Vững vàng Trường Sa

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:38, 19/06/2014

(HNM) -

Xem triển lãm trên đảo Trường Sa Lớn.


Lịch sử còn đây

Từ mấy trăm năm trước, các triều đại phong kiến Việt Nam đã nhiều lần khẳng định chủ quyền lãnh thổ. Trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Thời Minh Mạng, Đại Nam thực lục chính biên, đệ nhị kỷ, quyển 104 chép: "Năm 1833, Vua (Minh Mạng) bảo Bộ Công rằng dải Hoàng Sa nằm trong hải phận Quảng Ngãi", hoặc năm 1836, Đại Nam thực lục chính biên, đệ nhị kỷ, quyển 165 chép: "Bộ Công tâu: Xứ Hoàng Sa thuộc cương vực mặt biển của nước ta, rất là hiểm yếu". Năm 1847, tờ phúc tấu của Bộ Công trong tập châu bản tập 51, trang 235 ghi rõ: "Bộ Công tâu lên Vua (Thiệu Trị): "Hàng năm, vào mùa xuân, theo lệ phái binh thuyền vãng thám Hoàng Sa, thuộc hải cương nước nhà". Sách Đại Nam thực lục tiền biên quyển 10 chép: "Ngoài biển xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi có hơn 100 cồn cát... chiều dài không biết tới mấy ngàn dặm, tục gọi là Vạn Lý Hoàng Sa châu". Từ đầu triều Nguyễn, những đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa đã được thành lập hàng năm đều ra bảo vệ và khai thác tài nguyên ở hai quần đảo "thuộc hải cương nước nhà" ấy. Thời vua Minh Mạng, triều đình nhà Nguyễn đã cho dựng miếu bằng đá để thờ cúng, đào giếng lấy nước ngọt... và cho trồng cây tại các đảo để cho thuyền bè ở đằng xa nhận thấy, tránh bị nạn. Nhiều nhà nghiên cứu thừa nhận các thực vật ở Hoàng Sa, Trường Sa phần lớn có nguồn gốc ở miền Trung Việt Nam. Riêng tại đảo Phú Lâm, tài liệu Trung Quốc ghi rõ có miếu Hoàng Sa Tự của Việt Nam... Bắt đầu từ năm 1816, việc xem xét và đo đạc thủy trình... để vẽ bản đồ ở Hoàng Sa do Bộ Công chỉ đạo thủy quân phối hợp với giám thành, với địa phương Quảng Ngãi. Đến năm Minh Mạng thứ 14 (1833), Vua Minh Mạng đã chỉ thị cho Bộ Công đẩy mạnh việc dựng bia chủ quyền, cắm cột mốc ở Hoàng Sa. Cho đến năm 1939, các đảo ở Hoàng Sa, Trường Sa vẫn do Pháp, thay mặt nước Việt Nam, thực hiện chủ quyền.

Trên thực tế việc thực thi kiểm soát sự khai thác các sản vật ở Biển Đông của Đội Hoàng Sa, một tổ chức dân binh được thành lập quản lý và hoạt động liên tục gần hai thế kỷ suốt từ đầu thế kỷ XVII cho đến năm 1816 cùng những hành động xác lập và thực thi chủ quyền rất cụ thể như xây cột mốc, dựng bia, xây miếu, trồng cây, đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ, khai thác tài nguyên của Việt Nam từ năm 1816 dưới sự chỉ đạo trực tiếp của vua và triều đình cũng như những lời tuyên bố của triều đình nhà Nguyễn và sự quản hạt hành chính vào Quảng Ngãi từ đầu thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX, tất cả là những bằng chứng hiển nhiên về chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nhà nước CHXHCN Việt Nam cũng đã nhiều lần khẳng định: Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Hành trình đến với Trường Sa

