Nhớ Cây bút chính luận Dương Linh
Văn hóa - Ngày đăng : 06:45, 20/06/2014
Nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Hànộimới Dương Linh. |
Dương Linh mất ngày 1-1-2011 ở tuổi 85. Nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, tôi nhớ về một cây bút chính luận sắc sảo.
Xã luận là tiếng nói của báo nên thường do các cây bút trong Ban Biên tập, nếu không thì cũng là Trưởng ban chuyên môn viết. Tôi còn nhớ thời gian đầu mới ra Báo Thủ đô - tiền thân Báo Hànộimới - xã luận còn phải đưa sang Thành ủy, cụ thể là Ủy viên Thường vụ Thành ủy phụ trách Tuyên giáo, kiêm chủ nhiệm báo - lần lượt là các đồng chí Minh Cần, Vũ Đại, Nguyễn Bá Đoán… - duyệt.
Tôi cũng chưa quên 33 năm làm Báo Hànộimới, ngoài các thể loại khác, có thể nói thể loại mà Phó Tổng Biên tập Dương Linh viết nhiều nhất là chính luận (bao gồm xã luận, bình luận, chuyên luận…). Do luôn được luân chuyển sang hầu hết các ban: Thời sự - Chính trị (bao gồm cả nội chính và quốc tế), Kinh tế (công nghiệp và nông nghiệp), Văn hóa - xã hội… nên ông đã "phải" viết xã luận, chuyên luận về đủ các vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.
Nhớ một đêm tháng 1-2009, trong tiệm cà phê trước hồ Hoàn Kiếm, ông tâm sự với tôi:
- Nói "phải" viết chính luận là trách nhiệm và cố gắng viết trong phạm vi khả năng làm được. Và tôi cũng thấy, chính luận là thể loại không thể thiếu, nhất là đối với tờ báo của Đảng bộ Hà Nội khi cần phải có tiếng nói chính thức, tỏ thái độ, quan điểm trước mỗi diễn biến có tính bước ngoặt của thời cuộc, hoặc phải chỉ ra những nhiệm vụ công tác trọng tâm để toàn Đảng bộ tập trung thực hiện.
Tôi liền hỏi:
- Ông viết nhiều nhưng có nhớ đã viết bao nhiêu bài chính luận?
Dương Linh lắc đầu:
- Không thể nhớ hết những bài đã viết. Song, để lại nhiều kỷ niệm nhất là những bài xã luận hoặc bình luận viết trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.
Rồi ông dẫn chuyện:
- Thực ra, những bài chính luận này không nêu và phát hiện điều gì mới, mà chủ yếu là cổ vũ, biểu dương những chiến công, tinh thần chiến đấu dũng cảm của quân và dân Hà Nội, nhưng được viết với sự hào hứng, tự nguyện. Những dịp như Hà Nội bắn rơi chiếc máy bay thứ 100, Hồ Chủ tịch tặng Cờ thưởng cho quân dân Hà Nội, nhất là trong 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không, tôi phải ngồi viết trong hầm trú ẩn ở sân tòa soạn để kịp xong bài xã luận đăng số báo ra hôm sau. Hoặc những dịp kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam, Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất quyết định đặt tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, khẳng định Hà Nội là Thủ đô… Ngoài trách nhiệm, tôi cũng thấy có sự sảng khoái trong lòng.
Dương Linh tiếp lời:
- Để viết xã luận, người cầm bút trước hết phải nắm vững quan điểm đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tình hình và nhiệm vụ của thành phố từng thời gian qua nghiên cứu các văn bản, nghị quyết của Trung ương và của Đảng bộ thành phố, qua việc chịu khó theo dõi các cuộc thảo luận ở các hội nghị. Phải chăm đọc, ghi chép, tích lũy để khi cần trích dẫn các số liệu, các lời đánh giá, kết luận…
Tới đây, Dương Linh nhấn mạnh:
- Có những bài xã luận viết vào những dịp kỷ niệm lớn như Ngày thành lập Đảng 3-2, Quốc tế Lao động 1-5, Sinh nhật Hồ Chủ tịch 19-5, Quốc khánh 2-9, số đầu năm, số Tết, càng cần có đầu óc tổng hợp, kết hợp với việc nắm bắt tình hình tư tưởng của bạn đọc để viết khỏi trùng lặp, sát với thực tế, có tính thuyết phục. Văn xã luận là lối văn chính luận, dùng tư duy lô gíc để lập luận là chính, song phải cố gắng viết càng nhẹ nhàng, linh hoạt càng tốt để khỏi mang tính áp đặt, "nói lấy được".
Ngừng một lát, Dương Linh bỗng nở nụ cười:
- Cũng do viết xã luận, chính luận… đã quen, nói chung nắm được tình hình mọi mặt của thành phố từng thời gian, nên Thành ủy hoặc Ban Tuyên giáo Thành ủy mỗi khi cần lại đề nghị tôi "giúp". Một vài lần, tôi được trưng dụng tham gia Ban soạn thảo các văn kiện của Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố.
Dốc cạn ly cà phê, Dương Linh kết thúc câu chuyện:
- Công việc cứ như từ trên trời rơi xuống, nhưng được các đồng chí lãnh đạo Thành ủy tin cậy, giao việc, không lẽ mình từ chối. Âu cũng là cái nghiệp!