Phía sau tác phẩm của nhà lý luận phê bình văn học
Văn hóa - Ngày đăng : 06:41, 11/06/2014
Có thể kể đến tác phẩm mới nhất - cuốn "Vẫy vào vô tận" của Đỗ Lai Thúy vừa ra mắt trong tháng này. Trước đó, năm 2013 có "Mùi chữ" của Nguyễn Hoài Nam, "Không gian văn học đương đại" của Đoàn Ánh Dương, "Chân lý và hư cấu" của Ngô Hương Giang, "Thời tốc độ và tâm lý sáng tạo" của Phạm Khải…
Phong cách nghiên cứu, góc nhìn, chiều sâu của vấn đề khác nhau. Mức độ hòa quyện giữa tính hàn lâm, tính báo chí, tính văn học trong mỗi tác phẩm, mỗi bài viết cũng có sự khác. Nhưng, có một nội dung quan trọng thường được đề cập trong những công trình này là sự tái hiện gương mặt, cốt cách, số phận văn học của các văn nhân, các nhà khoa học có đóng góp cho văn chương bằng con mắt thẩm bình chuyên nghiệp, cho dù đó là người của quá khứ hay đương đại, lừng lững cây đa, cây đề hay là khoảnh khắc vụt sáng trong đời sống văn nghệ.
Ta gặp lại, trong chiều sâu tâm tưởng, những nhà thơ Chế Lan Viên, Tố Hữu, Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ hay những cây bút văn xuôi như Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Xuân Khánh, Ma Văn Kháng… Vấn đề là gương mặt quen không được nhận diện qua cái nhìn cũ, có khám phá mới mang tính phát hiện nhưng vẫn giữ được sự nhất quán. Như trong cuốn tiểu luận, phê bình văn học "Thời của tốc độ và tâm lý sáng tạo", Phạm Khải viết về Lưu Quang Vũ với góc nhìn "Di cảo Lưu Quang Vũ: Những điều ký gửi". Trong "Mùi chữ", Nguyễn Hoài Nam viết "Lưu Quang Vũ - yêu nước và thương nước"… Ta cũng gặp lại những gương mặt trí thức đã in đậm dấu ấn trong đời sống văn hóa, văn học nước nhà như Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Hiến Lê, Hoàng Ngọc Hiến… "Vẫy vào vô tận" của nhà phê bình Đỗ Lai Thúy đánh giá Hoàng Ngọc Hiến: "Với hai bàn chân của mình, anh Hoàng Ngọc Hiến đã di chuyển nhiều trong cả không gian địa lý lẫn không gian học thuật. Tuy nhiên, ít nhất với tôi, mảnh đất anh để lại dấu chân to và đậm hơn cả là phê bình văn học".
Phải nói, việc mở ra những cánh cửa mới để hiểu thêm những gương mặt văn chương trong quá khứ hay hiện tại, thực ra cũng là để hiểu hơn về nghề văn với những nguyên lý và quy luật sáng tạo nhất quán không thể phủ nhận được. Bằng việc công bố các tác phẩm, nhà phê bình cũng cho thấy sự hiện diện, vai trò của họ trong giới nghề nghiệp và cả trong định hướng văn hóa đọc của cộng đồng. Ngô Hương Giang viết trong cuốn sách mỹ học - lý luận văn học về nghề văn: "Nhà văn xuất chúng phải là những người có tầng sâu và dày tri thức về Con Người. Ý thức sáng tạo của họ phải chạm sâu đến sự "sợ hãi" và "xót thương" của nhân loại, khiến bất cứ ai khi đọc tác phẩm của họ cũng phải rùng mình…". Hay trong "Mùi chữ", Nguyễn Hoài Nam có riêng phần ba để "Nghĩ về văn chương".
Đỗ Lai Thúy là người "có thẩm quyền" trong địa hạt này bởi hàng loạt tác phẩm - công trình mà ông đã công bố, trong đó có tiểu luận "Bút pháp của ham muốn" (phê bình phân tâm học) đã đoạt Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội 2010, Giải thưởng Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội 2011. Ông từng chia sẻ "Một nhà phê bình nhất thiết phải có hiểu biết lý thuyết. Biết, nhưng không phải để thồ chữ, mà để kết hợp với kinh nghiệm sống và kinh nghiệm thẩm mỹ nhằm kiến tạo những mô hình nghiên cứu. Nhờ đó, khám phá và diễn giải tốt hơn các hiện tượng của văn học Việt Nam".
Như trên đã nói, tác phẩm của nhà lý luận phê bình cũng là một đối tượng của sự đánh giá, nhận xét. Muốn nhận chân tác phẩm ấy hay dở thế nào, có đóng góp đến đâu trong đời sống văn hóa nước nhà… thì cần có sự tranh luận giữa chính các nhà phê bình với nhau, cho ra những kiến giải mang tính học thuật ở trình độ cao. Chính những điều đó làm nên giá trị cho các tác phẩm được nhà lý luận phê bình công bố.