Tính mở của Microsoft giúp dung hòa các giải pháp chính phủ điện tử trên đám mây

Công nghệ - Ngày đăng : 10:17, 12/06/2014

(HNMO) - Hôm nay (12-6) tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Microsoft đã tổ chức hội thảo “Nền tảng mở của Microsoft và Điện toán đám mây”...

Bà Sangita Jayaraman, Giám đốc cao cấp về sản phẩm, Microsoft Châu Á Thái Bình Dương


Bắt nhịp với những xu hướng mới về CNTT trên toàn cầu, Việt Nam đã nhận định rằng điện toán đám mây sẽ giúp tiết kiệm ngân sách nhà nước, cải tiến hiệu suất công nghệ thông tin và tăng tốc đổi mới guồng máy hành chính công. Đây cũng được coi là nền tảng để Việt Nam tiếp tục triển khai các hệ thống lớn thuộc chính phủ điện tử trên phạm vi toàn quốc như các cơ sở dữ liệu quốc gia, hệ thống thư điện tử quốc gia, hệ thống trao đổi văn bản điện tử tích hợp toàn quốc…

Tại hội thảo, giải pháp điện toán đám mây cho khối chính phủ, gọi tắt là G-Cloud cũng như những giải pháp an ninh mạng tối ưu đã được Microsoft giới thiệu. “Giải pháp Microsoft G-Cloud sẽ tạo thuận lợi lớn trong việc trao đổi thông tin giữa các cơ quan quản lý với nhau và giữa các cơ quan nhà nước có dịch vụ công với người dân, nhờ đó sẽ đưa đến rút ngắn thời hạn cung cấp các dịch vụ, tiết kiệm chi phí và minh bạch hơn. Khi đi vào triển khai, trong một “đám mây chính phủ”, các bộ, ngành có thể tương tác, chia sẻ và dùng chung hạ tầng đám mây để nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành, tác nghiệp… mà vẫn có được sự an toàn ở cấp độ cao nhất”, Bà Sangita Jayaraman, Giám đốc cao cấp về sản phẩm, Microsoft Châu Á Thái Bình Dương nhấn mạnh.

“Hiện nay, Điện toán đám mây có tầm ảnh hưởng rộng lớn tới nền công nghệ thông tin truyền thống và đang được coi là một trong những xu hướng chủ đạo đối với ngành CNTT toàn cầu. Khác với môi trường điện toán truyền thống, điện toán đám mây đang mở ra nhiều cơ hội mới cho tổ chức, cơ quan sử dụng: đem lại hiệu quả to lớn về mặt quản lý điều hành, tiết kiệm chi phí đầu tư, năng cao năng lực quản lý điều hành của tổ chức, doanh nghiệp. Bên cạnh việc đem lại hiệu quả thì vẫn còn nhiều thách thức liên quan đến bảo mật dữ liệu, tính riêng tư, quyền kiểm soát, việc tuân thủ quy định pháp lý, chất lượng dịch vụ, quyền lợi và trách nhiệm của các bên tham gia. Chúng tôi hy vọng sự kiện sẽ làm rõ hơn các khó khăn, thách thức nhằm đưa ra các giải pháp thúc đẩy phát triển điện toán đám mây tại Việt Nam”, Đại diện Vụ CNTT, Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ tại sự kiện.

Cũng trong khuôn khổ buổi hội thảo, các chuyên gia công nghệ của Microsoft đã chứng minh cam kết mạnh mẽ của mình trong việc tương tác tốt với cộng đồng phần mềm mã nguồn mở thông qua những giải pháp công nghệ như Windows Server Hyper V, System Center 2012, Data Center 2012 và sắp tới đây sẽ là hệ điều hành đám mây Windows Azuze. Với ưu điểm tích hợp nhuần nhuyễn với mọi nền tảng đa dạng hiện có bao gồm cả các nền tảng dựa trên phần mềm nguồn mở, đồng thời giám sát sâu các nền tảng lập trình khác nhau, giải pháp toàn diện của Microsoft sẽ giải được bài toán tiết kiệm chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng vốn luôn được coi là trở ngại lớn trên con đường thực hiện mục tiêu biến Việt Nam trở thành một nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông vào năm 2020.

“Tại Microsoft, chúng tôi đang thực hiện những bước chuyển mình chiến lược để tiến tới tương lai, hướng trực diện vào việc cải thiện trải nghiệm của người dùng xuyên suốt trên nhiều nền tảng khác nhau và nỗ lực để xây dựng một hệ sinh thái công nghệ thông tin có tính tương thích và cộng tác cao. Thông qua các giải pháp nền tảng đám mây mở từ Microsoft, chúng tôi hi vọng rằng sẽ đem đến sự chuyển mình mạnh mẽ trong lộ trình thực hiện Chính phủ điện tử tại Việt Nam”, ông Vũ Minh Trí, Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam cho biết.

Những đột phá trong các giải pháp công nghệ nền tảng mở của Microsoft sẽ mở đường cho sự phát triển của các trung tâm dữ liệu đám mây hiện đại, mạnh mẽ và hiệu quả. Sự linh hoạt, tính bảo mật, cùng tốc độ phân tích và xử lý thông tin ở mức độ cao , cũng như đảm bảo quy trình báo cáo liên tục và kịp thời của các giải pháp sẽ đóng góp vào quá trình ra quyết định của các cấp quản lý, xây dựng tầm nhìn chiến lược cho sự phát triển của Chính phủ điện tử, hướng đến mục tiêu cuối cùng là đem lại lợi ích lớn hơn cho công dân trong quá trình sử dụng các dịch vụ công năng động và thông minh. Theo ông Trần Văn Huệ, Giám đốc công ty Nhất Nghệ thì: “Rất nhiều các quốc gia đã và tiếp tục đánh giá cao giải pháp đám mây chính phủ của Microsoft, và coi đây là nền tảng để hướng tới xây dựng một hệ thống chính phủ điện tử hiệu quả, giúp người dân dược hưởng lợi nhiều hơn từ các dịch vụ công”.

H.Đ