Hàng Việt: Chật vật trên “sân nhà”

Kinh tế - Ngày đăng : 07:02, 11/06/2014

(HNM) - Hàng Việt trong thời gian gần đây chiếm nhiều lợi thế khi hàng loạt các thông tin về chất lượng hàng hóa không rõ nguồn gốc từ nước ngoài nhập vào đã đánh mất niềm tin trong người tiêu dùng.

Sản phẩm của Công ty Hanh Thông đang “tắc” ở thị trường nội địa.



Bà Huỳnh Thị Lộc Thọ, Giám đốc Công ty Hanh Thông chuyên sản xuất các sản phẩm từ cây chùm ngây (moringa) cho biết, hiện nhiều sản phẩm của Hanh Thông như trà chùm ngây, cà phê chùm ngây… đã xuất khẩu đi nhiều nước như: Trung Quốc, Nigieria, Thái Lan, Myanmar, Campuchia… nhưng rất khó tiêu thụ trong nước. Theo bà Lộc Thọ, khi đi chào hàng tại một số siêu thị thì bị bộ phận thu mua từ chối với lý do… không biết sản phẩm này! "Họ không biết thì không quan tâm sản phẩm của mình mặc dù sản phẩm đã được đăng ký và được Bộ Công thương đưa đi tham dự các hội chợ quốc tế để chào hàng", bà Lộc Thọ kể. Hiện sản phẩm này chỉ bán ở vài siêu thị như Maximax, Citimart và vài cửa hàng nhỏ lẻ. Doanh thu hiện tại là xuất khẩu chiếm 80%, thị trường nội địa 20%.

Đưa hàng vào siêu thị đã khó, vào chợ cũng không dễ dàng gì. Theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao - đơn vị thực hiện dự án đưa hàng Việt vào chợ - thì hàng Việt vào chợ cũng rất khó, kể cả những thương hiệu Việt có tiếng.

Khi đã vào được chợ thì các doanh nghiệp không chỉ cạnh tranh về mẫu mã, chất lượng, giá cả mà còn phải đương đầu với các chiêu "biến hóa" của hàng kém chất lượng. Ông Lý Thành Sinh, Giám đốc Công ty TNHH Minh Hưng Long chuyên sản xuất quần áo trẻ em cho biết, công ty đã chọn phân khúc không phụ thuộc vào model là quần áo trẻ em có mức giá phù hợp với công nhân lao động, người tiêu dùng nông thôn. Tuy nhiên, tiêu thụ hiện đang gặp quá nhiều khó khăn không chỉ do kinh tế suy thoái, sức mua yếu mà còn gặp vấn nạn hàng giả.

Là một trong những đơn vị có hệ thống phân phối lớn nhất nước, ông Nguyễn Thành Nhân, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết hiện Co.opmart có 600 nhà cung cấp hàng Việt. Theo ông Nguyễn Thành Nhân, có 3 tiêu chuẩn cơ bản để hàng hóa có thể vào được hệ thống siêu thị hiện đại. Quan trọng nhất là chất lượng. Theo đó, không chỉ chất lượng tốt mà còn phải ổn định. Ông Nhân kể, siêu thị Co.opmart luôn tìm kiếm các doanh nghiệp vừa và nhỏ sản xuất, chế biến các loại đặc sản vùng miền để đưa vào siêu thị. Tuy nhiên, các cơ sở sản xuất hoặc doanh nghiệp nhỏ, khi được yêu cầu cung cấp số lượng lớn, quy mô lớn thì chất lượng lại không ổn định. Bên cạnh đó, điểm yếu của hầu hết các doanh nghiệp Việt là dịch vụ logistics (vận chuyển, lưu giữ, cung ứng hàng hóa…). Hàng hóa không tới được điểm bán hoặc kho nhà bán lẻ đầy đủ thì cơ hội bán hàng sẽ mất đi. Yếu tố thứ 3 là hàng hóa phải phù hợp thị hiếu nhu cầu và xu hướng của người tiêu dùng. Nhà sản xuất cần phải sản xuất dựa trên nghiên cứu thị trường để cho ra sản phẩm người tiêu dùng cần. Cùng một sản phẩm, chất lượng, mẫu mã như nhau thì sản phẩm có yếu tố độc đáo sẽ được lựa chọn đưa vào hệ thống phân phối.

Thùy Linh