Lãng phí hàng trăm tỷ đồng, ai chịu trách nhiệm?
Kinh tế - Ngày đăng : 06:58, 25/06/2014
Công nghệ tiên tiến thế giới nhưng…
Dự án (DA) bãi chôn lấp số 3 (thuộc Khu liên hợp xử lý chất thải Phước Hiệp) do Công ty TNHH một thành viên (MTV) Môi trường đô thị thành phố làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư 976 tỷ đồng, diện tích 22,68ha, công suất xử lý 2.000 tấn/ngày và thời gian hoạt động 9 năm (2013-2022).
Bãi chôn lấp rác số 3 (Khu liên hợp xử lý chất thải Phước Hiệp, TP Hồ Chí Minh). |
Điều đáng nói, theo các văn bản phê duyệt thì công nghệ xử lý rác của DA là công nghệ tiên tiến thế giới, với phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh của KBEC - Hàn Quốc, bảo đảm các tiêu chuẩn thiết kế và môi trường của Việt Nam và được cách ly với môi trường đất, nước mặt, nước ngầm và không gây ô nhiễm môi trường không khí vượt mức cho phép. Đến nay, DA đã thực hiện được khoảng hơn 604 tỷ đồng và từ tháng 10-2013 đã tiếp nhận xử lý rác sinh hoạt khoảng 550.000 tấn rác/ngày. Tuy nhiên sau khi vận hành, người dân rất bức xúc bởi DA hàng trăm tỷ đồng với "công nghệ tiên tiến" để giải quyết ô nhiễm lại gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đến mức, vừa qua, sau khi đi thực tế, lãnh đạo UBND thành phố rất quyết liệt khi chỉ đạo các sở, ngành liên quan phải từng bước đóng cửa một số DA tại khu xử lý chất thải này (trong đó có bãi chôn lấp số 3) để bảo đảm môi trường.
Hậu quả lớn
Theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị tại Văn bản số 201/CV-MTĐT ngày 12-3-2014, trong trường hợp chấm dứt hoạt động của DA, bộ phận chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là Xí nghiệp Xử lý chất thải thuộc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị thành phố. 300 cán bộ, công nhân viên của công ty sẽ mất việc làm và dẫn tới tình trạng thất nghiệp bởi đặc thù của công nhân ở công ty là những người lao động có trình độ văn hóa thấp, chủ yếu là những công nhân kỹ thuật và lao động phổ thông được nâng cao tay nghề trong thực tiễn công việc xử lý rác hằng ngày. Không những vậy, công việc này chủ yếu là "cha truyền con nối" qua nhiều thế hệ, khi bị mất việc làm thì họ khó có khả năng tìm được việc làm khác để ổn định cuộc sống. Cùng chung đó, sẽ có khoảng 1.500 cán bộ, công nhân viên còn lại của công ty bị giảm thu nhập từ khoảng 8 triệu đồng/tháng xuống còn khoảng 4 triệu đồng/tháng.
Mặt khác, việc đóng cửa cũng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư với liên danh KBEC; ảnh hưởng đến hai DN là Công ty TNHH MTV Cựu chiến binh thành phố và Công ty cổ phần Thanh Long, bởi hai công ty này đã đầu tư khoảng 150 tỷ đồng để trang bị đội ngũ xe, máy, thiết bị thực hiện công đoạn trung chuyển rác và xây dựng nhà máy xử lý nước rỉ rác của bãi chôn lấp số 3. Đặc biệt, khi đóng cửa bãi chôn lấp số 3, thành phố sẽ phải bồi thường giá trị khoảng hơn 685 tỷ đồng (tính tới thời điểm hiện tại) và sẽ phải chi một khoản tiền ít nhất là hơn 856 tỷ đồng để có một bãi chôn lấp dự phòng…
Ai sẽ chịu trách nhiệm?
Theo tìm hiểu của phóng viên, để triển khai được DA bãi chôn lấp số 3 phải qua hàng loạt "cửa" thẩm định như văn bản chấp thuận chủ trương của Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố. DA cũng đầy đủ báo cáo đánh giá tác động môi trường và được Sở Tài nguyên và Môi trường phê duyệt tại Quyết định số 567/ QĐ-TNMT-QLMT ngày 18-9-2008. Ngày 13-5-2013, UBND TP Hồ Chí Minh đã chấp thuận phê duyệt đơn giá xử lý chất thải rắn sinh hoạt áp dụng cho bãi chôn lấp số 3 tại Văn bản số 2205/UBND-ĐTMT.
Qua hàng loạt "cửa" như vậy, DA "công nghệ tiên tiến" với mục tiêu xử lý ô nhiễm môi trường lại vẫn gây ô nhiễm môi trường. Bởi thế, chủ trương đóng cửa DA rác gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe con người của UBND thành phố được người dân rất đồng tình, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi việc phải giữ gìn môi trường sống được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra, ai phải chịu trách nhiệm việc một DA vẽ trên giấy rất lý tưởng để rồi thực tế thì khác? Công luận cho rằng, UBND thành phố cũng như ngành chức năng cần phải làm rõ và xử lý nghiêm, nhằm ngăn chặn ngay từ đầu các dự án "vẽ" một đằng, thực tế một nẻo, gây thiệt hại cho ngân sách.