Cách nào thiết thực nhất?
Kinh tế - Ngày đăng : 06:26, 11/06/2014
Sau gần 5 năm thực hiện CVĐ, công tác tuyên truyền đã có nhiều tiến bộ, góp phần tích cực vào việc nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng (NTD) và doanh nghiệp (DN). Mặt trận Tổ quốc các cấp đã tập trung tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, tác dụng của CVĐ, về tiêu chuẩn, chất lượng, giá thành các sản phẩm do DN trong nước sản xuất, nhất là những sản phẩm hàng hóa thiết yếu đối với đời sống của người dân như lương thực, thực phẩm, hàng dệt may, đồ gia dụng, đồ điện tử… Những vấn đề cần khắc phục trong sản xuất, kinh doanh, quản lý, phân phối và tiêu dùng cũng được phản ánh đầy đủ. Từ đó, DN đã có sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức và tư duy kinh tế, bên cạnh việc chú trọng phát triển thị trường tại các thành phố lớn, trung tâm kinh tế, dần quay lại với thị trường nông thôn; từng bước xóa dần tâm lý sính ngoại trong một bộ phận cán bộ và nhân dân, làm thay đổi hành vi và xây dựng được văn hóa tiêu dùng hàng Việt Nam trong các tầng lớp nhân dân. Qua các hình thức tuyên truyền, NTD đã biết đến nhiều sản phẩm trong nước uy tín, có thương hiệu. Niềm tin của NTD dành cho hàng Việt ngày càng nâng lên.
Người tiêu dùng ngày càng thích lựa chọn những sản phẩm thiết yếu là hàng Việt Nam. Ảnh: Duy Anh |
Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận lại một cách nghiêm túc, CVĐ này tuy được triển khai sâu rộng, nhưng chưa có tính thuyết phục cao, thiếu tính đồng bộ giữa các cấp, ngành, địa phương. Việc định hướng tuyên truyền về CVĐ thì cụ thể, nhưng khi tổ chức thực hiện lại chung chung, thiếu thường xuyên, liên tục, chưa làm thay đổi căn bản nhận thức của NTD về hàng Việt, nhất là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa… nên sức lan tỏa và hiệu quả của CVĐ còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân không chỉ do công tác chỉ đạo, hướng dẫn, tuyên truyền của các cơ quan chức năng ở nhiều địa phương và công tác phối hợp tuyên truyền chưa thường xuyên, liên tục, chưa phù hợp với đặc điểm, điều kiện, tập quán tiêu dùng của nhân dân, mà còn do cơ quan lãnh đạo, quản lý nhà nước nhận thức chưa đúng mức về vấn đề này.
Để công tác tuyên truyền về CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" những năm tiếp theo phát huy được hiệu quả, các ngành có liên quan cần nhận thức rõ đây là nhiệm vụ quan trọng nhằm phát huy tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc, ý thức tự lực, tự cường trong sản xuất, kinh doanh hàng tiêu dùng Việt. Bên cạnh đó, tiếp tục duy trì và mở thêm chuyên mục mới với thời lượng nhiều hơn, giúp NTD biết đến các sản phẩm đạt tiêu chuẩn, chất lượng do DN trong nước sản xuất, để NTD có cơ sở so sánh, lựa chọn ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Việc đẩy mạnh tuyên truyền hoạt động tôn vinh các nhà sản xuất tham gia hưởng ứng thực hiện CVĐ để quảng bá hình ảnh, thương hiệu uy tín của DN tới NTD trong nước, động viên tinh thần các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp, hưởng ứng thực hiện CVĐ cũng rất cần thiết. Nội dung, hình thức tuyên truyền CVĐ cần phong phú, đa dạng, thiết thực và hấp dẫn, phù hợp với tâm lý, thị hiếu, văn hóa từng địa phương, vùng miền và có trọng tâm.
Ưu tiên dùng hàng Việt là thể hiện thái độ yêu nước của NTD, còn sản xuất ra hàng Việt có chất lượng tốt, phù hợp với thị hiếu và thu nhập của người dân là thể hiện tinh thần yêu nước của DN và doanh nhân. Hàng hóa khi được đưa ra thị trường phải là sản phẩm có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, được gắn nhãn mác đầy đủ, niêm yết giá rõ ràng. Thực tế, đây là cách thức tuyên truyền trực tiếp mang lại hiệu quả cao và thiết thực nhất để NTD trong nước tin tưởng lựa chọn hàng Việt Nam ngày càng nhiều hơn. Những hành vi lợi dụng lòng tin của NTD để trà trộn hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm… cần được xử lý nghiêm với mức phạt nặng để những "con sâu" không làm ảnh hưởng đến CVĐ.