Tạo sự đồng thuận cao trong xã hội
Chính trị - Ngày đăng : 06:49, 23/06/2014
Trong nhiệm kỳ vừa qua, MTTQ Việt Nam TP Hà Nội và các tổ chức thành viên đã không ngừng đổi mới phương thức hoạt động, thực hiện hiệu quả từng vấn đề thuộc nội dung nêu trên với tinh thần hướng mạnh về cơ sở, gần dân, sát dân, lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.
Nâng cao chất lượng các quyết sách
Để tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân trên địa bàn phát huy quyền làm chủ trong việc tham gia vào quá trình xây dựng các quyết sách, đồng thời góp phần hoàn thiện, nâng cao chất lượng các quyết sách trước khi ban hành; được sự chấp thuận của cấp ủy, Thường trực HĐND, UBND và Ủy ban MTTQ quận Hai Bà Trưng đã thống nhất ban hành Quy chế 186 về phối hợp tổ chức phản biện xã hội. Quy chế này gồm 4 chương, 14 điều, trong đó quy định về hoạt động phản biện xã hội, điều kiện tổ chức phản biện và những điều khoản thi hành. Bên cạnh đó, để thống nhất cách làm, các bước thực hiện quy trình phản biện cũng được xác định rất cụ thể từ việc tiếp nhận yêu cầu phản biện, xác định thành phần tham gia, thu thập, nghiên cứu tài liệu liên quan... tới việc tiếp nhận thông tin qua các kênh trong xã hội, tổng hợp ý kiến phản biện gửi chính quyền. Trong đó, quan trọng nhất là phải lựa chọn được trúng vấn đề thiết thực, có tác động, ảnh hưởng sâu rộng tới đời sống xã hội và sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn để tổ chức phản biện; đồng thời lựa chọn thành phần tham dự hội nghị là những người có đủ năng lực, trình độ chuyên môn đáp ứng nội dung phản biện; cung cấp sớm và đầy đủ các tài liệu liên quan để đại biểu có thể nghiên cứu kỹ trước khi tham gia phản biện.
Sau thời điểm ban hành Quy chế 186 (ngày 7-11-2012), trong năm 2013 Ủy ban MTTQ quận Hai Bà Trưng đã tổ chức được hai hội nghị phản biện xã hội, tham gia góp ý kiến vào "Báo cáo thực trạng và giải pháp để hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách năm 2013" và "Dự thảo đề án quy hoạch phân khu chức năng sử dụng đất quận Hai Bà Trưng". Các hội nghị đều tập trung phân tích, đánh giá, đề xuất về tính pháp lý, tính khả thi, tính hiệu quả, phạm vi và mức độ tác động (tích cực và tiêu cực) của quyết sách đến cộng đồng xã hội và môi trường… sự đồng thuận xã hội đối với quyết sách. Các hội nghị đã có nhiều ý kiến tâm huyết của đại biểu với nhiều giải pháp, đề xuất đóng góp cho các dự thảo đề án, được đánh giá cao. Đặc biệt, những hội nghị nêu trên đều mời đại diện cơ quan liên quan cùng đơn vị lập quy hoạch tham gia để trao đổi với đại biểu làm sáng tỏ những nội dung còn nhiều ý kiến.
Cách làm trên của quận Hai Bà Trưng đã góp phần khẳng định vai trò quan trọng của MTTQ trong việc tham gia xây dựng chính quyền, nâng cao chất lượng các quyết sách đồng thời; tạo sự đồng thuận xã hội về nhận thức và thống nhất về hành động của các tầng lớp nhân dân trong việc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Thực hiện tốt việc giám sát ngay từ cơ sở
Để thực hiện tốt chức năng giám sát, MTTQ huyện Thanh Trì đặc biệt coi trọng công tác tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân (TTND) và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng (GSĐTCĐ). Cụ thể, MTTQ các xã, phường, thị trấn thường xuyên tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng trong quá trình giới thiệu nhân sự và tổ chức hội nghị ở khu dân cư để nhân dân bầu các thành viên Ban TTND và Ban GSĐTCĐ, bảo đảm đúng quy trình, quy định của pháp luật. Hiện toàn huyện có 16 Ban TTND với 150 thành viên (đảng viên chiếm tỷ lệ 46,6%), trong đó có 7 đồng chí Trưởng Ban TTND là Phó Chủ tịch MTTQ các xã; 16 Ban GSĐTCĐ với 143 thành viên (đảng viên chiếm tỷ lệ 51%), trong đó có 9 đồng chí là Phó Chủ tịch MTTQ các xã. Thành viên các ban TTND, GSĐTCĐ đều là những người có kiến thức, hiểu biết pháp luật, có tinh thần trách nhiệm và uy tín cao được nhân dân tín nhiệm.
5 năm qua, các ban TTND trên địa bàn huyện Thanh Trì đã tham gia tích cực vào việc giám sát thực hiện chính sách pháp luật của Nhà nước tại địa phương; việc thực hiện nghị quyết của HĐND và các quyết định của UBND xã, thị trấn. Thực hiện công tác giám sát quản lý đất đai, trật tự xây dựng, trật tự đô thị, các ban TTND đã phát hiện 215 trường hợp san lấp, xây dựng trên đất công, đất nông nghiệp với diện tích hàng nghìn mét vuông; phát hiện 327 trường hợp xây dựng không phép, sai phép để kiến nghị giải quyết dứt điểm các vi phạm. Bên cạnh đó là sự phối hợp tham gia giám sát việc thực hiện các chế độ với người có công, gia đình chính sách, bảo đảm đúng đối tượng; tham gia giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, việc tiếp nhận và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân (hằng năm đạt tỷ lệ trên 90%, tỷ lệ hòa giải ở cơ sở đạt 85%), góp phần giải quyết tốt các vụ việc mâu thuẫn ngay từ cơ sở... Ban GSĐTCĐ các xã, thị trấn đã giám sát được 424 công trình, dự án trên địa bàn huyện Thanh Trì, phát hiện nhiều sai phạm như sử dụng 29.000 viên gạch kém chất lượng và thi công sắt mô men không theo đúng thiết kế tại công trình xây dựng Trường Mầm non Triều Khúc; phát hiện gạch không đúng chủng loại tại công trình xây dựng Trung tâm Văn hóa xã Đông Mỹ và Trường Mầm non thôn Yên Ngưu (thị trấn Văn Điển)...
Hoạt động có hiệu quả của các ban TTND, GSĐTCĐ trên địa bàn Thanh Trì đã góp phần tạo ra những chuyển biến tích cực trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc tham gia quản lý nhà nước, xây dựng chính quyền cơ sở. Kết quả của hoạt động giám sát không chỉ là phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời những sai phạm ngay từ cơ sở mà quan trọng hơn là tạo được sự đồng thuận xã hội, xây dựng, củng cố lòng tin của quần chúng nhân dân trong triển khai thực hiện chức năng giám sát của MTTQ.