Nhớ Đại tướng - Nhà báo Võ Nguyên Giáp

Chính trị - Ngày đăng : 12:49, 20/06/2014

(HNMO) - Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một tài năng lớn về nhiều phương diện nhưng nổi bật nhất là trong lĩnh vực quân sự. Ông là nhà chính trị - quân sự lỗi lạc. Tên tuổi, uy danh của Đại tướng lẫy lừng trong nước và quốc tế.



Sách “Tân bách khoa toàn thư Anh quốc” xuất bản năm 1983 đưa hai danh tướng Việt Nam là Trần Hưng Đạo và Võ Nguyên Giáp ngang hàng các danh tướng lỗi lạc trên thế giới. Tài năng quân sự thiên bẩm của Đại tướng gắn liền với những chiến công vang dội trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc “đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ” nên có người chưa biết nhiều đến Nhà báo Võ Nguyên Giáp. Thời tuổi trẻ, Võ Nguyên Giáp tham gia viết báo; ông giỏi nghề báo và rất yêu nghề làm báo.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người rất yêu nghề báo. Ảnh tư liệu: Internet


Từ năm 1927, Võ Nguyên Giáp tham gia bãi khóa, bị Pháp đuổi học phải về quê rồi vào Huế tham gia làm báo Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng.

Năm 1936 - 1939, ông tham gia phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương, làm phóng viên viết bài, biên tập cho các báo của Đảng và viết sách tuyên truyền; làm Chủ tịch Ủy ban báo chí Bắc kỳ. Thời gian này, báo chí của Đảng ra công khai, ông có nhiều bài báo, tác phẩm tuyên truyền, lý luận có giá trị như: “Vấn đề dân cày” viết chung với đồng chí Trường- Chinh (1937); “Vấn đề dân tộc ở Đông Dương” (1939); “Lịch sử cuộc đại cách mạng Pháp” (1939).

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Đại tướng có gần 50 đầu sách về các lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa... Những tác phẩm của ông viết về nhiều lĩnh vực, dù thuộc thể loại chính luận hay báo chí, văn học đều rất sắc sảo, thấm đậm tính nhân văn cao cả.

Khi đã giữ trọng trách cao của Đảng, Chính phủ và quân đội, Đại tướng vẫn yêu nghề làm báo. Các chuyến đi công tác xa, trong hành trang của ông luôn có máy ảnh. Đại tướng tự bấm máy ghi lại những khoảnh khắc rung động về thiên nhiên, con người, nhất là cuộc sống của người lính. Những người làm báo được tháp tùng Đại tướng rất biết ơn ông, bởi ông am tường nghề báo, ân cần tạo thuận lợi cho anh em phóng viên tác nghiệp. Tôi nhớ mãi những lần “bút bi, máy ảnh” đi phục vụ Đại tướng.

Tháng 12-1986, Đại tướng về thăm cơ sở cách mạng ở Hà Đông, làm việc với lãnh đạo tỉnh Hà Sơn Bình (cũ) rồi đi thăm Công trường thủy điện Hòa Bình, căn cứ quốc phòng Kim Bôi. Anh em cán bộ, chiến sỹ Sư đoàn 565 và công nhân Công trình Thanh niên cộng sản quây quần bên Đại tướng; ai cũng muốn được chụp ảnh chung. Đại tướng cười vui, chỉ các nhà báo: “- Chụp nhiều ảnh các chàng Sơn Tinh - Sông Đà đang lao động vì dòng điện Tổ quốc. Nhưng phải nhớ gửi ảnh cho anh em nhé!”

Đến xã Kim Tiến, huyện Kim Bôi thì tắt nắng. Hồi đó xã chưa có điện, tôi phát hoảng không biết làm ăn ra sao với cái máy ảnh cũ kỹ. Tôi nói nhỏ với Thư ký Đại tướng xin mời bà con ra sân chụp ảnh kỷ niệm trước, hỏi chuyện sau. Đại tướng cười hiền: “- Bà con thông cảm ra chụp ảnh. Mấy ông nhà báo kia mới là “tướng”, phải chấp hành thôi!”

Thăm Nhà truyền thống làng Vạn Phúc, Hà Đông - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến”, Đại tướng trầm ngâm lâu bên bàn làm việc và chiếc giường con lưu dấu Bác Hồ. Đứng bên bộ bàn ghế mây họp hội nghị Thường vụ Trung ương mở rộng, Đại tướng nói: “- Bác Hồ ngồi ở ghế này. Bác luôn đưa ra những quyết định lịch sử.”

Tháng 4 -2004, nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi chứng kiến những tình cảm nồng thắm của bà con các dân tộc Lai Châu, Điện Biên đón chào Đại tướng về thăm chiến trường xưa. Với anh em nhà báo, đây là chuyến đi lịch sử, thu hoạch bộn bề tư liệu; được nghe câu nói bất hủ của ông:“- Gặp lại nhau đây là quý lắm rồi!”

Tuần sau, chúng tôi đến số 30 phố Hoàng Diệu báo cáo tác phẩm chuyến đi và trao tặng Đại tướng một số hình ảnh. Hỏi về bức trướng phòng khách có chữ: “Dĩ công vi thượng”, Đại tướng nói: “Bác Hồ dạy cán bộ phải đặt lợi ích chung lên trên hết. Làm cách mạng là dĩ công vi thượng.”

Những lần sau, đến thăm Đại tướng ở nhà riêng, lần nào chúng tôi cũng được nghe Đại tướng căn dặn:“- Sinh thời, Bác Hồ rất quan tâm đến phong trào người tốt - việc tốt. Báo chí Thủ đô phải tuyên truyền thật nhiều tấm gương tốt”.

Tháng 6 - nhân kỷ niệm 89 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, khi “Thánh Gióng về trời, Thánh Giáp về quê”- Vũng Chùa - Đảo Yến, xin thắp nén nhang thơm kính viếng hương hồn Đại tướng - Nhà báo Võ Nguyên Giáp. “Mắt ứa lệ đường Điện Biên, Hoàng Diệu/ Vĩnh biệt Người, lòng con chợt hiểu/ Quốc tang quý rồi, quý hơn nữa: Dân tang”. Lời thơ huyết lệ của nhà thơ Vương Trọng đã nói hộ triệu người dân đất Việt chúng ta.

Kiều Nhật Minh