Bài cuối: Đồng bộ nhiều giải pháp

Xã hội - Ngày đăng : 06:18, 19/06/2014

(HNM) - Vụ mùa năm 2014 đã cận kề. Việc tháo gỡ đứt điểm những vướng mắc trong công tác dồn điền, đổi thửa (DĐĐT), đồng thời có hình thức xử lý kỷ luật đối với những cán bộ làm sai, xử lý những đối tượng lợi dụng công tác DĐĐT để kích động trục lợi cá nhân và gây mất an ninh trật tự đang trở thành vấn đề cấp bách.


Thiếu kinh phí

Trước những tồn tại, vướng mắc trong DĐĐT, nhiều địa phương đã kiến nghị thành phố bố trí kinh phí đào đắp, cứng hóa giao thông, thủy lợi nội đồng. Trưởng thôn Trường Xuân, xã Xuân Dương (Thanh Oai) cho biết, khó khăn nhất hiện nay đối với Xuân Dương là hệ thống tiêu nước phụ thuộc địa phương khác, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến 41 hộ dân chưa nhận 20 mẫu ruộng do lo ngại bị úng ngập. Cùng quan điểm, Chủ tịch UBND xã Ngọc Liệp (huyện Quốc Oai) Đỗ Việt Thắng cho biết, xã có 4 thôn thì 3 thôn đã hoàn thành DĐĐT, thôn còn lại người dân rất đồng thuận nhưng băn khoăn vì ruộng trũng, khó khăn trong sản xuất. Người dân cho rằng, khi nào chính quyền địa phương hoàn thành hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng thì mới nhận ruộng. Tuy nhiên, việc đầu tư cần số tiền lớn, xã đã triển khai 21 gói thầu, dự kiến kinh phí là 46 tỷ đồng, song đến nay vẫn chưa bố trí được kinh phí, nên doanh nghiệp không thể thi công. Bí thư Đảng ủy xã Hiệp Thuận (huyện Phúc Thọ) Tô Văn Sáng cho rằng, hiện các thôn, xã còn vướng mắc trong công tác DĐĐT không nhiều (chỉ hơn 3% tổng diện tích theo kế hoạch), song rất phức tạp, thành phố cần chỉ đạo quyết liệt và xem xét có cơ chế đặc thù cho các xã khó khăn.

Liên quan đến khiếu kiện phức tạp, Bí thư Đảng ủy xã Cao Viên (huyện Thanh Oai) Nguyễn Văn Phượng đã đề nghị xử lý nghiêm trường hợp lợi dụng việc DĐĐT để gây rối. Còn Trưởng thôn Vu Chu, xã Cổ Đô (huyện Ba Vì) Mai Đình Trò cho rằng, cần giải quyết dứt điểm trường hợp một hộ gia đình đấu thầu 3,1ha đất của thôn không chịu trả ruộng để chia cho 63 hộ dân ở địa phương. Theo ông Trò, nếu không có biện pháp cưỡng chế, trả lại ruộng cho người dân sẽ xảy ra nhiều sự việc khá phức tạp...

Tập trung giải quyết điểm nóng

Tại hội nghị bàn biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện DĐĐT diễn ra vào chiều 17-6, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt cho rằng, thành công trong hai năm triển khai thực hiện DĐĐT trước hết do thành phố có cơ chế, chính sách đi kèm. Sau DĐĐT đã hạn chế được sự manh mún về ruộng đất, mở ra cơ hội cho sản xuất trên quy mô, đẩy mạnh việc đưa cơ giới hóa và khoa học kỹ thuật vào sản xuất, gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Xuân Việt, kinh phí hỗ trợ chỉ là một phần, còn lại là sự nỗ lực của các địa phương. Liên quan đến diện tích còn vướng mắc, trong đó 940ha rơi vào những địa phương đang có khiếu kiện. "Nguyên nhân có thể là cách làm chưa thực sự dân chủ, người dân chưa đồng thuận, cũng có nguyên nhân do tồn tại lịch sử để lại, không thể giải quyết trong "một sớm một chiều". Lợi dụng những vấn đề này, một số người dân vì lợi ích cá nhân lôi kéo chống đối là không nên". - Phó Chủ tịch Trần Xuân Việt nhấn mạnh.

Từ thực tế trên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Xuân Việt yêu cầu các địa phương tiếp tục củng cố, quyết tâm và cố gắng hơn nữa thực hiện phần công việc còn lại; tiếp tục rà soát diện tích có khả năng thực hiện, khu vực thuận lợi thì triển khai thực hiện trước, nơi nào chưa đạt được sự đồng thuận làm sau. Khi thấy hiệu quả của DĐĐT chắc chắn người dân sẽ tự tuyên truyền, vận động các hộ chưa đồng thuận thực hiện chủ trương này. Về những điểm "nóng" khiếu kiện phức tạp như ở Phúc Thọ, Thanh Oai, Thường Tín, Quốc Oai… nếu có thể giải quyết được thì chính quyền địa phương tập trung giải quyết dứt điểm. Vấn đề đối thoại với nhân dân rất quan trọng, nhiều nơi đã thực hiện thành công cần nhân rộng.

Trong điều kiện kinh phí còn hạn chế, quá trình cải tạo giao thông, thủy lợi nội đồng phải sử dụng phù hợp, trước mắt ưu tiên cho việc đào đắp. Ngày 17-6, Sở NN&PTNT đã báo cáo và UBND thành phố đã giao cho sở, ngành liên quan cân đối ứng trước kế hoạch vốn năm 2015 khoảng 500 tỷ đồng cho công tác DĐĐT. Trong phân bổ kinh phí lần này sẽ ưu tiên các địa phương có khả năng hoàn thành công tác DĐĐT để đầu tư, phần còn lại bố trí cho việc đào đắp kênh mương thủy lợi nội đồng phục vụ DĐĐT. Trong trường hợp có thể điều tiết, thành phố quan tâm bố trí kinh phí cho nhiệm vụ này. Mặt khác, trong quá trình chỉ đạo cần nắm bắt rõ nguyện vọng của nhân dân để đạt được sự đồng thuận cao nhất mới thực hiện DĐĐT.

Nhóm PV NN-NT