Báo chí, nhà báo và nguồn thông tin

Đời sống - Ngày đăng : 10:52, 19/06/2014

(HNMO) - Báo chí thực hiện quyền thông tin của nhân dân và thông tin là nguyên liệu quan trọng để nhà báo xử lý làm nên tác phẩm báo chí. Nhà báo vừa là nguồn cung cấp thông tin nhưng đồng thời cũng là người thu nhận thông tin và họ rất cần quyền bảo vệ nguồn tin.

Phóng viên tác nghiệp (Nguồn: vntimes.com.vn)




Dù bất kỳ loại hình báo chí nào thì thông tin, nguồn cung cấp thông tin và bảo vệ nguồn cấp thông tin vẫn là vấn đề rất quan trọng đối với báo chí. Nhà báo không thể tự mình tạo ra thông tin. Và báo chí tồn tại được là nhờ vào nhiều nguồn tin của mình.

Nói như thế để thấy vai trò của nguồn cung cấp thông tin và vì thế trong mọi trường hợp cần trao trách nhiệm bảo vệ nguồn tin cho các nhà báo nhất là những thông tin liên quan đến tham nhũng, đến những tệ nạn khác trong xã hội.

Sở dĩ bàn đến điều này vì trong dư luận đang lo lắng đến quyền này sẽ bị hạn chế. Hiện thực tế, điều 7 của Luật Báo chí đang có hiệu lực thi hành quy định rất rõ việc cung cấp thông tin cho báo chí. Đặc biệt, báo chí có quyền và trách nhiệm bảo vệ không tiết lộ người cung cấp nguồn tin nếu có hại cho người đó. Điều này được các nhà báo ủng hộ vì nó cũng là nguyên tắc hết sức phổ biến trong báo chí quốc tế và qua đó thể hiện chức năng, nhiệm vụ của báo chí tham gia vào phản biện xã hội, thực hiện chức năng thông tin. Ngay điều 6 của quy định về đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam cũng đã nêu rõ bảo vệ bí mật quốc gia, nguồn tin và giữ bí mật cho người cung cấp thông tin. Trong Luật Phòng chống tham nhũng bổ sung, sửa đổi năm 2012 thì điều 86 nói về vai trò trách nhiệm của báo chí cũng quy định Nhà nước khuyến khích các cơ quan báo chí, phóng viên đưa tin, phản ánh về vụ việc tham nhũng và hoạt động phòng chống tham nhũng… Tổng biên tập, phóng viên phải chịu trách nhiệm cao về việc đưa tin, chấp hành pháp luật về báo chí.

Để đảm bảo việc đưa thông tin ra công luận một cách khách quan trung thực, tôn trọng sự thật là một việc không dễ dàng đối với các nhà báo. Bởi thực tế, công việc vất vả nhọc nhằn nhất của nhà báo chính là việc tìm kiếm và xử lý thông tin. Để xác định sự thật của thông tin, nhà báo phải tham gia vào quá trình tự điều tra, tự học tập để nâng tầm hiểu biết về lĩnh vực mình theo dõi nhằm gỡ bỏ các tín hiệu nhiễu lẫn trong thông tin. Bởi không phải nguồn cấp thông tin nào cũng chính xác, nhất là những thông tin mang tính tố cáo có khi sai sự thật hoặc bị trộn lẫn thông tin đúng, sai nhằm phục vụ cho một mục đích cá nhân nào đó.

Người viết bài này cũng đã từng có nhiều kỷ niệm về điều tra xử lý thông tin trong một số vụ mang tính “lừa đảo” kiểu bán hàng đa cấp, hiện tượng tiêu cực trong các làng nghề... Thậm chí phải vào những vai khác nhau để xác minh tính xác thực của nguồn tin trong một vài vụ lấn chiếm đất công có sự tham gia bảo kê của các phần tử xấu. Không chỉ tiêu cực mà ngay những mặt tích cực của doanh nghiệp, của từng đơn vị, cá nhân cũng rất cần phải xác minh lại. Vì thông tin lên mặt báo cần trung thực, chính xác và điều đó tạo nên thương hiệu của người viết, của tờ báo. Đó cũng chính là cái hay, tạo niềm say mê của người làm báo khi tham gia đấu tranh chống tiêu cực, chống tham nhũng. Nhưng sự điều tra xác minh sự thật của nhà báo qua các thông tin mình có không phải lúc nào cũng dễ dàng như đối với cơ quan điều tra cho nên sai sót vẫn có thể xảy ra. Và những lúc như thế họ rất cần sự cảm thông, chia sẻ của hội nghề nghiệp, của tờ báo chủ quản. Không ít nhà báo đã phải đối mặt, trả giá vì những “tai nạn nghề nghiệp” trong quá trình xử lý thông tin đó…

Trên thế giới, để quản lý lĩnh vực truyền thông người ta thường quan tâm tới hai bộ Luật đó là Luật Thông tin hay còn gọi là Luật Tiếp cận thông tin và Luật báo chí. Hơn 100 nước trên thế giới đã có Luật Tiếp cận thông tin. Luật Tiếp cận thông tin chủ yếu nêu rõ các chủ thể có trách nhiệm công bố thông tin và cung cấp thông tin theo yêu cầu của người dân; quy định danh mục những thông tin phải công bố và cung cấp; quy định quy trình, thủ tục công bố và cung cấp thông tin; quy định thời hạn, tiến độ công bố và cung cấp thông tin; quy định chế tài đối với người không thực hiện đúng theo luật định. Người vi phạm có thể bị kiện ra tòa và bị xử lý theo pháp luật... Dự án xây dựng Luật này đã được Quốc hội Việt Nam đưa vào năm 2015.

Luật Tiếp cận thông tin ra đời sẽ cùng Luật báo chí tạo nên một hành lang pháp lý vững chắc, giúp cho báo chí ngày càng phát triển, đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Một điều rất rõ là cơ quan báo chí vẫn là nơi để người dân dễ cung cấp thông tin hơn, nếu như chúng ta có cơ chế bảo vệ khuyến khích người cung cấp thông tin. Bất kỳ một biện pháp nào nhằm kiểm soát nguồn cung cấp thông tin cho báo chí sẽ hạn chế đến sự phát triển của báo chí, qua đó ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội./.

Minh Bắc