Kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trên cơ sở luật pháp quốc tế (*)

Chính trị - Ngày đăng : 05:55, 25/06/2014

(HNMO) - Sáng 24/6, kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII đã chính thức khép lại. Dưới đây là bài phát biểu bế mạc của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu bế mạc kỳ họp.


Sau hơn một tháng làm việc khẩn trương, tích cực và trách nhiệm, Quốc hội đã hoàn thành chương trình làm việc của kỳ họp thứ bảy.

Quốc hội đã thảo luận, đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 và những tháng đầu năm 2014. Quốc hội ghi nhận quyết tâm, nỗ lực cao của Chính phủ, các ngành, các cấp, các doanh nghiệp cùng đồng bào, chiến sĩ cả nước. Nhờ vậy, đã tạo ra được sự chuyển biến tích cực trong ổn định và phát triển đất nước, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống của nhân dân. Quốc hội cũng thẳng thắn chỉ ra những yếu kém, tồn tại trong các ngành, lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, nhất là trong bối cảnh độc lập chủ quyền và an ninh của đất nước đang bị đe dọa thì nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2014 và những năm tiếp theo là rất khó khăn. Tại kỳ họp này, Quốc hội đã thảo luận sâu sắc, toàn diện và đề ra nhiều giải pháp quan trọng, tích cực. Quốc hội yêu cầu Chính phủ, các ngành, các cấp tranh thủ cơ hội, vượt qua thách thức, đoàn kết, thống nhất, cùng đội ngũ doanh nhân và đồng bào, chiến sĩ cả nước phát huy cao độ nội lực, tranh thủ có hiệu quả nguồn đầu tư, sự hỗ trợ, đoàn kết quốc tế, tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu và chuyển đổi thành công mô hình kinh tế, tích cực thực hiện chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo có hiệu quả; phấn đấu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2014 và 5 năm 2011-2015. Kiên quyết bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, cuộc sống bình yên cho nhân dân, mở rộng hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế thành công.

Với tinh thần khẩn trương triển khai thi hành Hiến pháp mới, công tác xây dựng pháp luật được xác định là một nhiệm vụ trọng tâm của kỳ họp nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội đã dành nhiều thời gian thảo luận thấu đáo, thông qua 11 luật, 2 nghị quyết và cho ý kiến về 16 dự án luật, 1 nghị quyết khác. Đây là các văn bản pháp luật rất quan trọng, góp phần triển khai thi hành Hiến pháp, phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng nền hành chính lành mạnh, công khai, minh bạch; tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, theo pháp luật; bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường; củng cố quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội và phát triển bền vững đất nước.

Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan triển khai đồng bộ các biện pháp bảo đảm thi hành Hiến pháp mới. Theo đó, cần tập trung rà soát toàn bộ hệ thống pháp luật để xác định các văn bản cần sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới cho phù hợp với Hiến pháp; kiểm tra, đôn đốc việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, góp phần đưa Hiến pháp và pháp luật vào cuộc sống.

Quốc hội đã dành thời gian thảo luận, cho ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Quốc hội khẳng định chủ trương lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm là đúng đắn, bảo đảm tăng cường hiệu lực, hiệu quả giám sát của các cơ quan dân cử, đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân. Xét thấy đây là vấn đề hệ trọng, liên quan tới đội ngũ cán bộ chủ chốt từ Trung ương đến địa phương của Nhà nước ta, tới quyền giám sát và đánh giá cán bộ của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, do vậy, cần có thêm thời gian thảo luận kỹ, thấu đáo bảo đảm chất lượng Nghị quyết, tạo sự đồng thuận cao trước khi quyết định, Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị quyết gửi xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội trước khi trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp sau. Đồng thời, Quốc hội đã quyết định tiếp tục tổ chức lấy phiếu tín nhiệm (theo quy định của Nghị quyết 35) đối với những người được Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn tại kỳ họp cuối năm 2014.

Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005-2012 và ban hành Nghị quyết về việc đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020. Căn cứ vào kết quả thực hiện và những bài học kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo - một trong những trọng tâm của chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước, Quốc hội xác định trách nhiệm của các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và nhân dân trong việc thực thi chính sách, pháp luật về giảm nghèo để đạt được mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020.

