Mười năm không được cấp sổ đỏ
Đời sống - Ngày đăng : 15:37, 12/06/2014
Mặc dù tháng 10/2013 Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã khẳng định việc cấp GCNQSDĐ là có cơ sở, nhưng chính quyền huyện Mỹ Đức vẫn không cấp sổ đỏ cho gia đình liệt sĩ Hoàng Thanh Vân, gây nhiều bức xúc trong dư luận.
Mặt tiền ngôi nhà bà Vượng, đối diện UBND huyện Mỹ Đức. |
Mười năm đi “gõ cửa” các cấp chính quyền
Theo trình bày của gia đình bà Cấn Thị Vượng, tháng 7/1980 bà Vượng được tới công tác tại Hiệu sách nhân dân huyện Mỹ Đức (thôn Tế Tiêu, thị trấn Đại Nghĩa). Tại đây bà Vượng được phân 1 căn hộ nhà cấp 4, diện tích nhà ở và công trình phụ khoảng 60 m2 trên diện tích đất khoảng 100m2, gia đình bà đã sử dụng từ năm 1980 đến nay và không có tranh chấp gì. Năm 1991, khi chia tách tỉnh Hà Sơn Bình thành Hà Tây và Hòa Bình thì hiệu sách Mỹ Đức được giao cho UBND huyện Mỹ Đức quản lý, chưa bàn giao cho Cty Phát hành sách Hà Tây như các hiệu sách ở một số huyện khác có cùng mô hình hoạt động. Khoảng năm 1994 ông Nguyễn Đại Đồng, Chủ nhiệm Hiệu sách được điều động sang đơn vị khác. Việc quản lý kinh doanh của hiệu sách do 3 nhân viên (trong đó có bà Vượng) tự điều hành và góp tiền để nộp thuế đất hàng năm. Diện tích nhà của bà Vượng hiện nay thuộc khu Tập thể của hiệu sách, và từ 1980 tới nay đã qua vài lần sửa chữa. Mỗi lần sửa chữa gia đình đều có trình báo chính quyền. Ngoài chỗ ở tại Hiệu sách huyện Mỹ Đức, gia đình bà Cấn Thị Vượng chưa lần nào được phân nhà, đất theo chính sách của Nhà nước. Từ năm 2004 đến nay, mặc dù đã nhiều lần làm đơn lên UBND huyện Mỹ Đức xin cấp GCNQSDĐ, nhưng yêu cầu và nguyện vọng của bà Vượng vẫn không được đáp ứng. Lãnh đạo huyện Mỹ Đức hết lần này tới lần khác đều từ chối cấp sổ đỏ cho gia đình bà với các lý do như không đủ thẩm quyền, hoặc đất mà gia đình bà Vượng hiện đang ở không nằm trong quy hoạch đô thị về nhà ở (!?).
Sau nhiều lần “gõ cửa” huyện không được cấp GCNQSDĐ, ngày 3/2/2013 gia đình bà Vượng đã đưa đơn lên UBND TP yêu cầu giúp đỡ. Trực tiếp Phó chủ tịch thành phố Vũ Hồng Khanh đã có ngay các văn bản số 2528/UBND-TNMT ngày 10/4/2013 giao UBND huyện Mỹ Đức giải quyết; văn bản số 3785/UBND-TNMT ngày 28/5/2013 giao Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét, kết luận, báo cáo UBND thành phố theo luật Đất đai. Sau khi tìm hiểu, xác minh vụ việc, ngày 9/10/2013 Sở tài nguyên và Môi trường đã có báo cáo 1334/ BC - TNMT - TTr gửi UBND thành phố Hà Nội, trong đó có nội dung: Từ năm 2004, UBND tỉnh Hà Tây đã có văn bản giao Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức xem xét giải quyết đơn xin cấp đất của bà Cấn Thị Vượng, tuy nhiên, UBND huyện Mỹ Đức không có biện pháp giải quyết, và đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc kiến nghị của bà Cấn Thị Vượng bị kéo dài, ảnh hưởng đến quyền lợi gia đình thuộc đối tượng chính sách (gia đình liệt sĩ), cần được kiểm điểm, rút kinh nghiệm… Đồng thời, báo cáo còn phê phán việc quản lý đất đai yếu kém của UBND huyện Mỹ Đức và ra kết luận: - Hộ bà Cấn Thị Vượng được Chủ nhiệm hiệu sách huyện Mỹ Đức giao sử dụng một phần nhà, đất thuộc dãy nhà ở tập thể 7 gian thuộc hiệu sách nhân dân huyện Mỹ Đức từ năm 1980, và liên tục từ đó tới nay gia đình bà Vượng vẫn sử dụng, không có tranh chấp; Bà Cấn Thị Vượng là vợ liệt sĩ, chưa được cấp nhà, đất theo chính sách nhà ở qua các thời kỳ, vì vậy kiến nghị được cấp GCNQSDĐ của bà Cấn Thị Vượng là hoàn toàn có cơ sở... Tiếp đó, ngày 23/10/2013, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản 7931/UBND-TNMT thống nhất với kết luận và kiến nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường, đồng thời yêu cầu UBND huyện Mỹ Đức tổ chức thực hiện.
