Bài cuối: Đừng gọi chúng tôi là anh hùng!
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:29, 14/06/2014
Hạt muối trong biển cả
Khi các tàu Trung Quốc tiếp cận, Thượng úy Nguyễn Quốc Huy vừa bật loa tuyên truyền vừa bấm máy quay để ghi lại những hình ảnh đang xảy ra tại thực địa. Khi đó tàu Hải cảnh 46105 của Trung Quốc lao vào tàu CSB 2016 ở mạn phải dù con tàu này đang cơ động với tốc độ cao. Sau hai, ba lần né tránh được sự cố tình đâm va và xịt vòi rồng, tàu Hải cảnh 46105 tăng tốc đột ngột tiến đến gần ngang tàu CSB 2016 rồi bẻ hết lái sang trái cố tình đâm va. Lần này, tàu CSB 2016 không thể tránh được.
Chỉ huy tàu cảnh sát biển tìm phương án xử lý một tình huống bị vây kèm. |
Trước lúc tàu Trung Quốc phun vòi rồng, trên boong có nhiều phóng viên tác nghiệp. Nhưng để bảo đảm an toàn, thuyền trưởng đã yêu cầu các nhà báo vào bên trong. Chỉ còn duy nhất Nguyễn Quốc Huy ở lại. Khi tàu Trung Quốc cố tình đâm va vào tàu CSB 2016, Huy đã quay được cảnh đâm va hung hãn của tàu Trung Quốc và đó chính là những thước phim chân thực chuyển đến với người xem truyền hình cả nước và công luận quốc tế. Huy nói: "Máy quay chỉ có giới hạn room như thế nên không quay được cận hơn nữa mà cũng bởi tôi không phải là quay phim chuyên nghiệp".
Khi quay xong cảnh tàu bị đâm va, Huy chạy ra một góc boong khác để quay tiếp cảnh tàu Hải cảnh 46105 đang kẹp sát tàu CSB 2016 thì bị tàu Trung Quốc phun vòi rồng, Huy vội ôm máy quay nấp vào chỗ có vật cản và lấy tay che ống kính. "Khi nghe hết tiếng xào xào, biết là Trung Quốc hết phun vòi rồng, tôi mới có thể quay tiếp", Huy nói hồn nhiên.
Chúng tôi nói: "Đấy là một hành động dũng cảm của những người anh hùng!".
- "Không phải. Đó là trách nhiệm của mỗi chúng tôi. Trên mỗi con tàu, mỗi người được giao trách nhiệm và cương vị khác nhau và đều phải hoàn thành tốt nhiệm vụ để mục đích cuối cùng là bảo vệ được chủ quyền biển đảo của mình, làm sao để Trung Quốc rút giàn khoan Haiyang Shiyou - 981 (Hải Dương - 981) khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Tôi chưa làm được điều gì hết, hiện nay Trung Quốc vẫn đặt giàn khoan ở đây. Khi nào Trung Quốc rút giàn khoan khỏi vùng biển thuộc thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam với chúng tôi mới có thể gọi là hoàn thành nhiệm vụ. Còn nói về những hành động dũng cảm có thể nói thế này: Nguy cơ sát thương của vòi rồng không như bom đạn, trong khi cũng nhiều lực lượng khác bị vòi rồng phun vào chứ không riêng gì chúng tôi. Bằng tình cảm, trách nhiệm và lòng yêu nước của mình, tôi chỉ cố gắng ghi lại những hình ảnh xác thực làm bằng chứng phản đối những hành động vi phạm của Trung Quốc đối với các tàu đang thực thi pháp luật Việt Nam trên vùng biển của ta. Việc đó cũng giúp cho chúng ta có cơ sở để đấu tranh buộc Trung Quốc phải rút giàn khoan Hải Dương - 981 ra khỏi vùng thềm lục địa Việt Nam. Tôi chỉ có nguyện vọng như thế thôi chứ không còn nguyện vọng gì khác. Tôi chưa thấy mình đóng góp được gì lớn lao, chỉ như một hạt muối trên biển thôi".
Tôi càng cảm phục Thượng úy Nguyễn Quốc Huy hơn khi biết vợ anh sau khi sinh con thì phát hiện ra ung thư giai đoạn hai. Huy đã đưa vợ ra tận Bệnh viện K ở Hà Nội để khám và điều trị. Tội nhất là đứa con trai thứ hai của Huy mới 7 tháng tuổi, bằng đúng tuổi con gái của tôi, không được bú sữa mẹ và phải nhờ ông bà nuôi bộ. Dù hoàn cảnh gia đình như vậy, Huy vẫn cố nén tất cả để đi làm nhiệm vụ mà Tổ quốc cần anh. Ở nhà hai con trông cả vào ông bà. Còn người vợ của Huy thì tự mình vất vả bắt xe ra Hà Nội để chạy hóa chất mỗi khi đến đợt.