Đoàn chúng tôi gồm 181 thành viên, xuất phát từ cảng Cam Ranh trên con tàu HQ561. Hành trình ra đảo lần này có sự góp mặt của 4 đơn vị công tác trong ngành thông tin truyền thông, tuyên giáo, Cục Quân nhu - Tổng cục Hậu cần và 15 người của Viện Hàn lâm khoa học công nghệ. Tuy mỗi người công tác một lĩnh vực khác nhau nhưng đến với Trường Sa lần này tất cả đều có khát vọng về lòng tự tôn dân tộc, yêu biển khơi và luôn hướng về chủ quyền thiêng liêng của dân tộc. Từ cảng Cam Ranh đến Đá Lớn, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, Cô Lin, Trường Sa Đông, Đá Tây, Trường Sa Lớn, Nhà giàn Phúc Tần, Vũng Tàu, Cát Lái với hành trình hơn 1.000 hải lý, mỗi nơi đến đều để lại một dấu ấn khó quên đối với các thành viên trong đoàn. Điểm đến đầu tiên - đảo chìm Đá Lớn - đã để lại cho mọi người nhiều cảm xúc khó quên, bởi nơi đây dẫu có nhiều khó khăn về vật chất nhưng những người lính đảo đều tự hào và quyết tâm bám biển. Nguyễn Văn Hòa, chiến sĩ mới tăng cường về đảo Đá Lớn B tâm sự với tôi: Dù khó khăn, nguy hiểm đến mấy chúng em vẫn luôn quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đảo trưởng Phan Văn Huỳnh bảo "tất cả luôn vững tin và kiên định một lòng bảo vệ biển thì chẳng sợ gian nguy, kể cả phải hy sinh vì Tổ quốc".

Cuộc sống của người lính trên các đảo: Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa Đông, Trường Sa Lớn tuy có nhiều khó khăn, vất vả nhưng vẫn chưa sánh bằng sự thiếu thốn của các chiến sĩ nhà giàn và đảo chìm: Cô Lin, Đá Tây, Đá Lát… Song, họ đều chung ý tưởng quyết tâm bảo vệ vùng biển, vùng trời Tổ quốc và vượt khó vươn lên hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Hạ sĩ Huỳnh Văn Thành, Binh nhất Nguyễn Văn Hòa trên đảo Đá Lớn B vừa dời ghế nhà trường vào quân ngũ nhưng qua tâm sự về cuộc sống về nghề, về biển thì các anh đều có lập trường hết sức vững vàng và ý chí quyết tâm cao. Thành thổ lộ ước muốn sau này khi hoàn thành nhiệm vụ sẽ phấn đấu vào một trường hải quân để khi ra trường có điều kiện gắn bó trọn đời với biển. Còn Hạ sĩ Nguyễn Văn Thành quê Tân Phú, TP Hồ Chí Minh lại có ước nguyện được đào tạo nâng cao để được phục vụ quân đội lâu dài. Tại Nhà giàn DK1/17, anh Nguyễn Minh Thân - người con quê lúa Thái Bình từng có 15 năm bám biển, bám nhà giàn thì tâm sự, với anh, biển đảo là cuộc sống, là rất đỗi thiêng liêng, bởi vậy mà mỗi lần về đất liền nghỉ phép, anh lại nhớ biển, nhớ đồng đội đến nao lòng.

Cũng như một số đảo chìm khác, cán bộ, chiến sĩ trên đảo còn gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt và học tập công tác, nhưng với tinh thần "Đảo là nhà, biển cả là quê hương, cán bộ chiến sĩ đều là anh em", những năm qua cán bộ, chiến sĩ trên đảo đoàn kết, trên dưới một lòng hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ vững chắc biển đảo, chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, tích cực chủ động trong công tác cứu hộ cứu nạn giúp đỡ ngư dân, khám bệnh, cấp thuốc cũng như hỗ trợ nước ngọt... cho ngư dân.

Ngoài các buổi giao lưu, tặng quà cán bộ, chiến sĩ trên các đảo, đoàn còn tặng bản đồ, các thiết bị viễn thông, nghe nhìn đến các đảo, nhà giàn và khai trương các điểm bưu điện tại nhiều điểm đảo. Tại đảo Nam Yết, Sinh Tồn và Trường Sa Lớn, Bộ Thông tin và Truyền thông đã trao tặng tư liệu và bản đồ khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Các tư liệu được trao tặng tại Nam Yết, Sinh Tồn và tại triển lãm gồm các văn bản do triều đình phong kiến Việt Nam ban hành từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX, khẳng định Việt Nam đã xác lập và thực thi chủ quyền liên tục đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Bộ Thông tin và Truyền thông vừa được một doanh nghiệp tài trợ mua Bộ Atlas bản đồ thế giới của Philipe Vandemaelen xuất bản năm 1827. Hiện tại Bộ Atlas đang trên đường chuyển về Việt Nam, đây là một trong những tư liệu quý và cũng là bằng chứng thép làm tăng thêm bằng chứng không thể chối cãi về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.

(Còn nữa)

Phạm Công Đảo