Bóng đá Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:13, 22/06/2014

(HNM) - Xuất hiện vào đầu thế kỷ XX, muộn hơn so với Nam Kỳ nhưng bóng đá ở Bắc Kỳ phát triển nhanh hơn các môn đua xe đạp, bóng bàn, đua ngựa, bi sắt… Đặc biệt, ở Hà Nội, bóng đá đã trở thành môn thể thao được ưa thích nhất.

Năm 1906, vào chiều chủ nhật, trên sân Mangin (dưới chân Cột Cờ) khi ấy là bãi đất rộng, các đơn vị lính Pháp đóng trên địa bàn Hà Nội mang quả bóng da đá với nhau. Nhưng trò giải trí ấy lại thu hút khá đông sĩ quan, binh lính Pháp cùng công chức người Pháp và người Việt. Và năm 1907, ở Hà Nội, ra đời 2 đội bóng là đội Nhà binh 9eRIC (Trung đoàn bộ binh thuộc địa số 9) và đội Câu lạc bộ bóng đá (Foot ball Club). Đội nhà binh 9eRIC, hầu hết là lính Pháp và lính lê dương còn Câu lạc bộ bóng đá thì ngoài lính, có thêm công chức Pháp. Bóng đá ở Hà Nội nói riêng và Bắc Kỳ nói chung xuất hiện muộn hơn Nam Kỳ vì cuối thế kỷ XIX, nghĩa quân Yên Thế và phong trào Cần Vương hoạt động rộng khắp ở vùng trung du Bắc Kỳ khiến quân đội Pháp không dám tụ tập đá bóng.

Một trận bóng đá tại SVĐ Hàng Đẫy.


Tháng 2-1912, Câu lạc bộ Bóng đá Hà Nội (Stade Hanoien) ra đời, tham gia đội bóng không có lính Pháp và lê dương mà chỉ có người Pháp làm ở các công sở và người Việt Nam yêu thích môn thể thao này. Họ đá tập trên bãi Mangin, những buổi tập của đội thu hút rất đông người đến xem vì nó hoàn toàn mới mẻ với dân Hà Nội. Trận cầu đầu tiên giữa Câu lạc bộ Bóng đá Hà Nội và Trung đoàn bộ binh thuộc địa diễn ra ngày 1-11-1913 tại Mangin đã lôi cuốn được gần 3.000 khán giả, kết quả đội 9eRIC thắng 5-3. Trong hồi ký, đốc lý Hà Nội Logerot (giai đoạn từ tháng 9-1912 đến tháng 2-1915) viết: "Không thể tưởng tượng được dân An Nam đến xem quá đông. Họ không hiểu luật chơi nhưng mỗi lần cầu thủ An Nam có bóng dẫn về phía cầu môn đội 9eRIC, họ reo hò ầm ĩ. Tuy nhiên, sức mạnh của Câu lạc bộ Bóng đá Hà Nội vẫn phải nhờ đến các cầu thủ người Pháp là Menin, Megy, Bernard, Bonardi...".

Trận đấu này đã truyền cảm hứng đá bóng cho thiếu niên Hà Nội, nhất là học sinh. Các trường tiểu học Sinh Từ, Hàng Vôi, Cửa Đông… đã lập các đội bóng chân đất. Các nhà buôn Hoa kiều, Việt Nam và Nhật ở Hà Nội tận dụng cơ hội đã nhập khẩu bóng cao su to như quả bưởi từ Hồng Kông đáp ứng nhu cầu lớp trẻ. Nhiều phố, thiếu niên tập trung lập đội chơi bóng. Các đội đấu giao hữu ở các bãi trống trên khắp thành phố, thậm chí tại các ngã ba, ngã tư vắng người. Tuy nhiên, bãi trống gần Nhà thương Đồn Thủy (Bệnh viện Hữu Nghị hiện nay), trước trường Hàng Kèn (phố Quang Trung), đường Gambetta (phố Trần Hưng Đạo hiện nay) được ưa chuộng nhất. Từ học sinh tiểu học, bóng đá lan sang các trường trung học, trường Bưởi, Albert Sarraut có đội bóng mạnh bên cạnh môn bóng rổ. Sở dĩ học sinh thời kỳ này mê bóng đá vì nó lạ lẫm, đòi hỏi sự kết hợp của một tập thể, điều ít thấy trong các trò chơi dân gian.

