Vụ điện thoại bị nghe lén: Luật sư nói gì?

Đời sống - Ngày đăng : 09:46, 25/06/2014

Hành vi tạo ra, cài đặt, phát tán và duy trì phần mềm Ptracker của Công ty Việt Hồng để truy cập bất hợp pháp vào máy điện thoại của nhiều người có dấu hiệu tội phạm theo điều 125 BLHS...

Ảnh minh họa


Như tin đã đưa, mới đây Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50 - công an TP Hà Nội phối hợp với Thanh tra Sở Thông tin và Truyền đã kiểm tra và phát hiện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Công nghệ Việt Hồng (địa chỉ tại tòa nhà 110 Tô Vĩnh Diện, phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội) tạo ra và kinh doanh phần mềm Ptracker để truy cập bất hợp pháp vào điện thoại thông minh của người dùng, chiếm quyền điều khiển, lấy cắp thông tin…

Theo đó, thông qua việc tạo ra, cài đặt, phát tán và duy trì Ptracker, Công ty Việt Hồng đã cố ý truy cập bất hợp pháp vào máy điện thoại của rất nhiều người để chiếm quyền điều khiển và can thiệp vào chức năng của máy điện thoại (tắt bật 3G, Wifi, ghi âm, chụp ảnh, video…); lấy cắp thông tin riêng để lưu giữ máy chủ để cung cấp cho khách hàng, thu lợi bất chính.

Tại thời điểm kiểm tra số lượng tài khoản từng cài Ptracker là 14.140 tài khoản, trong đó số lượng tài khoản chưa bị xóa dữ liệu thông tin riêng của người sử dụng điện thoại là 7.447 tài khoản (dữ liệu còn lưu tại máy chủ của Việt Hồng).

Hiện tại, có khoảng 600 tài khoản còn thời hạn sử dụng phần mềm. Theo kết quả xác minh của cơ quan chức năng, từ tháng 9/2013 đến thời điểm thanh tra, Việt Hồng đã thu lợi bất chính trên 900 triệu đồng.

Trao đổi với VnMedia về vụ việc trên, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh, Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, hành vi tạo ra, cài đặt, phát tán và duy trì phần mềm Ptracker của Công ty Việt Hồng để truy cập bất hợp pháp vào máy điện thoại của nhiều người nhằm mục đích lấy thông tin riêng để lưu giữ máy chủ cung cấp cho khách hàng, thu lợi bất chính đã có dấu hiệu tội phạm theo điều 125 BLHS: Tội xâm phạm bí mật an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác.

Luật sư Thơm phân tích, Điều 21 Hiến pháp năm 2013 qui định: “Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác”.

Việc kiểm soát điện thoại và các hình thức trao đổi riêng tư của công dân phải do người có thẩm quyền tiến hành theo qui định của pháp luật.

Vụ việc xảy ra tại pháp nhân Công ty TNHH thì những người nào tham gia thực hiện, quản lý điều hành hoạt động truy cập bất hợp pháp vào điện thoại của người khác thì đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, kể các các thành viên Hội đồng quản trị nếu đồng tình việc làm của Công ty thì cũng phải liên đới chịu trách nhiệm.

Theo luật sư Thơm, để xử lý hành vi vi phạm thì trước hết phải xác định các bị hại là chủ các thuê bao điện thoại bị truy cập bất hợp pháp. Các bị hại cần thiết phải có đơn trình báo để làm căn cứ xử lý theo qui định của pháp luật.

Trường hợp các cá nhân mua phần mềm bất hợp pháp của Công ty nhằm mục đích truy cập trái phép điện thoại của người khác thì có thể sẽ phải liên đới chịu trách nhiệm hình sự về tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác.

Nếu người nào dùng các thông tin cá nhân lấy cắp được trên điện thoại do Công ty lấy được nhằm mục đích để thanh toán mua hàng trực tuyến, rút tiền trong tài khoản người khác,.. nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản thì sẽ bị xử lý tương ứng theo điều 226b Bộ luật hình sự (BLHS): Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Nếu người nào mà dùng phần mềm truy cập bất hợp pháp vào điện thoại người khác để theo dõi, nghe trộm điện thoại, tin nhắn, lấy cắp dữ liệu cá nhân,.. nhằm mục đích gián điệp thì sẽ bị xử lý tương ứng với khách thể xâm hại là điều 80 BLHS: Tội làm gián điệp.

Liên quan đến vụ việc trên, thượng tá Tạ Văn Biên, Phó trưởng Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50) - Công an TP Hà Nội cho biết, tội phạm sử dụng công nghệ cao thời gian gần đây hoạt động ngày càng tinh vi và phức tạp.

Qua việc cài đặt phầm mềm vào máy, đối tượng có thể khai thác những thông tin đến đời tư cá nhân, ví dụ như biết được các số máy trong danh bạ, kẻ xấu có thể sử dụng để giả mạo, lừa đảo chiếm đoạt tiền bằng hình thức mượn danh, hoặc nạn nhân có thể sẽ bị lộ số tài khoản, mật khẩu cá nhân, lộ những thông tin bí mật về riêng tư, công việc…Đây là vấn đề liên quan đến xâm phạm đời tư của cá nhân, vi phạm pháp luật.

Hiện PC50 - Công an TP Hà Nội đang phối hợp với các đơn vị để điều tra mở rộng đối với các tổ chức, cá nhân liên quan đến Công ty TNHH Công nghệ Việt Hồng và tiếp nhận đơn tố cáo của các bị hại.

Điều 125. Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác
1. Người nào chiếm đoạt thư, điện báo, telex, fax hoặc các văn bản khác được truyền đưa bằng phương tiện viễn thông và máy tính hoặc có hành vi trái pháp luật xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ một triệu đồng đến năm triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ từ một năm đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Phạm tội nhiều lần;
d) Gây hậu quả nghiêm trọng;
đ) Tái phạm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ hai triệu đồng đến hai mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm

Theo Khánh Công