“Gậy” pháp lý chưa đủ mạnh
Đời sống - Ngày đăng : 07:40, 12/06/2014
Phần lớn vi phạm về môi trường không gây hậu quả ngay. Hành vi vi phạm và tác động môi trường diễn ra âm thầm, nhiều vụ diễn ra trong thời gian dài. Đối tượng vi phạm thường có phương thức, thủ đoạn để che giấu, trốn tránh pháp luật. Song, vì ảnh hưởng nguy hại của vi phạm môi trường đối với đời sống là có thật, đôi khi tác động rõ rệt, hậu quả rất lớn, nên việc phát hiện vi phạm về môi trường là rất cần thiết.
Cán bộ Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (quận Long Biên) kiểm tra một cơ sở sang chiết ga trái phép trên địa bàn. |
Từ khi thành lập đến nay (tháng 11-2007), Cảnh sát Phòng chống tội phạm (PCTP) về môi trường (CSMT) CATP Hà Nội tổ chức triển khai 4 chuyên đề lớn, liên quan đến những lĩnh vực thường xuyên xảy ra vi phạm và vi phạm có ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội như: Quản lý chất thải nguy hại; vi phạm môi trường trong y tế, an toàn vệ sinh thực phẩm; sản xuất, kinh doanh hóa chất; khai thác, kinh doanh tài nguyên khoáng sản. CA đã phát hiện, bắt giữ hơn 8.400 vụ, hơn 8.500 đối tượng vi phạm, trong đó có hơn 6.100 cá nhân và hơn 2.400 tổ chức. Số lượng hàng hóa kém chất lượng, nguy hại hoặc không rõ nguồn gốc bị thu giữ rất lớn. Nhưng trong số chừng đó vụ việc được cho là vi phạm chỉ có 308 vụ, 379 bị can bị khởi tố hình sự. Số vụ việc, đối tượng vi phạm còn lại hầu hết chỉ bị xử lý hành chính.
Mặc dù được đánh giá là hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao, song đối với những CBCS làm nhiệm vụ bảo vệ môi trường vẫn chưa thực sự bằng lòng. Bởi lực lượng chức năng đã bỏ ra không ít công sức theo dõi, phát hiện, điều tra, xử lý các vụ việc nhưng hiệu quả chưa thật cao, vi phạm vẫn diễn ra hằng ngày mà nguyên nhân chính là do công cụ pháp lý giao cho họ còn yếu và thiếu. CBCS CSMT Hà Nội chưa quên vụ phối hợp với CA huyện Phú Xuyên, kiểm tra cơ sở sản xuất tương ớt ở thị trấn Phú Xuyên cuối năm 2011. Khi đó, CA phát hiện hàng trăm lít tương ớt thành phẩm đậm đặc chất Rhodamine B - hóa chất gây ung thư. Thế nhưng, lực lượng chức năng không thể xử lý hình sự do khó khăn trong việc chứng minh thứ tương ớt đó "gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe người tiêu dùng" theo luật định. Khó xử lý hình sự cũng chính là nguyên nhân khiến cho những doanh nghiệp gây ô nhiễm như Vedan, Hào Dương không nao núng khi vi phạm. Gần đây nhất, cuối tháng 4-2014, Công ty TNHH Đường mía Việt Nam - Đài Loan (ở huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa) bị phát hiện gây ô nhiễm môi trường không khí và nguồn nước, khiến người dân địa phương rất bức xúc, cũng chỉ bị CSMT và cơ quan chức năng phạt hành chính hơn 700 triệu đồng.
Theo Cục CSMT (Bộ CA), kết quả điều tra ý kiến dư luận về nội dung "biện pháp nào để cải thiện môi trường sống?" thì có đến 55% số người được hỏi đề cao biện pháp "có chế tài xử phạt nghiêm khắc". 20% ý kiến cho rằng cần có "định hướng và đầu tư của Chính phủ". 17% số người trả lời là "cần nâng cao nhận thức của người dân"... |
Về vấn đề này, CATP Hà Nội cho biết, hiện thẩm quyền và hành lang pháp lý của CSMT còn nhiều bất cập. Hệ thống văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường thường xuyên thay đổi, trong nhiều lĩnh vực không xác định được vị trí pháp lý, thẩm quyền của CSMT hoặc quy định chưa rõ, chưa cụ thể, dẫn đến việc một số hoạt động của CSMT còn mang tính phụ thuộc. Bên cạnh đó, nhiều quy định về công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm môi trường chưa phù hợp với tình hình thực tế. Đơn cử, việc xác định "hậu quả nghiêm trọng" đối với tội phạm môi trường (Điều 172 - Bộ luật Hình sự) còn khá mơ hồ, khiến cho việc định tội, xác định khung hình phạt gặp khó.
Theo Đại tá Doãn Hữu Châu, Trưởng phòng CSMT - CATP, Bộ luật Hình sự chưa khái quát hết tội phạm về môi trường dẫn đến kết quả phát hiện còn ít so với thực tế. Ngoài ra, chủ thể vi phạm pháp luật về môi trường nhiều khi là pháp nhân, không phải cá nhân, lại chưa được quy định là chủ thể phạm pháp nên việc xử lý cũng khó... Luật pháp về vi phạm môi trường nói chung, tội phạm về môi trường nói riêng còn khá lỏng lẻo dẫn đến việc vận dụng buộc phải theo hướng giảm nhẹ, không hình sự hóa. Nếu có thể khởi tố hình sự thì khung hình phạt cũng thấp, sức răn đe không cao.
Trong tình hình vi phạm, tội phạm về môi trường ngày một gia tăng, mức độ, tính chất ngày càng nguy hiểm thì hình phạt nhẹ không thể đủ sức ngăn ngừa. Ngoài hậu quả đối với đời sống dân sinh, việc vi phạm về môi trường không bị xử lý nghiêm còn gây bức xúc, dẫn đến những hành vi tự phát của người dân, như đã từng xảy ra tại nhiều địa phương. Bên cạnh đó còn một nghịch lý là đã tổ chức một lực lượng CSMT nhưng không cho một công cụ pháp lý đủ mạnh để thực thi quyền hạn theo đúng chức trách là cơ quan CA. Đó là vấn đề cần sửa đổi sớm để bảo vệ và cải thiện môi trường sống.