Việt Nam có đầy đủ bằng chứng chứng minh hành động sai trái của Trung Quốc

Chính trị - Ngày đăng : 05:54, 17/06/2014

(HNM) - Đại diện các cơ quan chức năng Việt Nam chủ trì cuộc họp báo quốc tế lần thứ 5 về Biển Đông, diễn ra chiều 16-6 tại Hà Nội, đã bác bỏ những bằng chứng không có căn cứ lịch sử của Trung Quốc.



Đại diện các cơ quan chức năng Việt Nam chủ trì cuộc họp báo quốc tế lần thứ 5 về Biển Đông, diễn ra chiều 16-6 tại Hà Nội, đã bác bỏ những bằng chứng không có căn cứ lịch sử của Trung Quốc, đồng thời yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan Haiyang Shiyou - 981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình. Ảnh: Triệu Hoa


Việt Nam có đủ bằng chứng về chủ quyền Hoàng Sa

Mở đầu cuộc họp báo, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết, những ngày qua Trung Quốc vẫn duy trì hoạt động trái phép của giàn khoan Haiyang Shiyou - 981 trong vùng biển của Việt Nam, bất chấp việc Việt Nam kiên trì trao đổi ở nhiều cấp cũng như hết sức kiềm chế trên thực địa, bất chấp các quy định luật pháp quốc tế và phản ứng mạnh mẽ của dư luận thế giới. Các tàu của Trung Quốc vẫn hung hăng, ngang ngược tấn công, đâm va và dùng súng phun nước cường độ mạnh; khống chế, tấn công đánh đập ngư dân. Không những thế, Trung Quốc còn liên tục đưa ra luận điệu sai trái, vu khống và đổ lỗi cho Việt Nam về những căng thẳng hiện nay trên thực địa. Cụ thể, ngày 8 và 9-6 vừa qua, Trung Quốc đã công bố tài liệu nhan đề "Tác nghiệp của giàn khoan Haiyang Shiyou - 981: Sự khiêu khích của Việt Nam và lập trường của Trung Quốc" đề nghị lưu hành tại Liên hợp quốc. Ngày 13-6, Trung Quốc lại họp báo, nêu những luận điệu hết sức sai trái và vô căn cứ về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Bác bỏ những yêu sách không có cơ sở về chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, ông Trần Duy Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia cho biết, các tư liệu lịch sử cho thấy Trung Quốc không có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa. Viện dẫn các bằng chứng lịch sử, ông Hải khẳng định Trung Quốc đã sử dụng vũ lực để chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, nhưng điều đó cũng không có nghĩa là Trung Quốc có chủ quyền đối với quần đảo này. Việt Nam chưa bao giờ công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa.

Trung Quốc xuyên tạc sự thật, tạo hiện trường giả

Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam Ngô Ngọc Thu cho biết trong cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 13-6 vừa qua, phía Trung Quốc đã đưa ra nhiều thông tin và hình ảnh sai lệch với tình hình thực tế. Ông Thu cũng bác bỏ những cáo buộc sai sự thật và phi lý của Trung Quốc rằng tính đến 12h ngày 13-6-2014, các tàu Việt Nam đã tiến hành đâm húc 1.547 lần vào các tàu của Trung Quốc và làm cho mũi tàu Trung Quốc hư hỏng. Ông Thu nhấn mạnh thực tế chỉ có các tàu Trung Quốc mới chủ động đâm va và phun nước vào các tàu Việt Nam làm cho 36 tàu Việt Nam bị hư hỏng. Từ ngày 3-5 đến nay, tổng cộng có 15 kiểm ngư viên và 2 ngư dân Việt Nam bị thương. "Chúng tôi có đầy đủ bằng chứng và hình ảnh về những tàu Trung Quốc tiến hành đâm và tàu Việt Nam bị đâm". - Ông Thu tuyên bố.

Ông Thu cũng cho biết thêm, việc Trung Quốc vu khống Việt Nam cử nhiều người nhái, thả nhiều lưới đánh cá, chướng ngại vật gây ảnh hưởng tới người và tàu của Trung Quốc là sai sự thật. "Đến thời điểm hiện nay Việt Nam không hề sử dụng lực lượng người nhái tại khu vực hiện trường. Về một số lưới đánh cá và một số vật trôi nổi Trung Quốc vớt được, nguyên nhân đây là vùng đánh cá truyền thống của Việt Nam khi ngư dân Việt Nam tiến hành đánh bắt cá, các tàu của Trung Quốc ngăn cản, đâm và phun nước nên tàu cá Việt Nam buộc phải bỏ lưới để tránh sự truy cản của tàu Trung Quốc. Phía Trung Quốc cũng đã tiến hành thu lưới của ngư dân Việt Nam. Những vật trôi nổi trên biển như thùng phi, mảnh gỗ Trung Quốc vớt được trên biển là do tàu Trung Quốc đâm va vào các tàu của Việt Nam và sử dụng vòi rồng công suất lớn phun sang các tàu Việt Nam làm cho các thùng phi chứa dầu, thùng sơn, các khúc gỗ là dụng cụ huấn luyện để trên mặt boong tàu, các mảnh ván và thiết bị của tàu Việt Nam bị đâm vỡ, văng xuống biển. Phía Trung Quốc vớt lên, coi là vật chứng là hoàn toàn không có căn cứ và không đúng sự thật ". - Ông Thu giải thích.

