Phương Tây rung chuông báo động
Thế giới - Ngày đăng : 05:11, 13/06/2014
Kể từ khi ISIL bắt đầu cuộc tấn công chớp nhoáng vào thành phố Mosul vào cuối ngày thứ hai (9-6), phiến quân đã chiếm được một khu vực rộng lớn ở miền Bắc và miền Trung Iraq, khiến hơn một nửa triệu người phải bỏ nhà cửa chạy loạn. ISIL cũng đã làm chấn động dư luận quốc tế khi bắt giữ toàn bộ nhân viên lãnh sự quán Thổ Nhĩ Kỳ tại thành phố Mosul. Tốc độ tiến quân của ISIL và đồng minh vùng sa mạc sau khi chiếm Mosul (thành phố hai triệu dân ở phía Bắc Iraq) đã khiến thủ đô các nước phương Tây phải rung chuông báo động. Tình trạng hỗn loạn đang diễn ra tại đất nước Trung Đông là một thử thách lớn đối với chính quyền Baghdad kể từ khi quân đội Mỹ rút khỏi Iraq vào cuối năm 2011.
Xe của lực lượng an ninh Iraq sau trận giao tranh với nhóm ISIL tại thành phố Mosul, ngày 10-6. |
Iraq là một đất nước có thành phần dân cư đa dạng nhất Trung Đông với các xung đột sắc tộc không dễ kiểm soát. Kể từ sau cuộc chiến do Mỹ phát động lật đổ chế độ Saddam Hussein (2003), tình hình bất ổn ở Iraq tiếp tục làm phức tạp thêm các cuộc xung đột trong khu vực. Đó là mối bất hòa giữa người Hồi giáo theo dòng Sunni và Shiite, người Kurd bị lôi kéo vào cuộc nội chiến ở Syria… Phân hóa tôn giáo và sắc tộc càng trầm trọng hơn sau cuộc chiến năm 2003 và đến nay vẫn chưa thể giải quyết do cuộc tranh giành, phân chia quyền lực giữa các cộng đồng sắc tộc ở Iraq vẫn chưa ngã ngũ. Trong khi đó, nền kinh tế nước này vẫn trong tình trạng kiệt quệ và nạn tham nhũng ngày càng trở nên tồi tệ.
|
Mặc dù Iraq được hưởng 100 tỷ USD từ tiền bán dầu mỗi năm nhưng hơn 10 năm qua, ở Baghdad, hầu như không có khu nhà dân nào được xây mới mà chỉ có những tiền đồn cảnh sát hay quân đội được củng cố. Hơn thế, sự bất ổn trong xã hội Iraq không chỉ do các cuộc xung đột tôn giáo, sắc tộc, mà còn do các vụ tấn công của mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda, lợi dụng tình hình rối loạn của Iraq để cắm rễ sâu hơn và rộng hơn vào quốc gia này. Được coi là nhóm phiến quân mạnh nhất ở Iraq, ISIL là một phân nhánh của Al-Qaeda hình thành trong vài năm gần đây và bắt đầu mở rộng ảnh hưởng nhờ cuộc nội chiến ở nước láng giềng Syria.
Sự kiện Mosul, thủ phủ tỉnh Ninevah, một thành phố lớn của Iraq rơi vào tay ISIL là một thất bại nặng nề đối với Thủ tướng Nouri al-Maliki; đồng thời phát đi dấu hiệu đảo chiều tại Iraq kể từ khi quân đội Mỹ rút quân khỏi đất nước này cuối năm 2011. Thực ra, Iraq thời hậu Saddam Hussein chưa bao giờ im tiếng súng. Ngay sau khi Iraq tìm lại được phương tiện - dầu lửa và sự hỗ trợ Mỹ để thực hiện chủ quyền khi Mỹ rút quân vào cuối năm 2011 thì nền an ninh đất nước và sự tồn tại của các tổ chức khủng bố trên lãnh thổ "có chủ quyền" luôn là một thách thức với Baghdad.
Trước tình hình bất ổn bùng nổ ở Iraq, trong cuộc họp báo ngày 11-6, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki khẳng định Mỹ đang chuẩn bị cung cấp những khoản hỗ trợ mới nhằm giúp nước này đối phó với tình trạng bạo lực ngày một leo thang cùng với sự can dự của các tổ chức khủng bố trong thời gian qua. Ngày 12-6, HĐBA đã mở cuộc họp khẩn để bàn về cuộc khủng hoảng an ninh tại Iraq. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ Chính phủ Iraq và cảnh báo "không thể cho phép chủ nghĩa khủng bố thành công và cản trở con đường dân chủ của Iraq".
Tình hình hiện tại cho thấy Baghdad đang phải đối đầu với một thách thức an ninh nghiêm trọng. Khi nào Iraq có được hòa bình, ổn định là câu hỏi làm đau đầu các nhà tài trợ lớn cho quốc gia này.