“Sốc” vì những ca khúc “bẩn” lan tràn trên những trang nghe nhạc lớn
Văn hóa - Ngày đăng : 11:48, 17/06/2014
* Cậy “ngầm” nên làm “bậy”
Từ nhiều năm nay, việc những ca khúc có ca từ phản giáo dục, ủy mị, vô nghĩa đã được giới truyền thông phản ánh nhiều. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, khi mà giới âm nhạc Underground (tạm dịch là: âm nhạc ngầm. Lúc đầu giới nhạc này chỉ có Rap-Hip hop, sau này phát triển rộng rãi hơn, gồm cả dòng làm R&B…) phát triển mạnh và họat động công khai hơn thì việc có nhiều ca khúc có từ ngữ bậy bạ, thậm chí đề cập thẳng đến vấn đề nhạy cảm như sex, chuyện giường chiếu xuất hiện tràn lan trên mạng. Điều đáng nói, rất nhiều ca khúc được cho là “bẩn” ấy lại xuất hiện công khai ở một số chương trình biểu diễn có xin phép, sau đó là ngang nhiên trên một số trang nghe nhạc trực tuyến lớn của Việt Nam như Zing MP3, Nhaccuatui… Được xuất hiện công khai, lại được những trang nhạc lớn bảo trợ nên những bài hát này nhận được số lượng nghe “khủng” với tốc độ lan truyền nhanh đến chóng mặt, gây ảnh hưởng xấu đến một bộ phận giới trẻ.
Trên nhiều trang nghe nhạc trực tuyến xuất hiện nhiều ca khúc có ngôn từ dung tục (ảnh: VOV) |
Cuối năm 2013, hai ca sĩ trẻ là Yabi và Mr.T gây bức xúc khi “chế” một đoạn Rap tục tĩu khi thể hiện ca khúc “Thu cuối” (nhạc sĩ Lưu Thiên Hương) trong chương trình Young Music tại Hải Phòng. Sau đó, họ phải giải trình với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Phòng và chịu phạt 10 triệu đồng.
Mới đây nhất, giới nghe nhạc Underground bức xúc truyền nhau một ca khúc có ngôn từ tục tĩu, kích dục do một nhóm người trong giới Underground thể hiện là: Yanbi, Mr.T, Bueno, Mr.A.TMT (chúng tôi không tiện nêu tên cũng như trích dẫn ca từ của ca khúc này). Ca khúc này ngay lập tức được truyền tải trên các trang nghe nhạc online, mạng xã hội với tốc độ nhanh chóng và có đến hàng trăm nghìn lượt nghe. Rất nhiều người bày tỏ sự bức xúc, phẫn nộ vì một ca khúc có ngôn từ “bẩn”, không thể coi là một sản phẩm âm nhạc như vậy lại có một chỗ công khai, chính thống trên những trang nghe nhạc lớn như Zing MP3.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, những trang nghe nhạc lớn như Zing MP3, Nhaccuatui có chế độ cho người dùng tự đăng tải sản phẩm cá nhân của mình nếu như họ có tài khoản trên những trang nghe nhạc này. Tuy có sự cảnh báo cấm đăng tải những thông tin tục tĩu nhưng không hiểu sao những ca khúc “bẩn” này vẫn ngang nhiên tồn tại. Chỉ khi có sự phản ứng gay gắt của người nghe và có ý kiến của cơ quan quản lý thì cơ quan chủ quản của những trang nghe nhạc trực tuyến này mới rút những ca khúc này ra khỏi trang mạng của mình. Dù vậy, với sự tồn tại một khoảng thời gian khá dài trên trang nghe nhạc trực tuyến, thì ca khúc “bẩn” này cũng đã kịp được phổ biến rộng và gây ảnh hưởng xấu tới giới trẻ.
Hiện nay, trước phản ứng gay gắt của truyền thông, nhưng những trang nghe nhạc trực tuyến được cho là có uy tín và lớn nhất Việt Nam này vẫn tỏ ra vô can với lý do, những bài hát này do người nghe tự đăng tải vì thế họ không thể quản lý được hết các nội dung của ca khúc. Câu hỏi đặt ra, nếu như các trang nghe nhạc không thể kiểm soát được nội dung của ca khúc thì sẽ có bao nhiêu ca khúc “bẩn” tiếp tục được đăng tải công khai trên mạng? Hậu quả của việc này chắc chắn sẽ rất khó lường mà nếu không xử lý kịp thời sẽ rất dễ tạo một tiền lệ xấu, tạo điều kiện cho nhiều người làm bậy hòng nhanh chóng nổi tiếng.
* Nghệ sĩ bất bình, quản lý nói gì?
Khi được hỏi về những ca khúc có ngôn từ “bẩn” do giới Undergound sản xuất và tự tung lên mạng, rất nhiều nhạc sĩ uy tín của âm nhạc Việt Nam bày tỏ sự phản đối, bất bình. Nhạc sĩ Lưu Thiên Hương, tác giả của ca khúc “Thu cuối” từng bị Yanbi, một người của giới Underground chế một đoạn Rap có nội dung tục tĩu khi lưu diễn tại Hải Phòng, cho biết: chị rất phẫn nộ và xấu hổ khi nghe đoạn Rap bẩn đó. Hiện nay, giới Underground Việt đang chịu sự ảnh hưởng mạnh của văn hóa Mỹ, điều này hết sức nguy hại vì văn hóa Mỹ rất khác văn hóa Việt Nam. Ngay cả người Mỹ cũng không hẳn đã ủng hộ những ca khúc có ngôn từ bậy bạ mà giới Undergroud sáng tác.
