Người lớn bất cẩn, trẻ dễ gặp họa
Xã hội - Ngày đăng : 07:13, 23/06/2014
Những tai nạn thương tâm
Các bác sĩ khoa Ngoại (BV Nhi trung ương) vừa tiếp nhận bệnh nhi T.T.U (13 tháng tuổi, trú tại Tuyên Quang) bị ngộ độc dầu luyn dẫn đến viêm phổi nặng. Theo người nhà bệnh nhi, trong khi chơi một mình, bố mẹ không để ý, bé T.T.U đã lấy chai nước có chứa dầu luyn để uống. Bé bị sặc, ho, tím tái, khó thở được người nhà đưa đến BV Đa khoa Tuyên Quang để cấp cứu. Sau đó, do tình trạng bệnh ngày càng nặng, T.T.U được chuyển lên BV Nhi trung ương.
Trẻ em cần được hướng dẫn các kỹ năng để tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra. Ảnh: Minh Hải |
Trường hợp khác là một bệnh nhi ở quận Long Biên - Hà Nội được cấp cứu tại Trung tâm Chống độc (BV Bạch Mai) do uống nhầm phải thuốc diệt mối. Theo người nhà kể lại, vì cháu bé bị ho nên gia đình đã mua thuốc ho về cho cháu uống. Do sơ ý, họ đã để thuốc ho lẫn với thuốc diệt mối, dẫn đến hậu quả đáng tiếc nói trên. Điều may mắn là cháu bé đã được các bác sĩ Trung tâm Chống độc cấp cứu kịp thời nên bệnh tình đã thuyên giảm, có thể xuất viện trong vài ngày tới…
Bác sĩ Đào Hữu Nam, khoa Điều trị tích cực (BV Nhi trung ương) cho biết, tình trạng ngộ độc do uống nhầm hóa chất, thuốc trừ sâu rất dễ xảy ra ở trẻ em nếu người lớn sơ ý. Điều nguy hiểm là các trường hợp uống nhầm phải xăng, dầu hỏa có thể gây viêm phổi nặng bởi bệnh nhân dễ dàng hít phải hơi độc của hóa chất. Với dầu luyn thì còn nguy hiểm hơn rất nhiều vì chất này đặc sánh, khi vào phổi thường đọng lại, tan trong mỡ, ngấm vào các nhánh phế quản và nhu mô phổi khiến việc điều trị càng khó khăn.
Ngoài chuyện uống nhầm chất lỏng gây hại cho cơ thể con người, trẻ còn phải đối diện với nguy cơ tai nạn do không được chăm sóc kỹ. Vào mùa hè, trẻ em được nghỉ học. Điều đáng lưu ý là do hoàn cảnh gia đình, nhiều trẻ không được trông nom, giám sát chặt chẽ nên tai nạn dễ xảy ra hơn. Số trẻ phải nhập viện vì gặp tai nạn trong sinh hoạt thường nhật cũng gia tăng, nguyên nhân chủ yếu do sự lơ là của người lớn. Đơn cử như trường hợp cháu B.T.T (ở Thái Nguyên) vừa được cấp cứu tại BV Nhi trung ương trong tình trạng hôn mê, bầm tím 2 mắt. Theo hồ sơ bệnh án, sau khi ngã từ ban công xuống đất (độ cao khoảng 5m), bé B.T.T bị hôn mê. Gia đình lập tức đưa bé đi cấp cứu tại BV Đa khoa Thái Nguyên và được chẩn đoán máu tụ ngoài màng cứng, cần phẫu thuật vùng trán để lấy máu tụ và dẫn lưu. Sau khi phẫu thuật, bé được chuyển lên BV Nhi trung ương. Tại đây, các bác sĩ khoa Hồi sức ngoại đã cho bệnh nhi thở máy, điều trị chống phù não, ổn định về hô hấp, tuần hoàn và truyền máu cho trẻ. Hiện nay, bé B.T.T vẫn đang được điều trị tích cực và theo dõi thêm. Mới đây, khoa Nhi (BV Bạch Mai) cũng tiếp nhận một bé trai mới 2 tuổi, ở Phú Xuyên (Hà Nội) trong tình trạng hôn mê, tím tái, co giật do đuối nước. Bé bị nạn vào lúc chập tối, khi đang cùng với một bé khác ngồi chơi ở gần bờ ao. Trong ít phút không có người lớn trông nom, cháu bé bị ngã xuống nước...
Tạo môi trường an toàn cho trẻ
Trong các tai nạn thương tích thường gặp ở trẻ nhỏ, bác sĩ Phạm Hồng Sơn, Phó trưởng khoa Hồi sức ngoại (BV Nhi trung ương) cho rằng té ngã là tai nạn dễ gặp nhất. Khi trẻ bị ngã, nếu thấy xuất hiện các biểu hiện như đau đầu, quấy khóc nhiều, nôn nhiều, li bì, hôn mê hoặc tỉnh sau đó xuất hiện hôn mê trở lại… thì cần nghĩ tới nguy cơ chấn thương sọ não, phải đưa trẻ đến viện ngay lập tức.
Đuối nước cũng là tai nạn thường gặp ở trẻ khi vào hè. Đây là loại tai nạn không thể coi thường bởi có thể xảy ra ngay cả trong trường hợp trẻ ở cạnh người lớn. Trên thực tế, các bác sĩ đã từng tiếp nhận cả những cháu bé đi bơi cùng bố mẹ. Trong nhiều trường hợp, khi bố mẹ không để ý, trẻ đi trên thành bể bơi đã không may ngã xuống nước… Nhìn chung, để tránh trẻ bị đuối nước, tốt nhất là cha mẹ không để trẻ nhỏ chơi gần ao, mương, rạch; khi cho trẻ đi bơi thì cần có sự theo dõi sát sao của người lớn. Trong trường hợp trẻ bị đuối nước, cần lập tức tiến hành sơ cứu bằng cách kiểm tra mũi, miệng của trẻ để khai thông đường thở (nếu có mắc dị vật) và làm thủ thuật hô hấp nhân tạo, sau đó nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.
Trẻ em, nhất là các bé trong độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo, luôn cần được giám sát kỹ để tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra. Các chuyên gia lưu ý điều đó là bởi trẻ ở độ tuổi nói trên luôn thường trực tâm lý khám phá thế giới xung quanh, rất hiếu động, chỉ một phút sơ sểnh là có thể xảy ra tai nạn. Với những trẻ bị thương tổn nặng, được cứu sống cũng có thể phải chịu di chứng cả đời, nhất là khi não bị tổn thương. Với trẻ nhỏ trong độ tuổi mà đa số không tự ý thức được về hành vi của mình, phụ huynh cần tạo môi trường an toàn cho trẻ. Trong thực tế, có những việc tưởng chừng là thừa với người lớn nhưng lại quan trọng đối với sự an toàn của trẻ như: Việc lắp ổ điện có nắp che ở trên cao để trẻ không thể với tới, không để ghế ở gần lan can nhà cao tầng; để phích đựng nước nóng và các đồ dùng dễ vỡ ngoài tầm với của trẻ; không để các loại hóa chất, xăng, dầu lẫn với vật dụng thường ngày của trẻ....
Vào hè, vài điều lưu ý lại về sự kỹ lưỡng của người lớn trong việc chăm sóc trẻ mà nhiều người tưởng chừng đã rõ, thiết tưởng không thừa.