Hết nhạc “rác” lại đến phim “tục” tự do trên mạng

Văn hóa - Ngày đăng : 13:19, 20/06/2014

(HNMO) – Gần đây với việc rộ lên một số bộ phim có nội dung phản cảm chưa được kiểm duyệt tự do phát hành trên mạng internet lại một lần nữa cho thấy lỗ hổng quản lý đối với những sản phẩm phát hành trên internet.

* Lách luật bằng cách “tung” lên mạng

Thời gian qua, thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng phản ánh, dư luận hết sức bất bình trước tình trạng một số sản phẩm âm nhạc có ca từ tục tĩu, phản cảm được đăng tải công khai trên nhiều trang nhạc trực tuyến lớn như Zing, nhaccuatui, nhacso, nhacvui, chacha... Không chỉ riêng lĩnh vực âm nhạc, ở lĩnh vực phim ảnh cũng có rất nhiều bộ phim có nội dung “người lớn” với nhiều cảnh “nóng” chưa được kiểm duyệt cũng được đăng tải tràn lan trên internet.

Rất nhiều cảnh phản cảm, dung tục của bộ phim "Căn hộ 69" được phát hành trên mạng Youtube mà không qua kiểm duyệt


Điển hình nhất là bộ phim “Căn hộ 69” được gắn mác là “phim 18+” với nhiều cảnh phản cảm được đăng tải trên trang mạng Youtube. Bộ phim này mới chỉ đăng tập đầu tiên đã có rất nhiều người xem nhưng cũng có rất nhiều phản ứng vì nhiều hình ảnh, lời thoại dung tục của bộ phim không hiểu sao lại dễ dàng lọt lưới cơ quan thẩm định nội dung để ngang nhiên lên mạng internet và được giới thiệu như một sản phẩm nghệ thuật. Nhà sản xuất của bộ phim này còn giới thiệu sẽ tiếp tục đăng hơn 20 tập phim tiếp theo trên kênh internet trong thời gian tới.

Với việc phát triển của thời đại công nghệ số khi người người có thể truy cập internet chỉ với một chiếc điện thoại vừa đủ tính năng thì việc các cá nhân, nhà sản xuất chọn con đường phát hành trên internet để dễ tiếp cận với người nghe, người xem đang trở nên phổ biến. Chưa kể, việc chọn phát hành trên internet sẽ giúp cho nhà sản xuất tránh được sự kiểm duyệt của cơ quan quản lý văn hóa.

Theo cách phát hành truyền thống, nếu là phát hành CD, DVD nhạc, các cá nhân, nhà sản xuất phải có sự kiểm duyệt nội dung của Cục Nghệ thuật biểu diễn, Sở Văn hóa, Thể thao và du lịch. Ở lĩnh vực phim ảnh, để một bộ phim ra rạp phải có sự kiểm duyệt nội dung của Cục Điện ảnh, nếu phát sóng trên truyền hình thì bị cũng phải qua khâu kiểm duyệt của lãnh đạo Đài truyền hình đó. Tuy nhiên, khi những sản phẩm âm nhạc, phim ảnh lên mạng internet thì nó dường như được tự do phát hành mà không bị cắt xén hay kiểm duyệt về nội dung. Chỉ khi những sản phẩm này bị dư luận lên tiếng, chỉ trích thì cơ quan quản lý văn hóa mới biết và mới có những hình thưc xử lý sau.

Chính sự tự do này khiến cho nhiều nhà sản xuất hiện nay hướng đến việc phát hành sản phẩm trên internet ngày một nhiều hơn. Điều này cũng đang tiềm ẩn nhiều mối lo ngại với không ít sản phẩm “rác” đội lốt nghệ thuật được công khai, thoái mái tiếp cận công chúng.

