Luật pháp quốc tế là cơ sở để giải quyết vấn đề chủ quyền trên Biển Đông

Thế giới - Ngày đăng : 05:53, 24/06/2014

(HNM) - Tin từ Bộ Ngoại giao ngày 23-6 cho biết, tại trụ sở Quốc hội Na Uy, Đại sứ Việt Nam tại Na Uy Lê Thị Tuyết Mai vừa gặp, làm việc với bà Anniken Huitfeldt, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại và Quốc phòng của Quốc hội Na Uy.



Tại cuộc gặp, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai đã thông báo với Ủy ban Đối ngoại và Quốc phòng của Quốc hội Na Uy về việc từ ngày 2-5-2014, Trung Quốc với lực lượng hộ tống mạnh mẽ gồm hàng trăm tàu chấp pháp, tàu chiến, máy bay quân sự đã hạ đặt trái phép giàn khoan Haiyang Shiyou - 981 (Hải Dương - 981) vào sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Biển Đông; nêu rõ việc làm sai trái của Trung Quốc và chủ trương của Việt Nam yêu cầu Trung Quốc sớm rút giàn khoan và lực lượng hộ tống; cùng Việt Nam đối thoại tìm giải pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 mà Trung Quốc là một thành viên, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông mà Trung Quốc đã ký với các nước ASEAN năm 2002 (DOC).

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại và Quốc phòng của Quốc hội Na Uy Anniken Huitfeldt cảm ơn Đại sứ đã thông báo sự việc, bày tỏ quan tâm về tình hình vụ việc nêu trên và khẳng định luật pháp quốc tế phải là cơ sở để giải quyết các tranh chấp quốc tế hiện nay, đặc biệt là tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.

* Sáng 23-6, Bộ Ngoại giao Lào đã gửi công hàm trả lời Công hàm của Đại sứ quán Việt Nam tại Lào về tình hình trên Biển Đông kể từ khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Haiyang Shiyou - 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Công hàm nêu rõ: CHDCND Lào đang theo dõi chặt chẽ, lo ngại về diễn biến tình hình ở Biển Đông và đề nghị các bên liên quan kiềm chế, tránh các hành động có thể dẫn đến gia tăng căng thẳng ở khu vực, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không được đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

* Ngày 22-6, cộng đồng người Việt Nam tại Frankfurt/Main và các vùng lân cận khu vực Tây Nam nước Đức đã đổ về góc đường đối diện với Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại Frankfurt/Main phản đối các hành động leo thang của Trung Quốc tại Biển Đông. Tham gia cuộc tuần hành có khoảng 1.000 người, gồm đại diện nhiều hội, đoàn, cá nhân, trong đó có khá nhiều bạn bè người Đức, tới từ thành phố Frankfurt/Main, Offenbach, Mainz, Wiesbaden…, và cả các thành phố cách xa hàng trăm kilômét như Erfurt, Nuernberg, Muenchen, Hamburg, Bremen...

Cũng tại cuộc mít tinh tuần hành qua nhiều tuyến phố trung tâm của Frankfurt/Main kéo dài hơn 3 giờ này, ban tổ chức đã phát hàng nghìn tờ rơi tố cáo các hành vi sai trái của Trung Quốc và gửi kháng thư tới chính quyền Trung Quốc thông qua Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại Frankfurt.

Gặp gỡ, động viên gia đình cảnh sát biển, kiểm ngư

(HNM) - Chiều 23-6, tại Hà Nội, Bộ VH,TT&DL phối hợp với TƯ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh gặp mặt, tặng quà, động viên gia đình của các cán bộ, chiến sĩ cảnh sát biển (CSB), kiểm ngư tiêu biểu.

Đại diện cho các gia đình CSB, kiểm ngư, chị Nguyễn Thị Thu Phương - vợ Thuyền trưởng tàu CSB 8003 Nguyễn Văn Hưng cho biết, chị cũng như những người vợ của các cán bộ, chiến sĩ CSB và kiểm ngư khác luôn cố gắng để xứng đáng là hậu phương vững chắc giúp các anh vững tin phục vụ Tổ quốc, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng. Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Hoàng Tuấn Anh kêu gọi các cấp, ngành, đoàn thể và toàn xã hội quan tâm xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; quan tâm nhiều hơn nữa tới các gia đình CSB, kiểm ngư…

Minh Ngọc

Đình Hiệp