Yanbi và Mr.T từng bị phạt 10 triệu đồng vì "chế" đoạn Rap bẩn trong chương trình Young Music vào cuối năm 2013 |
Nhạc sĩ Nguyễn Cường, người có nhiều kinh nghiệm trong làng âm nhạc và từng tham gia chấm điểm nhiều chương trình âm nhạc lớn của Việt Nam cho biết, không thể đánh đồng giữa văn hóa Âu – Mỹ với Việt Nam. Đành rằng, âm nhạc Underground có nguồn gốc từ Mỹ nhưng chúng ta tiếp thu, học hỏi văn hóa nước ngoài không có nghĩa là chúng ta bắt chước những cái không đúng với thuần phong mỹ tục trong nước. Nhạc sĩ, nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long cũng cho rằng, âm nhạc có tác động rất mạnh đến thẩm mỹ, lối sống của giới trẻ. Dù âm nhạc là sự tự do sáng tạo nhưng cái gì cũng có chuẩn mực và phải hướng đến cái đẹp. Sẽ cực kỳ nguy hiểm nếu như những sản phẩm âm nhạc bậy bạ này được cổ xúy và lan tràn trên các phương tiện nghe, nhìn chính thống. Giới trẻ đang biện hộ rằng, âm nhạc Underground đang nói hộ nỗi lòng, tâm tư, suy nghĩ của mình nhưng rõ ràng nếu như cái gì cũng phô bày một cách trần trụi thì đâu thể gọi là nghệ thuật, thẩm mỹ được.
Hiện nay, khi chúng tôi viết bài này, những ca khúc “bẩn” mà chúng tôi phản ánh ở trên đã được gỡ bỏ khỏi các trang mạng nghe nhạc online nhưng dư âm về chúng vẫn đang là điều khiến nhiều người bức xúc.
Chiều ngày 16-6, ông Phan Đình Tân, Chánh văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, với những sản phẩm âm nhạc “bẩn” này chưa cần đến cơ quan quản lý ý kiến thì ngay cả người nghe nhạc bình thường không ai chấp nhận được. Ông Tân cũng cho biết, cần phải tìm hiểu nguồn cơn tại sao lại có thứ âm nhạc “rác” này, nó xuất phát từ ý muốn phô trương, gây sốc của một bộ phận giới làm nhạc hay từ uẩn khúc nào khác. Dù sao, việc xuất hiện công khai những sản phẩm âm nhạc có ngôn ngữ tục tĩu này là điều không thể chấp nhận được. Cơ quan chức năng gồm thanh tra Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Tuyên giáo cần phải vào cuộc để chấn chỉnh xử lý những trường hợp nói trên.
Ông Tân cũng cho rằng, việc một bộ phận giới trẻ có suy nghĩ, tư tưởng lệch lạc dẫn đến việc sáng tạo nghệ thuật của họ cũng bị lệch lạc không phải chỉ là lỗi của ngành văn hóa mà còn của ngành giáo dục và vai trò của gia đình.
Nhìn một cách nghiêm túc và thẳng thắn, không phải ai trong giới Underground cũng nghĩ đến việc làm bậy. Không thể phủ nhận vai trò của giới nhạc Underground trong đời sống nhạc trẻ hiện nay và nhiều người đã góp phần làm nên những sản phẩm âm nhạc hấp dẫn, thu hút giới trẻ. Đó là trường hợp Suboi từng giúp Hồ Ngọc Hà tạo nên bản “My Apologize” lạ lẫm; Cường Seven góp phần không nhỏ khi xuất hiện bên cạnh Lưu Hương Giang trong sản phẩm “Đừng ngoảnh lại”, Big Daddy với sự kết hợp tuyệt vời giúp bản hit “Tình yêu màu nắng” của Đoàn Thúy Trang làm mưa làm gió trên các bản xếp hạng âm nhạc năm 2013... Những cái tên khác như Anh Khang, Thùy Chi, Hoàng Tôn, Karik, Lynk Lee, Hằng bingboong, Sơn Tùng M-TP, Thái Trinh... còn đóng vai trò ca sĩ chính trong nhiều chương trình âm nhạc chứ không còn “ẩn mình trong thế giới ngầm” nữa.
Những ca khúc “bẩn” xuất hiện gần đây phản ảnh phần nào cái “tôi” lệch lạc của một bộ phận làm nhạc mới nổi. Dù vậy, nền âm nhạc Việt Nam rất cần cơ quan quản lý văn hóa phải có sự định hướng, vào cuộc quyết liệt đối với những trang nghe nhạc online trong việc thẩm định nội dung các ca khúc để những “con sâu” này không có đất gây ảnh hưởng xấu tới công chúng, gây phẫn nộ trong dư luận như thời gian vừa qua.