Sức ỳ lớn, tiến độ chậm

Xã hội - Ngày đăng : 06:10, 20/06/2014

(HNM) - Thành phố Hà Nội đã có nhiều chương trình triển khai ở các xã miền núi, giúp nhân dân xóa đói giảm nghèo, đời sống được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai còn gặp không ít khó khăn, điểm xuất phát thấp, trình độ dân trí chưa cao, một bộ phận người dân còn ỷ lại vào các chính sách trợ giúp của Nhà nước, sự chênh lệch giàu - nghèo quá lớn…

So với các xã khác có đông đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố, xã Ba Vì, huyện Ba Vì là một trong 2 xã được đánh giá chậm phát triển, còn nhiều khó khăn. Cả xã Ba Vì có 3 thôn với gần 500 hộ, trong đó 98% là đồng bào dân tộc Dao, thu nhập bình quân đầu người đạt 7,4 triệu đồng/năm. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng không ít gia đình đã tự lực vươn lên thoát nghèo; nếu như năm 2011 số hộ nghèo toàn xã là 228 hộ, năm 2014 đã giảm xuống còn 174 hộ, chiếm tỷ lệ gần 36% và 107 hộ cận nghèo, chiếm 21,9%. Theo cách đánh giá, phân chia hộ nghèo của địa phương thì có tới 82 hộ thiếu đất sản xuất, 78 hộ thiếu vốn sản xuất, 4 hộ không có lao động, 3 hộ không biết làm ăn và 7 hộ ốm đau bệnh tật. Toàn xã vẫn còn 7,5km đường giao thông liên thôn, trục thôn chưa được cứng hóa. Xã có 3 trạm biến áp, song công suất thấp, dân cư ở xa nhau, nên không đáp ứng đủ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất. Trên địa bàn xã vẫn còn 30 nhà ở hộ nghèo đã xuống cấp, cần được hỗ trợ cải tạo; 70% số hộ vẫn sử dụng nguồn nước chính là nước suối không hợp vệ sinh.

Ông Đặng Tiến Hữu, Phó Trưởng phòng Dân tộc huyện Ba Vì cho biết: Do địa hình chủ yếu là đồi dốc, đá sỏi và khe suối nên diện tích lúa của xã Ba Vì chỉ có hơn 22ha, không đáp ứng đủ nhu cầu lương thực cho nhân dân. Nông dân sống dựa chủ yếu vào trồng bương, măng trên cốt 100 của Vườn quốc gia Ba Vì và các loại hình dịch vụ như tham gia sơ chế, mua bán, chữa bệnh bằng thuốc Nam, sản xuất chổi chít, buôn bán nhỏ… Trước tình hình đó, thành phố cũng đã quan tâm đầu tư cho xã Ba Vì 14 dự án, với mức đầu tư hơn 178 tỷ đồng, nhưng do tình hình thiếu vốn bố trí cho các dự án nên mới phân bổ vốn được cho 4 dự án, được hơn 24 tỷ đồng. Đối với các xã miền núi khác của huyện Ba Vì như Minh Quang, Khánh Thượng, Vân Hòa… nông dân cũng rất vất vả với cảnh được mùa, rớt giá. Xã Minh Quang có lợi thế phát triển chuyên canh các loại cây rong giềng, đót, với sản lượng lớn, nhưng nhiều năm liền rơi vào cảnh ứ đọng nông sản. Có thời điểm nông dân xã Minh Quang ứ đọng cả trăm tấn đót, bán với giá từ 200 đến 500 đồng/kg, mà vẫn không có người mua. Còn xã Ba Vì, Khánh Thượng có đất đai đồi rừng nhiều, song việc cải tạo các vườn tạp thành vườn chuyên canh, đến nay vẫn loay hoay tìm cây trồng phù hợp. Theo Phó Trưởng phòng Dân tộc huyện Ba Vì Đặng Tiến Hữu, Nhà nước cần hỗ trợ các xã nghèo về hạ tầng cơ sở, tạo điều kiện cho việc giao thương, buôn bán thuận lợi; đồng thời, mỗi xã phải xây dựng được mô hình chuyển đổi cơ cấu kinh tế giá trị, phù hợp với điều kiện đất đai của từng xã. Hỗ trợ các địa phương xây dựng vùng chuyên canh sản xuất gắn với doanh nghiệp tiêu thụ và chế biến; cho nông dân vay vốn với lãi suất ưu đãi để phát triển kinh tế trang trại, vườn trại…

Tương tự, xã An Phú của huyện Mỹ Đức, bên cạnh những chuyển biến tích cực trong công tác xóa đói, giảm nghèo, xã đã đạt 14/19 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo giảm qua từng năm, các công trình xã hội được đầu tư khang trang, xây mới, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế hộ nhằm thoát nghèo bền vững vẫn là bài toán nan giải với chính quyền địa phương. Nông dân vẫn quen với tập quán sản xuất cũ, manh mún, nhỏ lẻ, chủ yếu mang tính tận thu.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng, nguyên nhân có nhiều hộ nghèo là do địa hình các xã thuộc vùng miền núi phức tạp, khó canh tác, trình độ dân trí thấp, không đồng đều; một bộ phận người dân còn trông chờ vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước; chính quyền địa phương chưa thực sự vào cuộc, chưa sâu sát, quan tâm đến nhu cầu và tình hình thực tế của người dân, chưa đưa ra được những giải pháp thiết thực, nhằm giảm tỷ lệ hộ nghèo, giúp người dân từng bước thoát nghèo bền vững... Chính vì vậy, các địa phương cần phân loại theo các nhóm, phân tích nguyên nhân, đề xuất các giải pháp thiết thực, xây dựng lộ trình giảm nghèo có hiệu quả đến năm 2015. Đặc biệt, đối với các hộ thiếu vốn sản xuất và chưa được vay vốn, cần có sự đánh giá cụ thể để có cơ chế hỗ trợ tổng thể. Ngoài các chính sách về vốn, cần đẩy mạnh công tác đào tạo nghề lao động nông thôn, hướng dẫn cách thức làm ăn cho các xã đặc biệt khó khăn. Các ngành chức năng rà soát lại các dự án, kế hoạch, chương trình đầu tư. Bên cạnh đó, các huyện cần đánh giá đúng mức công cuộc giảm nghèo đã triển khai thời gian qua để tìm hướng đi đúng đắn giúp bà con thoát nghèo bền vững.

Bạch Thanh