* Khó kiểm soát nhưng không thể bó tay

Trả lời câu hỏi về việc các bộ phim “nóng” tự do tung hoành một cách công khai trên một số trang mạng có đăng ký tên miền tại Việt Nam, nhiều nhà quản lý văn hóa đều lắc đầu thừa nhận “khó kiểm soát”. Đại diện Cục Điện ảnh Việt Nam cho biết, kiểm duyệt nội dung những bộ phim phát hành trên internet là điều rất khó, vì thường các nhà sản xuất làm việc thẳng với đơn vị chủ quản của website đó chứ không gửi nội dung cho có quan quản lý văn hóa. Điều này vô cùng nguy hại vì nhiều bộ phim đính mác “18+” nhưng lại vô tư, thỏai mái cho nhiều đối tượng người xem truy cập. Điển hình như bộ phim “Căn hộ 69” là bộ phim đầu tiên phát hành trên Youtube đang gây xôn xao dư luận vì những hình ảnh phản cảm lại được giới trẻ, đặc biệt là người xem tuổi teen dưới 18 truy cập nhiều nhất.

Bộ phim đang bị dư luận phản ứng gay gắt, tuy nhiên với nhiều cảnh "nóng" được cho là nhảm ấy, nhà sản xuất và đơn vị mạng là Youtube đang thu lời lớn vì có nhiều người truy cập


Nghịch lý của việc phát hành truyền thống với phát hành trên internet hiện đang cho thấy lỗ hổng khá lớn của cơ quan quản lý văn hóa đối với việc kiểm soát nội dung những sản phẩm, dịch vụ internet. Chế tài xử phạt đối với những trường hợp vi phạm, bị công chúng phản ứng dữ dội cũng chỉ như “gãi ngứa” nếu như không muốn nói là mức phạt quá nhẹ ấy phần nào giúp cho các trang mạng như được PR thêm. Vừa qua, Thanh tra Bộ VHTT&DL đã quyết định xử phạt 7 trang nghe nhạc online vì đăng ca khúc có nội dung phản cảm với mức là 8 triệu đồng – một mức phạt quá nhẹ so với số tiền thu lời từ quảng cáo khi đăng tải những ca khúc nhạc “rác”có lượt truy cập người nghe cao.

Ngày 20-6, trả lời báo chí, ông Hoàng Vĩnh Bảo, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT) cho biết: “Thực tế hiện nay, đúng là có một số quy định về mức xử phạt chưa đủ mạnh để có tính răn đe, nhất là đối với lĩnh vực liên quan tới nội dung số và môi trường Internet có doanh thu lớn. Tuy nhiên, theo Nghị định 72 về quản lý nội dung trên Internet, cơ quan quản lý có thể căn cứ theo mức độ vi phạm và tái phạm để tăng nặng mức xử phạt, thậm chí rút giấy phép kinh doanh dịch vụ nội dung trên Internet”.

Ông Bảo cũng khẳng định, ngay cả đối với những các dịch vụ chia sẻ quốc tế như YouTube, thì các cá nhân, đơn vị sản xuất nội dung đó vẫn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật Việt Nam nếu họ đang sinh sống, hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Thực tế, trang mạng này đã từng bị xử lý theo pháp luật Việt Nam vì đã cho phát tán những clips (dù là clips tự quay) có nội dung trái với thuần phong mỹ tục của Việt Nam.

Về trường hợp phát tán phim trên mạng internet như trường hợp bộ phim “Căn hộ 69” đang đăng trên Youtube, cơ quan chức năng hoàn toàn có đủ cơ sở để xử phạt đơn vị đã sản xuất và phát hành trái phép phim chưa qua kiểm duyệt trên môi trường internet. Mặt khác, trong thời gian tới, Cục PTTH&TTĐT cũng sẽ triển khai các hình thức hợp tác kiểm soát nội dung với các dịch vụ trực tuyến như YouTube để đảm bảo các nội dung cung cấp cho người dùng internet tại Việt Nam tuân thủ đúng với các quy định pháp luật của Việt Nam.

Như vậy, dù khó kiểm soát nội dung các sản phẩm văn hóa trên môi trường internet nhưng nếu như các cơ quan chức năng của Việt Nam như Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin, truyền thông, Cục Nghệ thuật biểu diễn, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử… đều đồng loạt vào cuộc và siết chặt quản lý thì hy vọng, thời gian tới, những sản phẩm nhạc "rác", phim “bẩn” sẽ khó có cơ hội để phát tán rộng rãi, gây hậu quả xấu tới công chúng.

Hoàng Lân