“Điểm tựa” cho phóng viên tác nghiệp ở Hoàng Sa

Chính trị - Ngày đăng : 04:52, 21/06/2014

(HNM) - Để phóng viên có được những tác phẩm báo chí, những hình ảnh sống động, kịp thời phản ánh về cuộc đấu tranh chính nghĩa của chúng ta trên thực địa phải kể đến sự đóng góp không nhỏ của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam.



Để phóng viên có được những tác phẩm báo chí, những hình ảnh sống động, kịp thời phản ánh về cuộc đấu tranh chính nghĩa của chúng ta trên thực địa phải kể đến sự đóng góp không nhỏ của lực lượng Cảnh sát biển (CSB) Việt Nam.

Phóng viên Báo Hànộimới Nguyễn Đức Trường (bên phải) tác nghiệp tại vùng biển Hoàng Sa tháng 6-2014.


Đại tá Lưu Tiến Thắng, Phó Chủ nhiệm Chính trị, Bộ Tư lệnh CSB - người đã đồng hành cùng nhiều phóng viên trên vùng biển Hoàng Sa từ đầu tháng 5 đến nay cho biết: "Không chỉ thực hiện nhiệm vụ thực thi pháp luật trên biển mà chúng tôi còn dành nhiều thời gian để hỗ trợ anh em phóng viên trong sinh hoạt cũng như trong quá trình tác nghiệp, từ việc bố trí vị trí ghi hình, nơi phóng viên viết tin, bài đến việc giúp họ gửi tin, bài về tòa soạn và bảo đảm an toàn…". Với sự hợp tác nhiệt tình giữa lực lượng CSB và phóng viên, nhiều hình ảnh chân thực đang diễn ra trên thực địa cũng như sinh hoạt hằng ngày của lực lượng CSB như nghi lễ chào cờ sáng thứ hai hằng tuần, những lời nhắn nhủ của những người lính nơi đầu sóng về đất liền… đã được truyền tải kịp thời trên các trang báo, trên sóng của truyền hình Việt Nam để nhân dân hiểu và vững tâm hơn.

Thế nhưng, ít ai biết được rằng để có những thông tin đó, các phóng viên và lực lượng CSB đã cùng nhau nỗ lực rất nhiều, bởi điều kiện tác nghiệp ở biển cả hoàn toàn khác với ở đất liền khi mà sóng điện thoại, internet đều không có. Ngoài phần hỗ trợ về nội dung thông tin, phóng viên Anh Tuấn, Báo Lao động nhớ lại: "Lực lượng CSB còn phải hỗ trợ phương tiện truyền tin, bài về đất liền dù cước phí rất cao". Với Đắc Thành, phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, kỷ niệm trong những ngày tác nghiệp trên tàu CSB 2016 của anh là hình ảnh Thượng úy, Chính trị viên tàu 2016 Nguyễn Quốc Huy, dù bị tàu Trung Quốc bắn vòi rồng vào người nhưng vẫn trụ vững trên boong để ghi hình những bằng chứng tàu Trung Quốc đâm va tàu CSB lúc 17h ngày 1-6. Phóng viên Đắc Thành chia sẻ: "Lúc 17h ngày 1-6, tàu Trung Quốc mang số hiệu 46105 chạy với vận tốc cao và dùng vòi rồng tấn công tàu CSB 2016, để bảo đảm an toàn cho phóng viên, thuyền trưởng đã yêu cầu tất cả vào cabin. Mọi người đã tuân theo lệnh thuyền trưởng, chỉ có mình Chính trị viên Nguyễn Quốc Huy đứng trên boong ôm máy quay và anh đã giúp chúng tôi có được hình ảnh tàu Trung Quốc đâm trực diện vào tàu CSB 2016 làm tàu thủng 4 chỗ".

