Phật giáo Việt Nam kêu gọi gìn giữ hòa bình cho Biển Đông

Đối ngoại - Ngày đăng : 05:52, 18/06/2014

Sáng 17-6, tại TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức lễ cầu nguyện hòa bình cho Biển Đông và động thổ xây dựng chùa Xã Tắc.


Các Hòa thượng, Thượng tọa và các đại biểu làm lễ khởi công xây dựng chùa Xã Tắc. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)


Tại buổi lễ, đông đảo chức sắc Phật giáo, tăng ni, phật tử và đại diện các ban, ngành, địa phương đã cùng cầu nguyện cho trời yên, biển lặng, Biển Đông được bình yên và biên giới Việt - Trung luôn luôn hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; cầu nguyện cho thế giới hòa bình, nhân sinh an lạc. Tuyên đọc Thông điệp về hòa bình cho Biển Đông của Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự nhấn mạnh: Trong khi những người con Phật đang thảo luận về việc xây dựng và kiến tạo hòa bình, Trung Quốc đã đưa giàn khoan Haiyang Shiyou - 981 (Hải Dương - 981) và nhiều tàu xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, bất chấp luật pháp quốc tế, ngang nhiên vi phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 mà Trung Quốc là quốc gia thành viên.

Hành động này cũng đã đi ngược lại Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) giữa Trung Quốc và các quốc gia thành viên ASEAN. Trên tinh thần từ bi và yêu chuộng hòa bình, Giáo hội Phật giáo Việt Nam kêu gọi chư vị tôn túc lãnh đạo, tăng ni, phật tử Phật giáo trên thế giới, Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc cùng lên tiếng ủng hộ chính nghĩa, yêu cầu Chính phủ Trung Quốc thực hiện các cam kết theo đúng các quy định của luật pháp quốc tế; thực hiện trách nhiệm bảo vệ và giữ gìn hòa bình, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia lân bang, trong đó có Việt Nam.

Chùa Xã Tắc được xây dựng trong quần thể di tích đền Xã Tắc và cột mốc giới 1368 cạnh bờ sông Ka Long, thành phố Móng Cái, biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc. Theo Thượng tọa Thích Thanh Quyết, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh, việc xây dựng chùa Xã Tắc sẽ khẳng định cột mốc chủ quyền về tâm linh văn hóa của dân tộc và đóng góp cho việc tạo lập hòa bình giữa nhân dân hai nước Việt - Trung.

* Ngày 17-6, tại thành phố Thái Bình (tỉnh Thái Bình), Cục Chính trị Bộ đội Biên phòng, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thái Bình phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức triển lãm ảnh, tư liệu, bản đồ với chủ đề "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - những bằng chứng lịch sử".

Triển lãm trưng bày một số bản đồ cổ nhất Việt Nam như: Bản đồ Đại Việt quốc, in trong tập Hồng Đức, năm 1490; bản đồ An Nam Đại quốc họa đồ do giám mục người Pháp Jean Louis Taberd xuất bản năm 1836; bản đồ Đại Nam thống nhất toàn đồ, xuất bản năm 1938... Các bản đồ này đều khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Đặc biệt, các châu bản của nhà Nguyễn (1802-1945), các châu bản thời Minh Mạng ra chỉ dụ về việc các đội đi làm nhiệm vụ ở Hoàng Sa, Trường Sa; bộ ảnh tư liệu phản ánh đời sống và sinh hoạt của cư dân và lính bảo an người Việt tại hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cũng khẳng định Việt Nam đã xác lập và thực thi chủ quyền liên tục đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong hơn 5 thế kỷ qua.

Theo TTXVN