Doanh nghiệp dân doanh vẫn gặp nhiều bất lợi
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 04:08, 16/06/2014
Nhiều doanh nghiệp “kêu khổ”
Nhiều chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng kinh tế thế giới, Nhà nước cần có chính sách phù hợp, từng bước xóa bỏ sự độc quyền hoặc "lấn át" của DN nhà nước. Trước hết, nên tạo điều kiện cho DN dân doanh tham gia nhiều hơn các lĩnh vực kinh tế, xã hội; trong đó tập trung vào lĩnh vực hạ tầng và cung cấp dịch vụ công. Cơ quan quản lý cần hoàn thiện cơ chế, quy định để thu hút vốn đầu tư toàn xã hội theo chủ trương xã hội hóa, tập trung vào việc triển khai thực hiện đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP).
Các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp, dân doanh cần được triển khai đồng bộ, kịp thời và hiệu quả. Ảnh: Linh Ngọc |
Tuy nhiên, kết quả điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, mặc dù đã có sự điều chỉnh, thu hẹp khoảng cách trong chính sách đối với các loại hình DN nhưng DN dân doanh vẫn "cảm nhận" rằng DN nhà nước thuận lợi hơn trong tiếp cận đất đai, tín dụng và vay vốn. Tại nhiều địa phương, DN nhà nước cũng thường được ưu ái hơn trong giải quyết thủ tục hành chính. Cụ thể, chỉ khoảng 38% DN dân doanh xác nhận dễ hoặc tương đối dễ tiếp cận các chính sách của TƯ và địa phương; 18% cho rằng dễ tiếp cận thông tin các dự án; 20% DN có thể tiếp cận các bản đồ, quy hoạch sử dụng đất và dự án hạ tầng ở cấp tỉnh. Những con số này cho thấy DN dân doanh gặp nhiều hạn chế trong tiếp cận nguồn thông tin chính thống, từ đó sẽ ảnh hưởng đến khả năng lập kế hoạch, chủ động quyết định tham gia các chương trình phát triển kinh tế, dự án cụ thể. Đặc biệt, gần 30% cho biết vẫn "phải đi lại nhiều lần" để nhận được dấu, chữ ký tại cơ quan hành chính.
Trước thực tế này, nhiều chuyên gia kinh tế cũng khuyến nghị cơ quan quản lý tăng cường sự tham gia của DN, hiệp hội DN vào quá trình tham vấn, hoạch định và ban hành chính sách. Ý kiến này được đưa ra khi có tới 82% DN chưa hề tham gia đóng góp ý kiến vào các dự thảo quy định, chính sách của Nhà nước.
Cần có chương trình đột phá
Những con số trên đây đặt ra yêu cầu cần thay đổi; bởi có như vậy, cơ quan chức năng mới nắm bắt được nhu cầu, diễn biến trong quá trình vận hành để đáp ứng đối tượng DN trên một cách chính xác, hiệu quả. Yêu cầu phát triển kinh tế cũng cho thấy cần có một chương trình đột phá về quản lý để tạo khí thế mới, động lực mới cho DN dân doanh giai đoạn 2014-2015. Trước hết, cơ quan soạn thảo sớm hoàn chỉnh dự thảo, trình Quốc hội ban hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư (sửa đổi), với những nội dung thông thoáng, thiết thực; xác lập khung khổ pháp lý cho DN dân doanh hoạt động thuận lợi, hiệu quả; lấy DN làm đối tượng phục vụ. Trong đó, cần nhấn mạnh những quy định rõ ràng về quyền tự do kinh doanh, quyền sở hữu tài sản và quyền cạnh tranh bình đẳng của chủ DN. Đặc biệt, cần loại bỏ cơ hội để "giấy phép con" xuất hiện, rút ngắn thời gian từ công đoạn tiếp nhận đến giải quyết xong hồ sơ của DN, tập trung vào hỗ trợ pháp lý, thuế và hải quan.
Nhiều DN dân doanh mong muốn rút ngắn lộ trình giảm thuế thu nhập DN xuống 20% đối với DN lớn và 18% đối với DN nhỏ và vừa; đồng thời, xem xét khả năng giảm thuế giá trị gia tăng cho đơn vị thuộc một số ngành hàng cụ thể nhằm "khoan sức cho DN". DN cũng kiến nghị có thêm cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng, với lãi suất hợp lý và giảm quy định phải có tài sản thế chấp...