Sự hỗ trợ của lực lượng CSB không chỉ thể hiện trên thực địa mà ngay cả ở trong đất liền, các anh cũng nỗ lực rất lớn trong việc kết nối, tiếp nhận thông tin một cách đầy đủ, chính xác nhất để các cơ quan báo chí kịp thời chuyển tải đến công chúng. Theo Thiếu tá Cao Thanh Hải, Trợ lý Tuyên huấn (Phòng Tuyên huấn, Cục Chính trị, Bộ Tư lệnh CSB), từ ngày 3-5 đến nay, trung tâm liên tục hoạt động với cường độ cao. Ngoài việc phải liên tục kết nối thông tin từ vệ tinh Vinasat của các phóng viên từ thực địa truyền về các cơ quan báo chí, các anh còn phải bám sát mọi diễn biến tình hình từ các tàu để thông tin một cách nhanh chóng, chính xác, đầy đủ nhất.

Sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả của lực lượng CSB những ngày qua đã giúp phóng viên nhiều tờ báo có được những bài báo, hình ảnh sống động, chân thực để người dân trong nước và thế giới hiểu rõ cuộc đấu tranh chính nghĩa của chúng ta. Đáp lại tấm lòng của cán bộ, chiến sĩ CSB, phóng viên các cơ quan báo chí trong cả nước cũng đã kịp thời phản ánh, thông tin đầy đủ về sự quan tâm của mọi tầng lớp nhân dân, các tổ chức, đoàn thể dành cho người thân của các anh ở quê nhà với thông điệp: Đất liền luôn hướng về các anh với niềm tin và tấm lòng biết ơn sâu sắc…

Cuộc ra quân tổng lực

(HNM) - Ngay khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Haiyang Shiyou - 981 trên vùng biển Việt Nam, Ban Biên tập Báo Hànộimới đã lập tổ công tác đặc biệt thực hiện tuyến bài thời sự đấu tranh, phản bác hành động sai trái của phía Trung Quốc. Cán bộ, phóng viên của báo tỏa đi nhiều hướng, người về miền Trung gặp gỡ ngư dân, người lên đường ra điểm nóng Hoàng Sa, người theo dõi phản ánh dư luận trong và ngoài nước... Dũng cảm bám tàu ngư dân ra đánh cá tại vùng biển Hoàng Sa, phóng viên Bùi Thanh Hải đã thực hiện loạt bài viết "Cột mốc chủ quyền giữa trùng khơi". 7 ngày lênh đênh cùng ngư dân giữa bao hiểm nguy rình rập đã giúp anh có được những cảm xúc chân thực và xúc động nhất phản ánh về tinh thần dũng cảm vươn khơi, bám biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của ngư dân Việt Nam đến bạn đọc. Ngay sau đó, phóng viên Nguyễn Đức Trường lên tàu CSB tường thuật diễn biến hằng ngày tại điểm nóng Hoàng Sa. Vừa cử người ra thực địa, vừa theo dõi sát diễn biến tình hình, kịp thời có bình luận phản bác Trung Quốc, định hướng dư luận, phỏng vấn chuyên gia trong và ngoài nước, vận động hỗ trợ ngư dân, hỗ trợ gia đình CSB... Báo Hànộimới đã ra quân tổng lực, vào cuộc chủ động trên mặt trận thông tin yêu cầu Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế, dừng ngay các hành động gây hấn. Những bài báo này được đông đảo bạn đọc đánh giá cao, thể hiện bản lĩnh tiên phong đi đầu của những người làm báo Đảng Thủ đô.

Ngày 16-6 vừa qua, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đã khen thưởng đột xuất 29 tập thể, cá nhân có thành tích trong tuyên truyền biển đảo, giữ gìn an ninh chính trị TP Hà Nội. Báo Hànộimới có 3 tập thể và 3 cá nhân được khen thưởng, trong đó có hai phóng viên Bùi Thanh Hải, Nguyễn Đức Trường.

Võ Lâm

Nguyên Hoa