Thờ ơ với rau an toàn
Xã hội - Ngày đăng : 04:23, 16/06/2014
Thu hoạch rau an toàn tại xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ. Ảnh: Bá Hoạt |
Đã có 31 dự án vùng RAT
Theo Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Hà Nội, đến nay các địa phương đã lập 31 dự án vùng RAT tập trung, với tổng diện tích hơn 2.000ha; trong đó, 10 dự án đã được phê duyệt và đang thi công, một số đã thi công xong và được đưa vào sử dụng như Yên Mỹ, Duyên Hà, Thanh Đa... Hiện toàn thành phố đã có 5.000ha được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, phân bố ở 116 xã trọng điểm về trồng rau. Chi cục BVTV phối hợp với các địa phương quản lý, chỉ đạo các vùng sản xuất RAT tập trung có diện tích lớn theo dự án được phê duyệt như: Văn Đức - Gia Lâm (250ha), Duyên Hà - Thanh Trì (57ha), Thanh Đa - Phúc Thọ (50ha), Vân Côn - Hoài Đức (40ha)... Khép kín từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, RAT được xây dựng thương hiệu đang dần chiếm lĩnh thị trường.
Chị Phùng Thị Oanh, thôn Phương Mạc, xã Phương Đình, là một trong những hộ dân được công nhận là cơ sở sản xuất RAT cho biết, gia đình chị trồng trên 1 mẫu rau các loại. Bản thân chị đã được đào tạo, huấn luyện về sản xuất RAT thông qua nhiều hình thức như lớp huấn luyện IPM (kéo dài 1 vụ sản xuất), lớp tập huấn ngắn hạn nhằm nâng cao kỹ thuật sản xuất RAT, lớp đào tạo sản xuất RAT theo VietGAP... Dù chị chưa bán được rau với giá cao hơn 10-15% như mong muốn nhưng đầu ra tương đối thuận lợi...
Để giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận biết, lựa chọn sản phẩm RAT, từ tháng 9-2012, Chi cục BVTV đã triển khai thí điểm dán tem nhận diện "RAT HÀ NỘI" cho RAT bán lẻ ở các cửa hàng, siêu thị, chợ... Hiện đã có 31 cơ sở tham gia thí điểm dán tem nhận diện, mỗi cơ sở được cấp 1 mã số đóng lên tem nhận diện để phục vụ tra cứu và quản lý nguồn gốc xuất xứ sản phẩm RAT. Từ kết quả trên, năm 2013, ngành nông nghiệp Hà Nội đã lập hồ sơ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận "RAT HÀ NỘI" tại Cục Sở hữu trí tuệ nhằm bảo hộ nhãn hiệu "RAT HÀ NỘI" để đẩy mạnh công tác quản lý sản xuất, tiêu thụ RAT trên địa bàn thành phố, đồng thời củng cố niềm tin của người tiêu dùng.
Nhiều khó khăn cần tháo gỡ
Theo ông Nguyễn Hồng Anh, Phó Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hà Nội, việc sản xuất và tiêu thụ RAT trên địa bàn thành phố vẫn đang gặp khó khăn do quy mô RAT nhỏ lẻ, manh mún (mỗi hộ trung bình chỉ canh tác 2 sào); số hộ sản xuất quá lớn (khoảng 180.000 hộ), rất khó cho công tác quản lý, giám sát. Mạng lưới tiêu thụ RAT phát triển chậm, khó khăn do giá thành thuê cửa hàng quá cao, lãi suất kinh doanh từ rau lại thấp... Doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực RAT còn hạn chế, không hào hứng do rủi ro cao. Ngoài ra, một bộ phận người tiêu dùng chưa mặn mà với RAT, vẫn giữ thói quen mua rau tự do. Bên cạnh đó, nguồn rau từ các tỉnh lân cận đưa về Hà Nội chiếm tới 40% thị phần nhưng chưa được kiểm soát về nguồn gốc xuất xứ và chất lượng sản phẩm.
Để tháo gỡ khó khăn và xây dựng vùng RAT phát triển mạnh, trong năm nay, ngành nông nghiệp Hà Nội sẽ hỗ trợ thuốc BVTV sinh học, thảo mộc cho vùng sản xuất RAT đang thực hiện quản lý khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ; vùng sản xuất RAT theo VietGAP, hữu cơ. Đặc biệt, cơ quan chức năng sẽ hỗ trợ hoạt động thu gom vỏ bao bì thuốc BVTV tại các vùng sản xuất RAT tập trung; xem xét bổ sung một số nội dung trong đề án sản xuất và tiêu thụ RAT... để thúc đẩy phát triển mạng lưới tiêu thụ RAT trên địa bàn thành phố.