu mới chỉ coi trọng việc đào tạo về chuyên môn kỹ thuật, kỹ năng cho học viên mà chưa thực sự quan tâm giáo dục về văn hóa ứng xử, đạo đức nghề nghiệp và ý thức chấp hành pháp luật giao thông. Việc đăng ký, đăng kiểm phương tiện đường thủy nội địa triển khai chậm, quản lý hoạt động phương tiện thủy còn hạn chế, hiện tượng tiêu cực trong công tác đăng kiểm vẫn còn.

Ngoài ra vẫn còn tình trạng ùn tắc giao thông ở một số tuyến phố tại TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh vào giờ cao điểm buổi chiều; đã xảy ra các vụ ùn tắc kéo dài trên một số tuyến quốc lộ (QL1, QL70...) chủ yếu do xảy ra TNGT, sự cố hỏng xe hoặc do tuyến quốc lộ đang sửa chữa, nâng cấp, mật độ giao thông tăng cao dịp lễ, tết và một số lái xe chen lấn..., mặt khác công tác cứu hộ giải tỏa chưa kịp thời.

Sẽ tiếp tục “Siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện”

Khắc phục các vấn đề trên, trong 6 tháng cuối năm, Ủy ban ATGT quốc gia cho biết sẽ phối hợp với Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch tuyên truyền về các giải pháp thực hiện “Siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện”. Triển khai tuyên truyền và đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm về sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ không phải mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy…

Ủy ban ATGT quốc gia cũng chỉ đạo các địa phương tiếp tục siết chặt công tác tuần tra kiểm soát. Đặc biệt chú ý đến vấn đề kiểm tra sức khỏe cho lực lượng lái xe ô tô tải, xe khách đường dài. Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho nhân dân trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt chú trọng đến việc thực hiện thí điểm các lớp học ATGT và cấp chứng chỉ ATGT cho học sinh lớp 12. Tiếp tục triển khai nhiều biện pháp thực hiện tốt chủ đề của năm ATGT 2014 là “Siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh vận tải và tăng cường kiểm soát tải trọng xe”.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương sự cố gắng của các bộ, ngành và địa phương trong việc nỗ lực làm giảm TNGT trong 6 tháng đầu năm 2014; đồng thời phê bình các tỉnh, thành phố để TNGT gia tăng và cần phải rút kinh nghiệm nghiêm túc.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, mặc dù các tiêu chí TNGT cả nước đều giảm, nhưng số vụ, số người chết vẫn còn khá cao, thiệt hại do TNGT gây ra vẫn lớn, tình hình TNGT còn diễn biến phức tạp. Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương quyết liệt hơn nữa trong việc triển khai các biện pháp đảm bảo ATGT; đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền ATGT cho các tầng lớp nhân dân; các cơ quan nhà nước, cán bộ, đảng viên phải chấp hành nghiêm túc quy định của Đảng, Chính phủ về cấm uống rượu, bia trong giờ hành chính để đảm bảo kỷ cương hành chính và sức khỏe để làm việc, công tác…

Lan Hương