Một vấn đề cấp bách
Góc nhìn - Ngày đăng : 03:53, 16/06/2014
Mong ước chung chính đáng là vậy, dựa trên một thực tế là trẻ em chưa được chăm sóc một cách đầy đủ như chúng xứng đáng được hưởng, một số lớn thậm chí đang bị người lớn bóc lột, phải sống như nô lệ thời xa xưa. Theo báo cáo chính thức của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), hiện tại, trên phạm vi toàn thế giới có khoảng gần 170 triệu trẻ em phải tham gia lao động và một nửa trong số đó lao động trong điều kiện nguy hiểm. Đó là một con số đáng ngại bởi căn cứ vào số trẻ em trên thế giới, làm phép so sánh đơn giản thì có nghĩa cứ trong 10 trẻ có 1 phải lao động trong độ tuổi mà "việc chính" phải là học hành và vui chơi.
Vấn đề trẻ em phải lao động dưới những hình thức khác nhau ở Việt Nam cũng đang gây mối quan ngại sâu sắc đối với Đảng, Chính phủ và các giới, ngành. Theo thông tin của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc, một số nhóm trẻ cần có sự bảo vệ và chăm sóc đặc biệt, bao gồm những trẻ lang thang cơ nhỡ, trẻ sống trong cảnh nghèo đói, trẻ bị lạm dụng và bị bán vì mục đích tình dục, trẻ mồ côi… Cách thể hiện sự quan tâm hiệu quả nhất là tạo cho chúng một mái ấm, cho trẻ được đến trường và bảo đảm rằng chúng không bị bắt buộc phải làm việc sớm. Sở dĩ phải có những khuyến cáo nói trên là bởi trong thực tế, nhiều trẻ em vẫn đang sống trong điều kiện thiếu thốn, lâm vào cảnh bị bóc lột. Tại Việt Nam, vào đúng Ngày thế giới chống lao động trẻ em 2014, người ta đã công bố thông tin về một đường dây "cò" lao động trẻ em ở tỉnh Đắk Lắk mà theo đó, kể từ sau Tết Nguyên đán năm 2014, kẻ xấu đã lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của một số gia đình người dân tộc để dụ dỗ con em họ bỏ nhà vào TP Hồ Chí Minh làm việc. Hàng chục trẻ trong độ tuổi 9-16 đã bị ép làm việc tại xưởng may, sản xuất giày da, một ngày phải lao động tới 15 tiếng với mức lương thỏa thuận chưa tới hai chục triệu đồng/năm. Đó là hình thức bóc lột thực sự, và với việc lao động là trẻ em, chủ lao động đã vi phạm luật pháp.
Trong thực tế, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã dành sự quan tâm to lớn đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Việt Nam đã ban hành luật về vấn đề này, dựa trên những điều liên quan có trong Hiến pháp; đã có nghị định về vấn đề trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó có trẻ em, cũng như ban hành Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em… Tuy vậy, thông tin về lao động trẻ em được công bố chính thức cho thấy vụ việc ở Đắk Lắk không phải ngoại lệ và duy nhất. Nó dẫn đến nhận định rằng, hiện nay, hành động chống lao động trẻ em cần phải được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa nhằm xóa bỏ hiện trạng, trước mắt là hạn chế tối đa tình trạng trẻ em phải lao động trong tương lai gần. Muốn vậy, những mục tiêu và định hướng mang tính chiến lược mà Chính phủ đề ra cần phải được hiện thực hóa bằng khung hành động xứng tầm chiến lược nhằm huy động nguồn lực và sự quan tâm rộng rãi đối với vấn đề này, bảo đảm cho công tác triển khai thực hiện có được sự thông suốt. Về cơ bản, có một số mặt công tác cần phải được quan tâm triển khai một cách tích cực hơn nữa, bao gồm tuyên truyền, vận động và hoàn thiện chính sách; tăng cường nguồn lực cho các mô hình bảo vệ trẻ em ở cộng đồng, đặc biệt là sự tham gia có tính ràng buộc trách nhiệm của các cấp chính quyền đối với phần việc này; nâng cao năng lực của bộ máy chuyên trách.