Cái lý của huyện Mỹ Đức
Chỉ đạo của Thành phố và Sở, ngành chức năng đã rõ như vậy, nhưng từ tháng 10/2013 tới nay đã hơn 7 tháng trôi qua, nhưng bà Cấn Thị Vượng vẫn phải “đỏ mắt trông chờ sổ đỏ” cho nơi ở của mình bởi sự lần chần, lúng túng của Chính quyền. Người vợ liệt sĩ ấy trông già hơn tuổi 65 của bà, lại bị liệt do di chứng của một cơn tai biến nên giờ đây gần như chỉ ngồi một chỗ với tấm thân run rẩy, tiều tụy. Trước bàn thờ chồng bà Vượng chỉ có một ước muốn nhỏ nhoi là được nhìn thấy chiếc sổ đỏ do chính quyền cấp cho ngôi nhà cấp 4 của mình với đàn con, cháu gần 10 người đang chung sống để yên tâm khi tuổi đã già. Thế nhưng, không hiểu sao người ta vẫn chưa giải quyết cho bà (!?)
Mười năm qua, đến nay bà Cấn Thị Vượng vẫn đang đỏ mắt mong chờ tấm sổ đỏ |
Tại UBND thị trấn Đại Nghĩa ông Nguyễn Văn Ninh, Phó Chủ tịch cho biết: Việc gia đình bà Cấn Thị Vượng làm đơn xin cấp GCNQSDĐ đã lâu, nhưng ông không được trực tiếp tham gia giải quyết, trong khi tiến độ cấp sổ đỏ của địa phương còn chậm (từ đầu năm 2014 đến nay mới cấp được 21 trên 200 sổ đỏ theo chỉ tiêu - PV). Tại UBND huyện Mỹ Đức ông Trịnh Xuân Viết (Phó chánh văn phòng) và ông Đinh Văn Dũng (Phó Phòng Tài nguyên – Môi trường) đều ghi nhận, gia đình vợ liệt sĩ Cấn Thị Vượng là đối tượng ưu tiên số 1, cần được quan tâm về chính sách! Tuy nhiên, ông Lê Văn Cành, Phó chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức lại đưa ra lý lẽ rằng, huyện Mỹ Đức vẫn chưa nhất trí với quan điểm của Sở Tài nguyên – Môi trường, bởi chỗ ở của gia đình bà Vượng hiện nay không quy hoạch làm nhà ở mà để quy hoạch làm hiệu sách. Huyện đang có chủ trương di dời gia đình bà Vượng vào khu tái định cư ở xứ đồng Mạ Cú (cách thị trấn khoảng 500 m) và thu hồi lại diện tích trên. Việc chưa cấp sổ đỏ cho hộ bà Cấn Thị Vượng cuối cùng là vì lý do như vậy...
Không ít người dân ở thị trấn Đại Nghĩa cho rằng, chỗ ở hiện nay của gia đình bà Cấn Thị Vượng nằm ngay đầu một ngã tư, có vị trí khá đẹp trên địa bàn nên có lẽ lãnh đạo huyện đang muốn “ngắm cho việc khác”, đẩy người dân vào khu xứ đồng xa. Nếu lấy lý do quy hoạch để làm hiệu sách thì không có cơ sở bởi hiện nay các hộ dân ở đó vẫn đang kinh doanh sách và văn hóa phẩm, như một hiệu sách lớn cho cả huyện. Do vậy, cái lý của Mỹ Đức phải chăng chỉ là để bao biện cho những toan tính của một số người có quyền hành, nhất là trong bối cảnh việc quản lý đất đai còn rất nhiều lộn xộn như ở huyện Mỹ Đức hiện nay.