Nên lấy phiếu tín nhiệm 2 lần trong một nhiệm kỳ
Chính trị - Ngày đăng : 15:56, 13/06/2014
Đồng tình với việc lấy phiếu tín nhiệm hàng năm là không hợp lý, nhưng các đại biểu Tô Văn Tám – Kon Tum, Nguyễn Bá Thuyền – Lâm Đồng, Trương Minh Hoàng – Cà Mau, Trương Thị Thu Trang – Tiền Giang, Danh Út- Kiên Giang, Trần Ngọc Vinh – Hải Phòng… cho rằng, việc dự thảo nghị quyết quy định chỉ lấy phiếu tín nhiệm một lần là quá ít và không có ý nghĩa thực tế.
“Tôi cho rằng thời hạn lấy phiếu tín nhiệm một lần trong cả nhiệm kỳ là quá ít, chúng ta nên thực hiện hai lần: 1 lần vào cuối năm thứ 2 và 1 lần vào cuối năm thứ 4 của nhiệm kỳ, như vậy việc lấy phiếu tín nhiệm mới có ý nghĩa. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ là cơ hội để người được lấy phiếu tín nhiệm kiểm điểm trách nhiệm thực thi công vụ của mình, kết quả lấy phiếu tín nhiệm cuối nhiệm kỳ là sự đánh giá toàn diện quá trình công tác của người đó, đồng thời là cơ sở cho sự đánh giá, bố trí, phân công cán bộ ở nhiệm kỳ tiếp theo”, đại biểu Thuyền nói.
Đại biểu Đỗ Văn Đương – TP. Hồ Chí Minh lưu ý, Quốc hội nên chú trọng uy tín, quản lý lãnh đạo bằng uy tín, tránh mượn quyền lực nhà nước để điều hành, lãnh đạo, vì vậy một nhiệm kỳ ít nhất Quốc hội phải lấy phiếu tín nhiệm 2 lần.
Về các mức lấy phiếu tín nhiệm, đa số đại biểu đề nghị chỉ nên quy định 2 mức: tín nhiệm và không tín nhiệm, không nên chia thành 3 mức như trong dự thảo.
Các đại biểu Trần Ngọc Vinh, Trương Minh Hoàng cho biết, qua tiếp xúc cử tri, hầu hết cử tri đều đề nghị Quốc hội nên để 2 mức: tín nhiệm và không tín nhiệm để đảm bảo ý nghĩa việc lấy phiếu và giúp người được lấy phiếu tín nhiệm có trách nhiệm cao hơn với chức trách của mình.
Đại biểu Đỗ Văn Đương – TP. Hồ Chí Minh cũng cho rằng, việc quy định 3 mức lấy phiếu tín nhiệm là rất không sát thực tế. Đại biểu Đương phân tích, thực chất việc bỏ phiếu không chỉ là cảnh báo, cảnh tỉnh, mà quan trọng hơn là phấn khích và thôi thúc người được tín nhiệm cao cống hiến nhiều hơn cho đất nước.
“Chúng ta cần người năng động, sáng tạo, có tài, xả thân vì công việc, chứ không cần những người tròn vo. Việc bỏ phiếu, lấy phiếu về hình thức giống nhau nhưng bản chất khác nhau, nên chúng ta không sợ trùng. Theo tôi nên ghi trên phiếu 2 mức: tín nhiệm, không tín nhiệm. Sau khi có kết quả bỏ phiếu, chúng ta mới có định lượng cụ thể là ai cao, ai thấp, như vậy mới phù hợp với quy luật chân lý”, đại biểu Đỗ Văn Đương nói.
Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng – Thái Nguyên cũng ủng hộ việc phải thay đổi các mức đánh giá tín nhiệm. Theo ông, nếu chúng ta giữ 3 mức như cũ không thể được vì nhiều cử tri chê và các mức như vậy cũng khiến những người được lấy phiếu tín nhiệm “an toàn quá”.
Đại biểu Hùng đề xuất 2 phương án: Phương án 1 là quy định 2 mức: tín nhiệm, tín nhiệm thấp, nhưng phương án này có nhược điểm là hơi giống với việc bỏ phiếu tín nhiệm. Phương án 2 là quy định 3 mức: tiếp tục công việc được giao; bố trí công tác khác; nên từ chức, như vậy vừa sát với yêu cầu làm cơ sở để đánh giá, xem xét, sử dụng cán bộ, vừa giúp đại biểu Quốc hội có thể thể hiện thái độ rõ ràng hơn.
Ngoài các nội dung trên, các đại biểu cơ bản tán thành với phạm vi lấy phiếu tín nhiệm, nhưng cũng có một số ý kiến đề nghị mở rộng đối tượng lấy phiếu tín nhiệm với Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia; thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND nhưng không là thành viên UBND...
Cũng trong chiều nay, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế. Trước khi biểu quyết thông qua dự luật, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật này.