Thuyết phục trẻ bằng sự sẻ chia
Văn hóa - Ngày đăng : 04:44, 15/06/2014
Xuất hiện nhiều cây bút mới
Gọi là cây bút mới là khi nhìn họ từ địa hạt văn học viết cho thiếu nhi, chứ trong làng văn thì đó đều là những gương mặt quen thuộc. Nguyễn Xuân Thủy nguyên là lính Trường Sa, từ biển về đất liền và cho ra mắt tiểu thuyết "Biển xanh màu lá", một thời gian sau ra tiếp "cuốn sách nhỏ" thiết thực, đáng yêu và mang tính thời sự là "Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa" - được trao giải Vàng sách hay năm 2012. Mới đây, cuốn sách ấy tiếp tục được tái bản nhằm phục vụ độc giả nhỏ tuổi khám phá vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Văn học dành cho thiếu nhi ngày càng được quan tâm. Ảnh: Hải Anh |
Sáng tác cho độc giả nhỏ tuổi không chỉ là công việc được "đặt hàng" của nhà văn, mà còn là cách khám phá một vùng đất mới của nhiều cây bút. Đỗ Bích Thúy nổi tiếng với những truyện ngắn mang hơi thở vùng cao Hà Giang đặc sắc, vào một ngày năm 2012 đã công bố tập đầu của bộ truyện viết cho trẻ tiểu học là "Em Béo và hội Cầu Vồng", đến năm 2013 thì cho ra tập 2 mang tên "Tết đến rồi, em Béo ơi!". Tác phẩm hài hước, bám sát đời sống và tâm lý lứa tuổi tiểu học, thu hút sự quan tâm của phụ huynh bởi văn phong thoát khỏi khuôn mẫu như một thời từng thấy ở sách viết cho thiếu nhi.
Cùng trong khoảng thời gian nói trên, Phong Điệp có bộ sách dành cho tuổi mẫu giáo mang tựa đề "Nhật ký sẻ đồng", nội dung xoay quanh tâm lý đặc trưng của trẻ nhỏ, những người "chưa thèm biết chữ" nhưng lúc nào cũng có sẵn một núi câu hỏi. Đến tháng 4 năm 2014, Phong Điệp lại cho ra mắt tập sách "Chúng mình làm bạn con nhé" với những lời tâm tình thủ thỉ của một bà mẹ với các cô bé tiểu học. Phong Điệp lâu nay được biết đến là nhà văn trẻ với những tác phẩm viết cho người lớn chất đầy nỗi ưu tư như "Lạc chốn thị thành", "Blogger"… Giờ thì chị năng viết cho trẻ, cũng có thể là một cách "làm mới" mình chăng?
Điều đáng nói là cả Phong Điệp và Đỗ Bích Thúy đều bắt đầu tác phẩm với nguyên mẫu là các con của mình. Sự gần gũi, tình cảm thiêng liêng và sâu sắc của người mẹ cộng với sự nhạy cảm nghề nghiệp khiến những trải nghiệm mà các chị đem đến cho trẻ có tính thuyết phục cao. Tuy thế, không chỉ có bà mẹ - nhà văn mới có thể viết sách về con, cho con, mà cả những ông bố - nhà văn cũng tìm thấy cảm hứng viết từ những đứa trẻ tưởng chừng suốt ngày gây rắc rối trong nhà. Nguyễn Đình Tú, cây bút được định danh với những tác phẩm dữ dội như "Nháp", "Hồ sơ một tử tù", "Hoang tâm"… đã công bố tác phẩm viết cho thiếu nhi đầu tiên của anh mang tên "Ba nàng lính ngự lâm". Anh nói: "Những chuyện này là do con gái tôi kể lại, thậm chí viết lại vì cháu có thói quen viết nhật ký từ rất sớm… Tôi đã tập hợp lại, gạn lọc, biến tấu chúng thành những câu chuyện sinh động theo một chuỗi hoàn chỉnh phù hợp với quá trình phát triển của một học sinh từ đầu lớp 1 đến khi vào lớp 2".
Phải nói, những câu chuyện viết cho thiếu nhi hình thành trên cơ sở quan sát, gần gũi với con trẻ của các nhà văn không còn là chuyện xa lạ trên thế giới. "Tippy hoang dã" được hai nhiếp ảnh gia Alain và Sylvie viết từ chính những câu chuyện về cô con gái bé nhỏ của họ khi cả gia đình sống ở Châu Phi. Bộ truyện "Lão Kẹo Gôm" cũng vậy, nội dung cơ bản của nó đã được tác giả Andy Stanton kể cho các anh em họ nhỏ tuổi của mình nghe trong đêm Giáng sinh trước khi được hoàn chỉnh và gửi đến thăm dò ở các nhà xuất bản…
Viết cho thiếu nhi dễ hay khó?
Ở Việt Nam, cây bút viết cho thiếu nhi "không biết mệt" và không sụt giảm lượng "fan" là nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Giá trị văn chương của Nguyễn Nhật Ánh lâu dài đến đâu, sự hay sự dở ở mỗi tác phẩm thế nào thì xin chưa bàn đến, nhưng chỉ riêng việc "đẻ sòn sòn", tác phẩm nào cũng hàng trăm trang mà vẫn thu hút được bạn đọc thì không phải ai cũng làm được. Vài năm trở lại đây, nhà văn Nguyên Hương trung thành với những trang viết cho tuổi mới lớn một cách đáng nể. Không phải ngẫu nhiên mà danh sách lựa chọn các tác phẩm văn học thiếu nhi của các bà mẹ trên trang mạng nuôi dạy con có tên tập truyện ngắn, truyện dài của chị. Cũng có những nhà văn suốt đời theo đuổi trang viết trong trẻo, giàu tính văn chương, điềm đạm trước mọi sự ồn ào của xuất bản, như nhà văn Lê Phương Liên. Những tập sách của bà được tái bản, không rầm rộ như "Cây đa nghìn tuổi và hai đứa trẻ" nhưng luôn khiến những phụ huynh chịu đọc, quan tâm đến văn học thiếu nhi không thể bỏ qua. Câu nói mà bà tâm đắc là "mình không phản đối các bạn trẻ đổi mới sáng tạo, nhưng mình không cố gắng học theo mà chỉ có thể kiên trì với phong cách của mình".
Điều đáng mừng ở chỗ việc viết cho thiếu nhi ngày càng thể hiện sự khổ công nghiêm túc chứ không phải chuyện "tạt ngang" cho vui, hay "thâm canh" lúc nghỉ ngơi trên cánh đồng văn chương dành cho người lớn. Đọc lại bộ sách "Những truyện hay viết cho thiếu nhi" của các nhà văn Việt Nam được NXB Kim Đồng tái bản gần đây, lại nhớ đến lời nhà văn Vũ Tú Nam: "Tôi rất trân trọng những sáng tác dành cho thiếu nhi. Tôi không bao giờ coi nhẹ việc này, thậm chí còn dồn sức nhiều hơn khi viết cho người lớn".
Văn học thiếu nhi có lẽ là như thế, không cố để làm ra giọng trẻ con được! Chỉ cần ta thật với cảm xúc của ta khi nghĩ về tuổi thơ, và yêu quý, tiếc nuối nó hết lòng theo cách của ta thì tất yếu con trẻ sẽ cảm nhận được.