Thấy bóng đá dễ chơi, khỏe người lại không tốn tiền như đua xe đạp, quần vợt, cũng không cần phải có nhà rộng, có bàn như bóng bàn nên bắt chước thiếu niên, công chức các công sở, thanh niên, công nhân các hãng đã tham gia môn thể thao này. Đến những năm cuối thập niên đầu tiên thế kỷ XX, Hà Nội xuất hiện khá nhiều câu lạc bộ mà cầu thủ hoàn toàn là người Việt như: Tia Chớp (Eclair), Ngọn Giáo (La Lance), Stát Hà Nội (Stade Hanoien)… Cầu thủ phải tự sắm áo, giày, đóng tiền tháng để mua bóng. Để cổ vũ bóng đá, một số "Mạnh thường quân" đã chi thêm tiền cho các đội bóng, trong đó có ông Trần Văn Quý ở Sở Lục lộ. Chính trên sân Mangin, một giải vô địch bóng đá riêng cho Bắc Kỳ đã được tổ chức lần đầu vào khoảng 1918-1919. Lúc đầu, khán giả vào xem không mất tiền nhưng sau ban tổ chức mới kê bàn ngăn bốn đường vào sân và bán vé, mỗi vé giá 1 hào.

Năm 1919, ông Nguyễn Quý Toản đi du học ở Pháp về đã mở trường thể dục - thể thao đầu tiên ở Hà Nội. Trường có tên là École d'éducation Physique (Edep), ở khu vực sau nhà máy diêm (nay là khu Vân Hồ, quận Hai Bà Trưng). Edep thu hút rất đông thanh niên Hà Nội đến luyện tập các môn xà đơn, xà kép, bóng bàn, quần vợt… và đặc biệt là bóng đá. Năm 1930, thành phố quy hoạch khu vực này nên đã đổi cho Edep một bãi đất trống rộng mấy hécta ở phía bắc phố Cát Linh và Edep đã đổi tên là Septo (Société d'éducation Physique du Tonkin). Ban đầu, Septo chỉ là sân đất có một khán đài nhỏ.

Nhận thấy người Hà Nội rất thích xem bóng đá, một số công ty cho đây là cơ hội tốt để quảng bá nên họ đã cho lập các đội bóng. Năm 1924, Nhà Gordad Tràng Tiền lập đội Racing Club (còn gọi là đội Gà nòi). Năm 1936, Mặt trận Bình dân Pháp thắng thế đã khuyến khích phong trào thể thao ở các nước thuộc địa. Được Toàn quyền Đông Dương khi đó là Chatel ủng hộ, Tổng ủy viên Thanh niên Đông Dương Ducouroy đã nghĩ ra nhiều trò nên thể thao Hà Nội phát triển rất mạnh, nhất là bóng đá. Các công ty, hãng buôn lớn đã lập đội bóng, họ tuyển cầu thủ và trả lương để họ quanh năm chơi bóng đá. Những đội mạnh thập niên 30 thế kỷ XX phải kể đến Câu lạc bộ Ô tô phố Tràng Thi (Auto Hall Club), Sở Hỏa xa (Utaga). Đội bóng mạnh nhờ có cầu thủ giỏi, đội Tia Chớp có Văn Đức Vịnh (thầy thuốc), Nhuận (lái xe), Tâm A (còn gọi là Tâm Toit), Viễn, Ba già, Biềng… Đội Ngọn Giáo có Thịnh, Stát Hà Nội có Thi, Thông (em Thịnh). Tuy nhiên, nổi danh nhất, được người ham mê bóng đá gọi là "Túc cầu tiểu vương" là Nguyễn Thông. Yêu bóng đá từ nhỏ, Thông từng là "ngôi sao" chân đất tại các sân Paster, Nhà Dầu, Nguyễn Thông bắt đầu tham gia đá cho các đội chuyên nghiệp từ lúc 17 tuổi. Tiếng tăm Nguyễn Thông lan khắp 3 xứ và vì thế các đội bóng nổi tiếng trong Nam, ngoài Bắc rất muốn có tiền đạo này trong đội của mình. Và ông đã đá cho các đội ở Nam Kỳ, Trung Kỳ và cuối cùng về đá tại Hà Nội nơi ông sinh ra. Sau 1954, Nguyễn Thông về đội Thể Công rồi Trường Thể dục - Thể thao trung ương. Những năm 1930, hàng năm Hà Nội tổ chức thi đấu giữa các đội mạnh và đấu với các đội nhà binh Pháp. Tuy nhiên, vì hay xảy ra ẩu đả nên chính quyền đã cấm các đội bóng Hà Nội đá với các đội Pháp dù chỉ đá giao hữu.

