Biển đông trong lòng người xa xứ
Người Việt bốn phương - Ngày đăng : 06:53, 22/06/2014
Tinh thần yêu nước như triều dâng, sóng dậy ở khắp mọi nơi, từ miền ngược đến miền xuôi, từ Bắc vào Nam, từ trong nước ra ngoài nước. Nhân dân ta ở khắp nơi đã xuống đường để biểu thị lòng yêu nước, hướng về biển đảo thân yêu của Tổ quốc.
Các thành viên Hội VHNT TP Chemnitz sáng tác nhiều bài thơ thể hiện lòng yêu nước, hướng về Biển Đông. |
Một nhà thơ đã viết: “Trung Quốc gây hấn Biển Đông. Cửu Long nổi sóng sông Hồng sục sôi. Trường Sơn bật dậy núi đồi. Từ trong lòng đất vọng lời ông cha. Giữ gìn biển đảo - sơn hà. Chủ quyền trọn vẹn nước nhà bình yên…”. Hành động ngang ngược, bất chấp luật pháp trên của Trung Quốc đã trở thành chủ đề nóng của giới thơ ca trong và ngoài nước thời gian qua. Buổi sinh hoạt “Chiều Thơ xuân” thường niên của Hội VHNT TP Chemnitz cũng không nằm ngoài chủ đề thời sự này. Bằng những hình ảnh gợi tả, gợi cảm, nhà thơ Trần Duy Hảo đã lay động tâm can bạn đọc trong không gian nóng bỏng cùng với Biển Đông dậy sóng với những câu thơ: “Tháng Năm ơi! một ngày hè nóng bỏng. Biển quê hương lại dậy sóng căm hờn. Thềm lục địa quặn đau lòng đất mẹ. Mũi khoan thù xuyên buốt mọi con tim…”.
Qua những lời tâm sự thân tình, trong bài thơ “Cùng anh lính đảo”, tác giả đã thổ lộ tâm tư tình cảm của những người phụ nữ nói chung và người Việt Nam ở nước ngoài nói riêng đối với những chiến sĩ đang ngày đêm đối mặt với sóng gió để giữ gìn biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Bài thơ như một thông điệp thể hiện sự đồng cảm, yêu thương, chia sẻ trước những hiểm nguy, gian khó mà các anh đang đối mặt, các anh phải vượt qua. Cả nước đang hướng về biển đảo. Tất cả người Việt Nam ở nước ngoài đang hướng về biển đảo thân yêu của Tổ quốc, đó là Trường Sa và Hoàng Sa. Xúc cảm trước khí thế bừng bừng như lửa trong mỗi trái tim, trong những dòng người đi biểu tình phản đối hành động hạ đặt giàn khoan Haiyang Shiyou - 981 trái phép trên của Trung Quốc, nhà thơ Phúc Nguyễn đã khẳng định ý chí quật cường của dân tộc Việt Nam: “Mầu cờ đỏ phất lên như lửa cháy. Người sát người đứng như cọc Bạch Đằng Giang. Đất nước tôi ngàn đời nay vẫn thế. Yêu hòa bình và bất khuất hiên ngang…”.
Bài thơ “Giữ lấy biển khơi” của tác giả Hoàng Long vang lên như lời hiệu triệu con Lạc cháu Hồng ở Đông - Tây - Nam - Bắc trên khắp năm châu bốn biển đoàn kết một lòng, bảo vệ non sông đất nước: “Đất Việt hùng thiêng của ta ơi! Con Hồng, cháu Lạc, khắp muôn nơi. Đoàn kết, đồng lòng, chung ý chí. Nguyện dâng tất cả: Giữ biển khơi!”. Tổ quốc nơi biển đảo đã trở thành một phần cơ thể sống, đã hóa thân vào máu thịt những người yêu Tổ quốc chúng ta. Tác giả Minh Hải với bài “Con Lạc cháu Tiên hướng về biển” đã vạch rõ chân tướng của tư tưởng bành trướng, từ đó thể hiện thái độ, lập trường, ý chí của những người con xa xứ quyết tâm giữ gìn lãnh thổ của Tổ quốc trước sự ngang ngược của kẻ xâm lăng: “Đến lúc con Lạc cháu Tiên. Rồng thiêng cưỡi sóng dẹp yên giặc thù. Để cho khúc hát mẹ ru. Êm êm dịu ngọt Xuân, Thu trường tồn!”. Buổi sinh hoạt “Chiều Thơ xuân” được đông đảo các nhà thơ, các bạn yêu thơ ở khắp mọi miền đến dự. Tất cả đều bừng bừng khí thế của tim sôi máu nóng. Điều đó thể hiện rõ ý chí của người Việt Nam yêu chuộng hòa bình và công lý chống lại dã tâm của Trung Quốc ở Biển Đông. Những người Việt Nam đang ở xa Tổ quốc luôn đoàn kết sát cánh bên nhau, cùng với dư luận yêu chuộng hòa bình ở khắp thế giới lên tiếng đấu tranh cùng với nhân dân trong nước bảo vệ biển trời và lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
Bên cạnh những bài thơ là những ca khúc “Nơi đảo xa” của Thế Song, “Bâng khuâng Trường Sa” nhạc Lê Đức Hùng - thơ Nguyễn Thế Kỷ cùng hướng về biển đảo quê hương, được cất lên từ những trái tim yêu Tổ quốc thiết tha. Lời thơ, tiếng hát trong buổi sinh hoạt hôm nay chính là tiếng lòng của con Lạc cháu Hồng trên quê người đất khách. “Yêu với căm hai đợt sóng ào ào. Vỗ bên mình vọng mãi tới trăng sao”. Hai đợt sóng ấy đang dậy từ Biển Đông và sóng Biển Đông đang dậy trong lòng những người con xa xứ.