EBook phát triển, xuất bản và người đọc có lợi gì?

Sách - Ngày đăng : 07:04, 22/06/2014

(HNM) - Sự kiện xuất bản đáng chú ý tuần qua là việc NXB Kim Đồng khai trương thư viện eBook (sách điện tử) với



Như vậy, các đơn vị xuất bản đang ngày một tiến sâu hơn vào địa hạt sách điện tử, không ngừng cập nhật các tiện ích. Câu chuyện này không mới, nhưng nó tiếp tục đặt ra nhiều vấn đề đối với hoạt động xuất bản và quyền lợi của người đọc.

Giao diện thư viện eBook Kim Đồng.


Phát triển trong sự cộng hưởng

Khi NXB Kim Đồng công bố thư viện sách điện tử tại địa chỉ kimdong.greelane.com với nhiều lợi thế, câu hỏi mà báo giới đặt ra là vậy sách giấy của Kim Đồng sẽ phát triển như thế nào trong mối tương quan với một sản phẩm mới là sách điện tử? Đâu là sự khác biệt và lý do để phụ huynh, bạn đọc nhỏ bỏ ra 40 nghìn đồng mỗi tháng nhằm truy cập, đọc các tác phẩm trong thư viện thay vì mua đứt từng cuốn như trên các trang eBook khác?

Câu trả lời cho thấy đây không chỉ là chuyện bán sách riêng của NXB Kim Đồng mà còn là những bước phát triển của eBook ở Việt Nam. Cụ thể, thư viện này có thể được truy cập tốt trên cả Ipad, Galaxy Tab, Iphone hay thiết bị chạy Android. Cùng lúc 5 thiết bị có thể dùng chung một tài khoản để tham gia đọc sách tại thư viện. Theo NXB Kim Đồng, cũng như Vinapo - đơn vị xây dựng trang eBook này, điểm khác biệt của thư viện sách điện tử Kim Đồng nằm ở chỗ bạn đọc được thao tác như tham gia một thư viện thông thường: Đọc bất kỳ cuốn sách, tạp chí nào có tại đây, tiếp cận các ấn phẩm mới nhất, có thể tải về không giới hạn số lần và lưu để đọc (trong thời hạn nộp phí). Và khi hết thời hạn thì chỉ có thể đọc bản miễn phí, hoặc bản đọc thử…

Quả thực đây là một nét khác biệt so với việc mua đứt từng cuốn sách điện tử như cách thức thông thường hiện nay. Không thể nói cách nào hay hơn cách nào nhưng việc tạo ra một “thư viện sách điện tử” bên cạnh hình thức “nhà sách điện tử” là một việc góp phần làm phong phú “món ăn” cho độc giả.

Bên cạnh đó, mức phí 40 nghìn đồng/tháng được cho là tiết kiệm, phù hợp với bạn đọc nhỏ. Con số này được đem so sánh với việc chỉ đủ mua một hoặc vài cuốn sách in…

Cũng như báo chí, các loại hình của xuất bản hiện không ám ảnh chuyện cạnh tranh nhau mà thay vào đó là dựa vào nhau để cùng phát triển. Trước câu hỏi về việc sách giấy của Kim Đồng sẽ phát triển thế nào khi eBook nhiều ưu thế như vậy? Câu trả lời không nằm ngoài bối cảnh chung là: Sách giấy vẫn có vị trí và ưu điểm nhất định nhờ công nghệ in ấn hiện đại, chất lượng giấy tốt và đặc biệt là thói quen đọc tồn tại như một bản năng của con người. Chưa kể, nhiều ý kiến cũng cho rằng chính việc tiếp cận eBook có khi lại gợi mở và kích thích nhu cầu tìm mua, sở hữu sách giấy của độc giả.

eBook sẽ góp phần phát triển văn hóa đọc?

Một “slogan” đáng chú ý nữa của eBook Kim Đồng là “Giữ thói quen đọc sách cho con trẻ, kết nối gia đình trong thời đại số”. Quả thực, ở thành phố, không gian văn hóa gia đình đã khác trước rất nhiều. Tối đến, mỗi người sẽ ngồi một góc với một thiết bị “thông minh” trên tay, thậm chí giao lưu với nhau cũng qua điện thoại và máy tính. EBook Kim Đồng kỳ vọng vào việc cha mẹ, con cái có thể truy cập cùng lúc tại địa chỉ này để rồi cùng nói với nhau về một câu chuyện chung. Và dù đi đâu nhưng với một thiết bị điện thoại, máy tính bảng trên tay, mỗi người có thể mang theo cả thư viện với hàng chục, tiến tới hàng trăm, hàng nghìn đầu sách.

Một ưu điểm nữa là sách điện tử với các ứng dựng mới có thể cho phép người đọc tương tác với tác phẩm. Hình ảnh minh họa không chỉ đẹp, sinh động mà còn tích hợp video, audio và các hình thức kết nối khác… Tất cả đều đóng góp thiết thực cho nhu cầu đọc sách, phát hành sách thời hiện đại.

Tuy nhiên, sách điện tử và phát triển văn hóa đọc thông qua sách điện tử hiện chỉ có thể khả thi ở thành phố với những độc giả có điều kiện. Còn cả một lượng công chúng nhỏ tuổi, phụ huynh ở các vùng nông thôn, hoặc vùng xa xôi không thể tiếp cận hình thức này. Vậy thì, phải chăng sách giấy vẫn cứ là một sự lựa chọn thích hợp?

Nói đến eBook và văn hóa đọc cũng phải nói đến bản quyền và thực thi bản quyền. Nhà xuất bản Kim Đồng khẳng định sách đưa lên thư viện là sách có bản quyền, có xin phép tác giả và có thỏa thuận về nhuận bút dựa trên thước đo về số lần tải tác phẩm… Thực tế, câu chuyện sách điện tử tưởng là dễ kiểm soát vì tác giả hoàn toàn có thể phát hiện, nhưng vẫn có những trường hợp sách điện tử cũng bị “luộc”, “xào” đến chín nhừ. Tác giả hoặc người có tác quyền khi phát hiện ra được thì kẻ xào xáo cũng đã kiếm kha khá. Vậy nên, có một động thái rất rõ của eBook Kim Đồng cũng như nhiều đơn vị sách điện tử khác trong nỗ lực ngăn chặn nạn “ăn cắp” là các chức năng không cho phép copy, in ấn, sao chép sách điện tử.

Phát hành sách bằng internet là xu thế không thể cưỡng lại trong một thế giới của công nghệ nhưng rõ ràng không vì thế mà sách giấy lép vế. Bạn đọc giờ đây ngày càng có thêm sự lựa chọn để sự đọc phong phú hơn và xuất bản cũng buộc phải thích ứng để giữ công chúng.

Hà Dương