Chống nhiễm khuẩn bệnh viện: Biện pháp đơn giản ít ngờ…

Xã hội - Ngày đăng : 06:29, 16/06/2014

(HNM) - Nhiễm khuẩn bệnh viện (NKBV) làm tăng tỷ lệ tử vong, kéo dài thời gian nằm viện, tăng việc sử dụng kháng sinh, tăng đề kháng kháng sinh và chi phí điều trị. Gánh nặng này không chỉ đặt lên vai người bệnh, hệ thống y tế mà còn cả cộng đồng, xã hội, không kể nước giàu hay nghèo.

Họa vô đơn chí

NKBV là những nhiễm khuẩn người bệnh mắc phải trong vòng 48 - 72 tiếng sau khi nhập viện. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thống kê, tại bất cứ thời điểm nào trên thế giới cũng có khoảng 1,4 triệu người bệnh bị NKBV. Tỷ lệ NKBV tại Mỹ là 4,5%, các quốc gia Châu Âu khoảng 5%, trong khi con số này tại các nước thu nhập thấp, trung bình cao hơn nhiều lần, khoảng 5,7-19,1%. Có hai lý do khiến NKBV nguy hại hơn nhiễm khuẩn cộng đồng là sức đề kháng của bệnh nhân yếu và khả năng tiếp xúc với nhiều loại vi khuẩn đa kháng thuốc chỉ có trong BV. Việc bị NKBV hoặc lây truyền NKBV đôi khi rất đơn giản: Nó có thể lây qua tiếp xúc, ở gần người bệnh có ho hoặc hắt hơi; qua không khí… Tất cả bệnh nhân khi nhập viện đều đối mặt nguy cơ NKBV, đặc biệt, với bệnh nhân trải qua thủ thuật xâm nhập như phẫu thuật.

Nhiễm khuẩn bệnh viện, người bệnh sẽ chịu thêm nhiều gáng nặng. Ảnh: Tuấn Vũ



Với bệnh nhân, NKBV có thể coi là "họa vô đơn chí" vì họ phải chống đỡ cùng lúc 2-3 loại bệnh. Nó làm giai đoạn bệnh tật đối với người bệnh càng thêm nặng nề do phải kéo dài thời gian nằm viện trung bình từ 7 đến 15 ngày, mất thời gian làm việc và thu nhập của bệnh nhân cũng như người nhà, chưa kể phải lo lắng, vất vả nhiều hơn. Ảnh hưởng kinh tế và xã hội của NKBV đối với cơ sở y tế và cộng đồng là đáng kể, do chi phí nằm viện thường gấp 2 đến 4 lần so với các trường hợp không bị NKBV. NKBV cũng gây quá tải, giảm chất lượng, uy tín bệnh viện và trở thành gánh nặng trong chăm sóc y tế.

WHO đánh giá, tại Mỹ, mỗi năm có khoảng 99.000 người tử vong do mắc NKBV, gây thiệt hại về kinh tế khoảng 6,5 tỷ USD. Còn ở Châu Âu, NKBV kéo dài số ngày nằm viện mỗi năm của các bệnh nhân thêm 16 triệu ngày, gây ra 37.000 trường hợp tử vong. Bên cạnh đó, gánh nặng kinh tế mà những bệnh nhân bị NKBV gây ra cho hệ thống y tế vào khoảng 7 tỷ euro.

Lạm dụng kháng sinh, gia tăng vi khuẩn đa kháng thuốc

Từ năm 2007, Bộ Y tế đã đưa chống nhiễm khuẩn vào quy chế BV và xây dựng khoa chống nhiễm khuẩn trong hệ thống tổ chức của các cơ sở y tế. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, công tác chống nhiễm khuẩn đã được đặc biệt quan tâm tại các BV. Tuy nhiên, nguồn lực cho công tác này vẫn được đánh giá là chưa đủ mạnh. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng kém phát triển, BV quá tải, đánh giá về sự nguy hiểm của NKBV chưa đúng mức khiến cho việc kiểm soát NKBV gặp nhiều khó khăn.

Có nhiều yếu tố nguy cơ và liên quan đặc thù tới NKBV như nhận thức của nhân viên y tế về NKBV, việc sử dụng kháng sinh, vi khuẩn gây bệnh. Kháng sinh là công cụ hữu hiệu để chống NKBV đối với nhiễm trùng ngoại và nội khoa. Nhưng đáng lo ngại là việc lạm dụng kháng sinh đang khiến cho tình trạng kháng kháng sinh của vi khuẩn gia tăng, xuất hiện nhiều loại vi khuẩn đa kháng thuốc. Một nghiên cứu của Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) về thực trạng sử dụng kháng sinh trên hơn 1.000 hồ sơ bệnh án tại các khoa điều trị tích cực của 19 BV lớn thuộc Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh cho thấy, tỷ lệ sử dụng kháng sinh không phù hợp chiếm tới 74%. Việc nghiên cứu và sản xuất ra kháng sinh mới có thể kéo dài đến vài chục năm, trong khi tiến trình đề kháng kháng kháng sinh của vi khuẩn diễn ra rất nhanh. Do đó, hiện không còn nhiều hãng dược phẩm đầu tư vào thị trường này, dẫn đến khan hiếm nguồn kháng sinh.

Theo các chuyên gia y tế, biện pháp đơn giản và ít tốn kém nhất để phòng chống NKBV là vệ sinh bàn tay. Bởi tác nhân gây bệnh từ bệnh nhân, môi trường BV có thể lan truyền qua bàn tay từ nhân viên y tế đến bệnh nhân và ngược lại. Tuy nhiên, không phải nhân viên y tế nào cũng tuân thủ nghiêm túc việc vệ sinh bàn tay trước và sau mỗi lần tiếp xúc với bệnh nhân, trước khi làm các thủ thuật, sau khi tiếp xúc với dụng cụ y tế nhiễm khuẩn...

Xuân Lộc