Khi bóng đá phát triển thì các bãi đất trống, đường phố chỉ phù hợp với đá chân đất mang tính nghiệp dư, bóng đá chuyên nghiệp cần có sân đúng tiêu chuẩn, tuy nhiên ở Hà Nội khi đó chỉ duy nhất sân Mangin đáp ứng được yêu cầu nhưng sân này do quân đội Pháp quản lý và chỉ dành cho các giải thi đấu chân giày chính thức. Để có sân luyện tập và thi đấu, chủ các đội bóng đã kết hợp với nhau xin chính quyền thành phố các bãi đất rộng làm sân. Ðội Tia Chớp và Câu lạc bộ Bóng đá Hà Nội kết hợp lập ra sân Nhà Dầu (gần kho xăng Hãng Shell, sát cầu sông Hồng, nay là cầu Long Biên). Racing Club thì xin bãi Bắc Qua, họ cho lập hàng rào và đặt tên bãi là Stade Lepage. Còn Septo cải tạo bãi Cát Linh thành sân Septo (sau này là sân Hàng Đẫy).

Ngày 8-3-1946 là mốc thời gian đáng nhớ với ngành thể dục - thể thao Việt Nam nói chung và bóng đá Hà Nội nói riêng. Chiều hôm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến sân Septo dự buổi khai mạc hội khỏe và xem trận đấu bóng đá giữa đội Thanh niên Cứu quốc Hoàng Diệu và đội Vệ Quốc đoàn. Trận đấu giữa 2 lực lượng tuyên truyền và vũ trang tại thủ đô Hà Nội này được ghi nhận là trận bóng đầu tiên sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời. Có khá nhiều danh thủ tham dự trận cầu lịch sử này. Đội Thanh niên Cứu quốc Hoàng Diệu có các cầu thủ xuất sắc như: Bích, Phương, Goòng, Thìn A, Tư Biêu, Đường, Hợi, Bưởi, Tý Bồ, Man... Bên đội Vệ Quốc đoàn có các cầu thủ: Thành, Thái, Kỳ, Chí, Dứa, Đức, Cầu, Lộc, Hợi, Trường, Phú. Chủ tịch Hồ Chí Minh đến sân Septo trong bộ quần áo kaki màu trắng giản dị. Khi hai đội xếp hàng ngang trên sân chào khán giả, ban tổ chức và trọng tài đã trân trọng mời Chủ tịch Hồ Chí Minh xuống đá quả bóng danh dự, thay tiếng còi khai mạc trận đấu. Đó thực sự là sự kiện lớn và là ngày không thể quên trong lịch sử bóng đá Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX.

Nguyễn Ngọc Tiến