Những người con dũng cảm
Khi đặt chân lên tàu CSB 2016 để quay về đất liền, tôi bỗng thấy nhớ những gương mặt, những câu chuyện về cuộc đời của các chiến sĩ CSB trên các tàu mà tôi đã qua như 2013, 2015 hay tàu Kiểm ngư (KN) 951.
Khi mới bước lên tàu CSB 2013 để ra Hoàng Sa, tôi thực sự ấn tượng với vóc dáng và phong cách chỉ huy của Thượng úy Hoàng Tuấn Anh, thuyền trưởng tàu CSB 2013. To con, chắc nịch, da ngăm đen nhưng ở anh lại toát ra vẻ tinh nghịch, nhìn qua, không ai nghĩ anh là thuyền trưởng cho đến khi thấy Tuấn Anh ra lệnh điều khiển tàu. Thượng úy Hoàng Tuấn Anh là người ở ngõ Tô Hoàng, phố Bạch Mai (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Cả hai vợ chồng đều là CSB vùng 2, nhưng vợ Tuấn Anh đang ở nhà ông bà nội ngoài Hà Nội để chăm đứa con trai 5 tháng tuổi. Bố đẻ và bố mẹ vợ của Tuấn Anh đều là lính Hải quân.
Trong những ngày tác nghiệp trên biển Hoàng Sa, tôi mấy lần đề xuất chuyển sang tàu KN 951 để cơ hội gặp được người thuyền trưởng có biệt hiệu là Bằng gù. Nhưng vì nhiều lý do, mong muốn ấy của tôi không thành hiện thực. Có lần, trong buồng lái, khi thấy tàu KN 951 chuyển động linh hoạt trong vòng vây của mấy tàu Trung Quốc, tôi đã thốt lên: "Con 951 này chạy hay quá!". Lúc ấy Đại úy Đặng Lê Sơn, thuyền trưởng tàu CSB 2015 cho biết: "Bằng gù là thuyền trưởng bên đó, cùng học với tôi, cá tính từ ngày ở trong trường".
Thật tiếc là tôi chưa được gặp Bằng gù. Những gì Đại úy Đặng Lê Sơn kể về thuyền trưởng Bằng gù càng khiến tôi thêm tò mò về con người này. Nếu như thuyền trưởng tàu CSB 2013 to con, ngăm đen thì thuyền trưởng 2015 trông lại thư sinh, mảnh khảnh. Mắt đeo kính, tóc hoe vàng như "diễn viên Hàn Quốc", không ai nghĩ rằng đó là một thuyền trưởng nhiều kinh nghiệm và rất thông minh trong khi xử lý những tình huống khẩn cấp. Sắp tới, Sơn được cấp trên cử đi học. Vị trí thuyền trưởng trên tàu sẽ được bàn giao cho một thuyền phó từ tàu 2016 sang. Nhưng trước mắt Đặng Lê Sơn vẫn đang điều khiển con tàu chưa một lần bị đâm va này hoàn thành nhiệm vụ có thể còn kéo dài.
Trên tàu 2015 sẽ vẫn còn lại những gương mặt thân thiết luôn in đậm trong tâm trí tôi. Như là thuyền phó Bùi Anh Văn với câu chuyện so sánh sức đẩy của dòng hải lưu với con nước trên sông Bạch Đằng, nhân viên ngành 5 Nguyễn Hải Sơn có người mẹ già ở quê đang phải chăm sóc hai đứa cháu, nhân viên liên lạc Vũ Quốc Hiệp với tài chế biến thức ăn và ký ức khó quên về cuộc sống trên nhà giàn và những chiến sĩ trẻ như Đề, Trường, Đường…
*
* *
Tất cả họ đều là những người bình dị trong cuộc sống, gan dạ khi làm nhiệm vụ và khiêm tốn với mọi người. Đất liền luôn yên tâm khi có những người con như thế đang gìn giữ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Mặc dù biển Hoàng Sa vẫn động, chân trời vẫn nghiêng ngả nhưng những người con đất Việt, những hạt muối, những người không tự nhận mình là anh hùng vẫn luôn vững vàng bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Khi bán đảo Sơn Trà dần rõ hơn phía trước mũi tàu CSB 2016, một đàn cá heo lớn bơi song song với con tàu khoảng nửa tiếng đồng hồ như thể để tạm biệt chúng tôi. Có thể biển Hoàng Sa sẽ còn dậy sóng nhưng chúng tôi luôn tin vào những người con của dân tộc đang làm nhiệm vụ bảo vệ Hoàng Sa.