Đầu tư mạnh để đổi mới giáo dục mầm non
Giáo dục - Ngày đăng : 07:05, 18/06/2014
Thí điểm trông giữ trẻ mầm non 6-18 tháng tuổi
Theo đề án, năm học 2014 - 2015, việc nhận trông giữ trẻ mầm non từ 6 đến 18 tháng tuổi sẽ thực hiện thí điểm tại 5 quận: 7, 12, Thủ Đức, Bình Tân, Tân Phú và 3 huyện: Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè. Mỗi quận, huyện này thí điểm nhận trẻ tại 1 đến 2 trường mầm non công lập. Sau 1 năm thực hiện thí điểm mô hình trên, trong năm học 2015 - 2016, thành phố sẽ triển khai trên 12 quận, huyện và đến năm học 2016 - 2017 sẽ triển khai tất cả 24 quận, huyện.
Từ năm học 2014 - 2015, trẻ mầm non trên địa bàn TP Hồ Chí Minh sẽ được chăm sóc tốt hơn. |
Có thể nói, giải pháp trên của thành phố khiến không ít bậc phụ huynh vui mừng. Bởi nhu cầu gửi con từ 6 tháng tuổi hiện đang rất lớn, đặc biệt là đối tượng công nhân tại các KCN, KCX. Khảo sát tại quận Thủ Đức cho thấy, trẻ từ 6 đến 36 tháng tuổi có trên 5.000 cháu, nhưng phần lớn phải gửi tại các cơ sở tư thục vì các trường công lập không nhận trẻ từ 6 tháng tuổi.
Tuy vậy vẫn còn ý kiến băn khoăn. Cụ thể, đại biểu HĐND thành phố Lâm Thiếu Quân cho rằng, trên thế giới, thực tế trẻ em dưới 12 tháng tuổi đến các cơ sở nuôi dạy chỉ chiếm 10% bởi chi phí gửi cao, trách nhiệm lớn, trong khi điều kiện gia đình nuôi dạy ở độ tuổi này tốt hơn nhiều (do quá trình này bé mới bắt đầu học đi, học nói và hình thành tính cách).
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh cho rằng, việc thực hiện nhận trẻ từ 6 đến 18 tháng tại các cơ sở công lập chủ yếu phục vụ cho những công nhân, công chức, viên chức không có điều kiện để chăm sóc trẻ ở nhà. "Nhiều gia đình không có điều kiện, nếu Nhà nước không làm thì phụ huynh sẽ gửi con lay lắt ở ngoài, trẻ không được hưởng quyền chăm sóc tốt", bà Nguyễn Thị Quyết Tâm nói. Đồng quan điểm, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT cho rằng, khi thực hiện lộ trình thí điểm nhận trẻ từ 6 đến 18 tháng tuổi, Sở sẽ lựa chọn giáo viên, bảo mẫu tại các khu vực chọn làm thí điểm mô hình để đào tạo, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ nhằm đáp ứng nhu cầu đề ra. Gia đình nào có điều kiện thì nên chăm sóc trẻ từ 6 đến 18 tháng tuổi, thậm chí cả trẻ từ 2 đến 4 tuổi tại nhà để có điều kiện hình thành nhân cách, phát triển kỹ năng tốt hơn.
Hiện TP Hồ Chí Minh có 907 trường mầm non (419 công lập, 488 ngoài công lập); có 1.469 nhóm lớp ngoài công lập. Năm học 2013 - 2014, toàn thành phố có tổng số học sinh mầm non là 336.008 em; tổng số phòng học 12.446 (4.937 công lập và 7.509 ngoài công lập). Tổng số giáo viên mầm non thành phố 18.544 (9.076 công lập và 9.468 ngoài công lập). Tỷ lệ giáo viên có trình độ trên chuẩn chỉ trên 71,3%. Lâu nay các trường công lập không nhận trẻ từ 6 tháng tuổi. |
Hàng nghìn tỷ đồng hỗ trợ giáo viên
Theo bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, lâu nay ngành giáo dục mầm non tại thành phố tồn tại nhiều bất cập như: Chế độ giáo dục hỗ trợ cho giáo viên mầm non chưa hợp lý; đội ngũ giáo viên đạt chuẩn chỉ chiếm trên 70%. Ngoài ra, vì thiếu trên 2.000 giáo viên mầm non nên nhiều trường sử dụng nhân viên nuôi dưỡng (bảo mẫu) thay thế. Điều này không chỉ khiến bản thân các bảo mẫu vất vả mà còn thiếu an toàn cho trẻ nhỏ…
Giải quyết vấn đề trên, theo lộ trình đề án (bắt đầu từ năm học 2014 - 2015), thành phố sẽ hỗ trợ thêm 35% tiền phụ cấp đối với cán bộ quản lý và giáo viên trực tiếp giảng dạy nhóm trẻ từ 6 đến 18 tháng tuổi. Với mức hỗ trợ đó, bình quân cán bộ quản lý, giáo viên sẽ được nhận hơn 1,1 triệu đồng/người/tháng. Đối với giáo viên mầm non mới ra trường, nếu được tuyển dụng sẽ được hỗ trợ 100% lương cơ sở/người/tháng trong năm học 2014 - 2015; 70% lương cơ sở trong năm học 2015 - 2016; 50% lương cơ sở trong năm học 2016 - 2017. Từ năm thứ 4 sau khi được tuyển dụng sẽ hưởng chế độ tiền lương theo quy định hiện hành. Với cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên tại các cơ sở giáo dục công lập, hỗ trợ thêm 25% tiền lương. Như vậy bình quân mỗi tháng, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên sẽ được nhận thêm 788.000 đồng/người/tháng. Hiện trên địa bàn thành phố có gần 9.000 đối tượng thuộc diện này.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Hứa Ngọc Thuận, kinh phí dự kiến chi từ ngân sách thành phố cho hoạt động trên tổng cộng gần 140 tỷ đồng/năm. Để thực hiện tốt nhiệm vụ trên và giảm gánh nặng cho ngân sách thành phố, ông Huỳnh Công Hùng, Trưởng ban văn hóa - xã hội HĐND thành phố cho rằng, việc đẩy mạnh công tác xã hội hóa được xem là một trong những giải pháp tối ưu hóa để có thể bảo đảm đủ chỗ học cho trẻ trên địa bàn. Tương tự, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Hồng cho biết, ngoài kinh phí lấy từ nguồn ngân sách cần huy động vốn thêm nhiều nguồn từ trái phiếu, các ngân hàng thương mại, vốn của công ty đầu tư tài chính nhà nước.