Về tuyên bố của Trung Quốc rằng không đưa tàu chiến và máy bay quân sự đến hiện trường, ông Thu cho biết Việt Nam cũng như các phóng viên trong và ngoài nước đã ghi lại được đầy đủ các số liệu, số hiệu tàu và máy bay tại thực địa và đó là bằng chứng không thể chối cãi. Mặc dù các tàu bảo vệ Trung Quốc vẫn tiếp tục có những hành động ngăn chặn, cản phá quyết liệt, sẵn sàng đâm va, phun nước… lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư Việt Nam vẫn kiên quyết, kiên trì, kiềm chế, không mắc mưu khiêu khích, chủ động cơ động, vòng tránh trước hành động khiêu khích đâm va của các tàu Trung Quốc. Các tàu cá Việt Nam không phun nước và đâm vào các tàu bảo vệ, tàu cá của Trung Quốc, chỉ phát loa tuyên truyền yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và các tàu bảo vệ ra khỏi vùng biển Việt Nam.

Ngư dân kiên quyết bám biển

Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Hà Lê cho biết, Trung Quốc đã đơn phương áp dụng lệnh cấm đánh bắt cá đối với các tàu cá trong nước và nước ngoài tại một số khu vực ở Biển Đông (trong đó có vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam) trong vòng hai tháng rưỡi, bắt đầu từ ngày 16-5-2014. Cũng từ ngày này, Trung Quốc đã huy động khoảng 50 tàu cá vỏ sắt ra khu vực hạ đặt giàn khoan Haiyang Shiyou - 981. Thực tế đã chứng minh, các tàu cá này của Trung Quốc không vì mục đích khai thác hải sản mà tham gia cùng các tàu chấp pháp, tàu quân sự của Trung Quốc cản trở, uy hiếp, phá hoại tài sản của tàu cá Việt Nam (sử dụng công cụ chuyên dùng để cắt lưới, phá hỏng các ngư cụ và trang thiết bị thông tin liên lạc, máy móc trên tàu…), đối xử thô bạo với ngư dân, đâm chìm các tàu cá Việt Nam đang hoạt động khai thác bình thường, hợp pháp trên ngư trường truyền thống của Việt Nam. Chỉ tính từ ngày 1-5 đến nay, trong quá trình sản xuất bình thường trên ngư trường truyền thống tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã có hàng trăm lần tàu cá của Việt Nam bị phía Trung Quốc hăm dọa, uy hiếp. Trong đó, 17 tàu cá của Việt Nam đã bị các lực lượng và tàu cá Trung Quốc tấn công, gây thiệt hại và hàng chục ngư dân bị thương. "Chúng tôi phản đối và bác bỏ thông báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc tại cuộc họp báo ngày 13-6. Chúng tôi có đầy đủ tư liệu, bằng chứng chứng minh cho hành động sai trái của Trung Quốc. Các tàu Kiểm ngư Việt Nam vẫn tiếp tục kiềm chế chủ động tránh va chạm, nhưng kiên quyết, kiên trì các biện pháp hòa bình để bảo vệ chủ quyền, bảo vệ ngư trường và hỗ trợ ngư dân khai thác trên các vùng biển của Việt Nam". - ông Hà Lê khẳng định.

Trả lời câu hỏi của phóng viên cho biết thông tin ông Dương Khiết Trì, Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc dự kiến sẽ đến Việt Nam trong vài ngày tới để dự cuộc họp của Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Trung Quốc, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết: "Đúng là ông Dương Khiết Trì sẽ sang Việt Nam trong vài ngày tới để tham dự cuộc họp của Ủy ban liên Chính phủ hai nước. Tôi cho rằng, vấn đề Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Haiyang Shiyou - 981 trên vùng chủ quyền Việt Nam sẽ được bàn đến. Việt Nam sẽ thiện chí để giải quyết vấn đề Biển Đông. Chúng tôi coi đây là một kênh, một sự kiện để hai bên cùng nhau tìm giải pháp giải quyết căng thẳng tại Biển Đông".

Đình Hiệp