Quốc hội đã chất vấn 4 vị Bộ trưởng, Trưởng ngành; Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã báo cáo bổ sung và trả lời chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội. Quốc hội nhận thấy phiên chất vấn đã diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn, công khai; nội dung chất vấn tập trung vào những vấn đề cấp thiết của đời sống kinh tế - xã hội, được đồng bào, cử tri cả nước và các vị đại biểu Quốc hội quan tâm. Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, các vị Bộ trưởng, Trưởng ngành trong tổ chức thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Quốc hội yêu cầu các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các ngành, các cấp cần đề cao ý thức phục vụ nhân dân, tiếp tục có giải pháp tích cực giải quyết các kiến nghị mà cử tri đặt ra để báo cáo Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước tại kỳ họp sau. Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát năm 2015 và xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác.

Kỳ họp thứ bảy của Quốc hội diễn ra trong lúc tình hình khu vực và thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, nguy hiểm, khó lường. Trung Quốc hạ đặt giàn khoan dầu khí Hải Dương - 981 vào sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam; độc lập, chủ quyền quốc gia, hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông bị đe dọa nghiêm trọng. Quốc hội khẳng định hành động của Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam; vi phạm luật pháp quốc tế, trước hết là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); vi phạm Thỏa thuận cấp cao giữa Việt Nam và Trung Quốc về nguyên tắc chỉ đạo giải quyết vấn đề trên Biển Đông; làm tổn hại sâu sắc đến tình hữu nghị, đoàn kết, láng giềng của nhân dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc.

Đến diễn đàn này, hòa chung nhịp đập trái tim của đồng bào, chiến sĩ cả nước, các vị đại biểu Quốc hội đã mạnh mẽ lên án hành động sai trái của phía Trung Quốc. Quốc hội đã thảo luận sâu sắc, ra thông cáo tuyên bố lập trường chính nghĩa của Việt Nam, kiên quyết phản đối hành động sai phạm của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan dầu khí Hải Dương - 981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam và không được tiếp tục có những hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam. Quốc hội đánh giá cao những phát biểu tâm huyết thể hiện lòng yêu nước, quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo của các vị đại biểu Quốc hội và nhân dân. Quốc hội kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết một lòng thống nhất ý chí, hành động, ủng hộ và thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trên cơ sở luật pháp quốc tế; gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; gìn giữ quan hệ hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc.

Quốc hội Việt Nam bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến Quốc hội, nghị sĩ Quốc hội, các tổ chức, cá nhân và bạn bè trên thế giới đã và đang tiếp tục đồng tình, ủng hộ Việt Nam, lên tiếng bảo vệ chính nghĩa, lẽ phải của Việt Nam và yêu cầu Trung Quốc đình chỉ ngay những hành động xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam.

Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIII đã thành công tốt đẹp, được đồng bào, cử tri cả nước đón nhận, tin tưởng, đồng tình, ủng hộ. Lòng yêu nước, tinh thần đổi mới, dân chủ, trí tuệ và trách nhiệm của mỗi vị đại biểu Quốc hội, của đồng bào, cử tri là những nhân tố quan trọng góp phần làm nên thành công của kỳ họp quan trọng này.

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tôi trân trọng cảm ơn các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bậc lão thành cách mạng, các vị khách quý đã dành thời gian tham dự kỳ họp và luôn quan tâm, góp ý kiến cho hoạt động của Quốc hội; cảm ơn sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, sự phối hợp chặt chẽ của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; cảm ơn hoạt động tích cực, hiệu quả của các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội, của cử tri và nhân dân cả nước, của các ngành, các cấp, các đoàn thể, các cơ quan thông tấn, báo chí và các cơ quan phục vụ đã góp phần vào thành công của kỳ họp.

Xin kính chúc các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bậc lão thành cách mạng, các vị khách quý, các vị đại biểu Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước sức khỏe, hạnh phúc và thành công.

Tôi xin tuyên bố bế mạc kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIII.

-------------------------------------------
(*) Đầu đề là của Báo Hànộimới.